Một đoạn tuyến thuộc gói thầu XL7, XL8 dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thi công
Các mỏ vật liệu được cấp phép cho tư nhân khai thác, bán với giá “cắt cổ” khiến nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam như ngồi trên lửa. Trong khi, hàng chục mỏ với trữ lượng lớn nằm gần khu vực dự án đi qua, dù đã nằm trong quy hoạch vẫn đang đắp chiếu với lý do “vướng thủ tục cấp phép”. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về các giải pháp, cơ chế, chính sách để tình trạng này không tiếp diễn.
Ông Mai Xuân Liêm (Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa):
Cách nào tốt nhất mà không trái luật là làm
Về cách làm của tỉnh Quảng Ninh trong việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho các dự án, tôi cho rằng, cách làm như thế nào mà nhanh nhất, tốt nhất và đảm bảo quy định của pháp luật là làm được hết.
Tỉnh nào làm được mà đúng quy định thì Thanh Hóa cũng sẽ làm được. Bây giờ chủ đầu tư phải tổng hợp lại của các Ban điều hành dự án xem thiếu vật liệu gì, đề xuất giải pháp để từ đó tỉnh căn cứ xem xét trách nhiệm quản lý của địa phương, doanh nghiệp.
Ông Cao Tiến Dũng (Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai):
Sử dụng đất gò đồi đạt yêu cầu kỹ thuật
Trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, chuẩn bị triển khai các tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Sân bay Long Thành và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác. Do vậy cần rất lớn nguồn đá xây dựng, vật liệu san lấp để thi công.
Đối với việc cấp phép các mỏ đá, tỉnh đã đáp ứng đủ nhu cầu thi công các dự án. Tuy nhiên đất làm vật liệu san lấp chưa đảm bảo đủ khối lượng theo yêu cầu các công trình. Trong khi đó, việc cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp phải thực hiện đúng các bước theo quy định, rất nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp.
Đầu tháng 3, tỉnh đã có văn bản báo cáo gửi Chính phủ đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm nằm trên hoặc đi qua địa bàn tỉnh. Để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, trước mắt, kiến nghị chấp thuận cho tỉnh được cấp giấy phép hạ độ cao khu vực gò đồi có đất đạt yêu cầu kỹ thuật, sử dụng làm làm vật liệu san lấp.
Ông Phan Quang Hiển (Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT):
Đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương nơi có dự án đi qua rút ngắn thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT ban hành văn bản đề nghị các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa thể khai thác; cấp phép khai thác các mỏ đã có trong quy hoạch, nâng công suất khai thác các mỏ có công suất nhỏ; gia hạn giấy phép mỏ đối với các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương có dự án đi qua chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng, có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Về phía Bộ GTVT cũng đã có nhiều giải pháp chủ động để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu, nhất là nguồn đất đắp phục vụ thi công nhằm đảm bảo tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Trong đó, Bộ đã yêu cầu các BQL dự án lập phương án điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền từ các vị trí đào trên tuyến điều phối sang để đắp các đoạn nền đắp, ưu tiên các các đoạn phải xử lý nền đất yếu nhằm kịp tiến độ gia tải. Chẳng hạn, dự án Cam Lộ - La Sơn có thể tận dụng được hơn 1 triệu m3 đất đào để phục vụ đắp nền.
Mặt khác, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền. Như tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự kiến tận dụng được khoảng hơn 1 triệu m3 vật liệu đào thải dùng để đắp nền.
Về việc UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có đề xuất cho phép sử dụng đất, đá thải tại các mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, đất đá thải tại các mỏ than hoàn toàn có thể tận dụng được để sử dụng thi công đắp nền đường tại các dự án giao thông.
Trước khi đưa vào công trình, cơ quan liên quan cần tiến hành thí nghiệm để xác định cường độ, chất lượng của vật liệu, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật thì đưa vào đắp nền cho dự án là hoàn toàn phù hợp.
Thi công đoạn tuyến dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế (Đến nay, dự án còn thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp)
Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI):
Trưng dụng mỏ vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia
Cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, dự án đi qua rất nhiều tỉnh thành. Dù các mỏ đã được phân quyền giao cho các địa phương nhưng rất cần Chính phủ có biện pháp quản lý.
Để giải quyết các vướng mắc về tình trạng khan hiếm vật liệu đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra quy định, thậm chí đưa hẳn một điều khoản vào trong các luật hiện hành với nội dung đối với công trình trọng điểm quốc gia, Nhà nước có quyền trưng dụng lại các mỏ vật liệu.
Chỉ có giải pháp như vậy các nhà thầu mới có thể mua được vật liệu với giá theo đúng dự toán trong hồ sơ mời thầu và chắc chắn sẽ không có tình trạng đầu cơ, thao túng giá vật liệu.
Tiếp theo là trách nhiệm của địa phương, Nhà nước cần có quy định những tỉnh, thành nào có công trình trọng điểm quốc gia đi qua, chính quyền địa phương đó phải cam kết cung cấp đủ nguồn vật liệu thi công cho dự án, chứ không thể để tình trạng như hiện nay, địa phương giao hết mỏ vật liệu cho tư nhân, rồi tư nhân cấu kết với nhau để thao túng giá.
