Xã hội

Mưa lũ miền Trung: 3.000 hộ dân đang bị cô lập, Quảng Nam cầu cứu Chính phủ

30/10/2020, 18:30

Tình hình mưa lũ miền Trung ngày 30/10: Lũ các sông từ Nghệ An - Quảng Ngãi đang lên, nhiều nơi dân cư bị ngập sâu, sạt lở, đe dọa người dân.

img
Sau bão số 9 nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân

Mưa lũ miền Trung ngày 30/10 diễn biễn lại phức tạp, các tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi có mưa to, nhiều nơi xả lũ. Tại Quảng Nam, thiệt hại nặng nề về người và tài sản sau bão số 9. PV Báo Giao thông cập nhật liên tục tình hình mưa lũ miền Trung ngày 30/10.

Quảng Nam: 3.000 hộ dân ở Phước Thành đang bị cô lập

UBND tỉnh Quảng Nam, vừa có báo cáo về thiệt hại sau bão số 9, tính đến chiều 30/10.

Theo đó, do ảnh hưởng của bão Molave, các địa phương trong tỉnh đã có gió bão lớn, mưa to đến rất to, nước lũ dâng cao làm sạt lở cầu cống, đường giao thông, sạt lở núi làm vùi lấp nhà cửa, công trình công cộng gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi.

Trong đó, do bị sạt lở núi trên địa bàn huyện Phước Sơn nên đã chia cắt giao thông, gây cô lập khoảng 3000 hộ dân tại 02 xã Phước Lộc, Phước Thành từ ngày 28/10/2020 đến nay.

Do bão, lũ quá lớn, nhiều nhà dân tại 2 xã này bị hư hại toàn phần, lương thực, gia súc, nhu yếu phẩm bị cuốn trôi. Do đoạn đường để di chuyển từ trung tâm huyện đến 2 địa phương này khá xa (trên 50km), bị chia cắt bởi các điểm sông, suối và sạt lở đất rất phức tạp nên việc tiếp cận, tiếp tế rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ sắp xuất hiện cơn bão số 10.

"Trước tình hình cấp bách nêu trên, UBND tỉnh kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn phòng không 372, lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng phương án tiếp tế ngay lương thực, nước uống, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác đảm bảo trong thời gian 30 ngày cho số lượng người tại 02 xã Phước Lộc, Phước Thành đang bị cô lập bằng đường không đảm bảo kịp thời và an toàn nhất", công văn viết.

18h35: Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến 18h hôm nay (30/10), có 23 người chết, 50 người mất tích, 66 người bị thương do bão số 9.

Hình ảnh khu vực sạt lở ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam

img
img
img
img

Kon Tum: 1 người mất tích trưa nay

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Kon Tum, tính đến 11h trưa ngày 30/10, trên địa bàn tỉnh này có 1 người mất tích tại huyện Tu Mơ Rông. Người mất tích được xác định là bà Y Hrúi (bị tâm thần) trú tại thôn Tam Rin, xã Ngọk Yêu).

Theo đó, khoảng trong lúc xã Ngọk Yêu tiến hành di dời người dân tại thôn Tam Rin thì không phát hiện bà Hrúi. Ngoài ra, tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei có một người bị thương do bị tôn rơi trúng đầu. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Kon Tum tính đến trưa 30/10, toàn tỉnh có 1.792 nhà bị thiệt hại. Số hộ di dời khẩn cấp 1.052 hộ.

img
Sạt lở ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.

Thiệt hại về giao thông: Các tuyến đường QL 24, QL14C, QL40, QL40B, Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, Đường tỉnh lộ 675, Đường tỉnh lộ 677, Đường Sa Thầy -Yaly - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - Làng Rẽ (Mô Rai) và các tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Đăk Glei, KonPlông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Rẫy.... bị sụt ta luy dương, ta luy âm hàng chục vị trí với khối lượng khoảng 148.360m3. 29 cái cầu, 14 cái cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sạt lở, một số cây lớn ngã đổ chắn ngang đường hơn hơn 228 điểm bị sạt lở gây ách tác giao thông...

img

Tổng giá trị thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh này khoảng 369 tỷ đồng.

Gia Lai: Đi tránh bão, 1 người tử vong

Thống kê vào cuối giờ chiều ngày 29/10 cho biết, tỉnh này có 1 người chết do tránh bão tại TP. Pleiku. Nạn nhân là Pyan (32 tuổi, trú ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng, Pleiku).

Người bị thương là Trần Thị Thu Duyên (quê tại Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị bức tường đổ sập trúng khiến đa chấn thương.

Thống kê của tỉnh Gia Lai cho biết, bão số 9 làm 18 căn nhà bị sập (3 căn bị sập 1phần). Tốc mái 687 căn nhà, gồm: Kbang (156); Kong Chro (17); Đak Đoa (38); Mang Yang (13), Chư Sê (46); Pleiku (82); Phú Thiện (21); Chư Prông (20); Ia Grai (07), An Khê (189); Đak Pơ (61); Chư Păh (16); Chư Pưh (16); Krong Pa (5). 60 hộ dân bị ngập nước tại huyện Kbang.

Thiệt hại về các công trình giáo dục: Tốc mái 02 nhà ở giáo viên tại huyện Kong Chro; 04 điểm trường tốc mái một phần tại huyện Chư Sê; 03 phòng học bị tốc mái tại huyện KBang; tốc mái nhà xe với diện tích 100m2 tại Kbang; tốc mái 02 điểm trường học tại huyện Chư Sê và sập mái che nhà xe; 01 trường học bị tốc mái, 01 trường bị sập nhà để xe và 03 trường học bị sập tường rào tại Tx An Khê; sập đổ tường rào trường mẫu giáo (Đak Pơ); sập 45m tường rào trường học tại Krong Pa.

Có 3 nhà Rông tại huyện Kong Chro; 01 hội trường thôn bị tốc mái tại Pleiku; 01 cổng làng văn hóa bị đổ tại Chư Sê; 04 cổng chào bị ngã tại TP. Pleiku; Tại An Khê sập 01 mái che khu di tích xã Song An và 08m trường rào nhà văn hóa xã; Tốc mái 01 trạm y tế xã tại An Khê.

Về Giao thông, có 14 điểm sạt lở tại Đèo Kon Pne tại huyện Kbang; 30m đường bê tông tại Mang Yang; 2,5km đường giao thông nội đồng bị sạt lở, sụt lún tại An Khê. Toàn tỉnh Gia Lai có trên 2.066ha lúa, 543,4 ha rau, 445 ha đậu đỗ, 67 ha ngô, 93 ha cây ăn quả và 11,75 cây công nghiệp bị thiệt hại.

Quảng Nam: 70 công nhân Thuỷ điện Đăk Mi 2 tự giải cứu bằng ròng rọc

15h ngày 30/10, Thông tin từ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam cho biết, 70 công nhân của thuỷ điện Đăk Mi 2 đã tự giải cứu bằng ròng rọc.

Theo đó, khoảng 13h chiều cùng ngày, sau khi mực nước lũ trên Sông Nước Mét đoạn có cầu bê tông (đã bị lũ cuốn trôi) bắc ngang qua Thủy điện Đăk Mi 2 hạ dần, các công nhân của thủy điện Đăk Mi 2 đã sử dụng dây cáp làm ròng rọc và tự thoát ra khỏi khu vực cô lập. Hiện tại đã có khoảng 70 công nhân thoát khỏi khu vực nhà máy.

Do vị trí các khu vực Thủy điện bị sạt lở nặng nên hiện tại, nhiều công nhân chưa đến được Trung tâm nhà máy để thoát ra ngoài.

Được biết, sau khi nhận được thông báo vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và UBND tỉnh, thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại xã Phước Công, huyện Phước Sơn để trực tiếp điều hành công tác tìm kiếm, ứng cứu người bị nạn.

Các phương án khẩn trương được đưa ra, trong đó nếu việc tiếp tế lương thực cho các công nhân bằng đường bộ và đường thủy gặp khó khăn, sẽ tính đến phương án dùng trực thăng cứu hộ, vì thời tiết các xã miền núi cao huyện Phước Sơn sương mù dày đặc nên chưa thể dùng phương án bay để cứu hộ.

Hiện tại các lực lượng chức năng đang tích cực điều chỉnh các phương án để tiếp cận hiện trường vụ sạt lỡ núi và Thủy Điện bị cô lập trong thời gian sớm nhất.

Được biết, các lực lượng tiền trạm cứu hộ đang cơ động theo hướng từ xã Phước Kim qua Phước Thành đến Phước Lộc hiện nay đã đến xã Phước Thành. Như vậy, còn 8,2 km đường núi sạt lở các lực lượng tiền trạm sẽ tiếp cận được hiện trường xã Phước Lộc, nơi còn 8 người dân mất tích do sạt lở núi.

Tính đến thời điểm này, chính quyền và người dân đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tuy nhiên hiện chưa tìm thấy thêm thi thể nạn nhân nào.

Các bệnh viện ở Nghệ An sẵn sàng ca nô, thuốc, hỗ trợ bệnh nhân

Trưa 30/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Hiên tại Sở đã thành lập 2 Tổ công tác, một tổ trực tiếp đến các bệnh viện bị ngập nhẹ để kiểm tra, tổ còn lại sẽ hỗ trợ 2 bệnh viện đang nằm trong vùng bị ngập lụt nặng là Đô Lương và Thanh Chương để tổ chức hội chẩn trực tuyến sử dụng