Thực chất, giá đất, cát, sỏi, của chúng ta rất rẻ bởi 70% địa hình đất nước là đồi núi nhưng khi đưa vào công trình lại rất đắt.
Theo tính toán, nếu Nhà nước đứng ra tổ chức khai thác cát ở sông Hồng, sông Lô, chi phí mỗi m3 chỉ khoảng 10.000 đồng, nhưng khi giao cho tư nhân khai thác họ bán giá lên tới 150.000 đồng/m3. Chi phí xây dựng của chúng ta còn hơn ở các nước ít tài nguyên như Nhật Bản, Đức… rõ ràng là công tác quản lý tài nguyên còn nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục.
Cuối cùng là trách nhiệm của nhà thầu. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, cơ quan có thẩm quyền cần phải lựa chọn những nhà thầu có nhiều năng lực, kinh nghiệm. Trước khi tham gia đấu thầu, các nhà thầu cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tự bỏ kinh phí khảo sát các mỏ vật liệu.
Khi đã trúng thầu rồi thì nhà thầu phải làm đúng theo hồ sơ mời thầu, không được kêu ca chuyện vật liệu đắt hay rẻ so với dự toán trong hồ sơ mời thầu.
TS. Thái Duy Sâm (Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam):
Mở rộng vật liệu thi công nền đường
Thực chất, thị trường vật liệu san lấp trong nước nói chung không hề khan hiếm, nếu có thì chỉ xảy ra cục bộ ở một vài nơi thuộc ĐBSCL. Tuy nhiên, trước tiến độ của cao tốc Bắc - Nam với yêu cầu khối lượng lớn trong thời gian ngắn, các chủ mỏ vật liệu san lấp đã lợi dụng làm chiêu trò tăng giá hòng kiếm lời.
Do đó, để giải quyết tình trạng trước mắt, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án cao tốc cần xem xét mở rộng sản phẩm vật liệu san lấp thay thế như cát nhân tạo hay chất thải rắn từ các mỏ khai thác khoáng sản hoặc tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện.
Hiện, Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích sử dụng chất thải rắn làm vật liệu xây dựng, tuy nhiên theo phản ánh thực tế vẫn còn các địa phương gây khó khăn về thủ tục cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đơn cử như đất đá thải từ hoạt động khai thác các mỏ than lâu nay vẫn chưa được tận dụng hiệu quả mà hầu hết vẫn đang phải tập kết tại các bãi thải. Các nước trên thế giới từ lâu họ đã tận dụng đất đá thải từ các mỏ khoáng sản để làm vật liệu san lấp.
Tại Việt Nam về cơ bản, chất thải từ khai thác mỏ không có gì độc hại. Vấn đề để tận dụng vào việc san lấp cho hiệu quả cần phải kiểm tra chất lượng, tính chất cơ lý có đáp ứng được các chỉ tiêu, tiêu chuẩn thiết kế của từng dự án cụ thể hay không? Hiện các phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng hay Bộ GTVT hoàn toàn có khả năng làm việc này.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính):
Không để tài nguyên quốc gia bị trục lợi
Việc mua bán vật liệu thi công là cơ chế thị trường. Nhưng ở đây cũng phải có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý thị trường địa phương, xem có vấn đề lợi dụng để đẩy giá lên một cách bất bình thường hay không.
Do đó, các nhà thầu có thể tìm đến cơ quan quản lý địa phương giải quyết vấn đề. Nếu chủ mỏ tăng giá thì mức chênh lệch đó phải nộp thuế tài nguyên vào ngân sách để tránh thất thoát. Khi đó, nếu chủ mỏ thấy không có lợi nhiều thì sẽ không tăng giá nữa.
Ở đây, phải có sự quản lý của các đơn vị là Chi cục QLTT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Sở GTVT tại địa bàn. Các Sở này quyết định giá nguyên, vật liệu xây dựng, họ sẽ đưa ra ba-rem giá, UBND tỉnh quyết định giá nguyên, vật liệu để ổn định giá cả trên địa bàn.
Trong câu chuyện này không có cơ chế bù giá bởi giá là theo thị trường, đấu thầu cũng theo giá của cơ chế đấu thầu chứ không có cơ chế tăng giá đấu thầu nữa. Bởi, nếu bù giá thì sẽ dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư.
Để đảm bảo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp đang thi công những công trình lớn của quốc gia, có tính lan tỏa thì các doanh nghiệp đề nghị địa phương có biện pháp tránh đầu cơ, độc quyền giá nguyên, vật liệu. Đây cũng là tài nguyên quốc gia nên phải tính đúng, tính đủ thu về cho ngân sách những khoản thu từ đất.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp tìm giải pháp
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý thông tin báo chí nêu hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu.
Trước đó, báo chí (trong đó Báo Giao thông cũng đã có loạt bài điều tra công phu) phản ánh tình trạng nhiều dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu xây dựng, trong khi các mỏ phải chờ địa phương cấp phép khai thác, có thể ảnh hưởng đến tiến độ công trình; các địa phương cần quản lý về giá, có giải pháp, chế tài kịp thời để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương liên quan đánh giá và có giải pháp phù hợp trước tình trạng nhiều dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu xây dựng.
P.V
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận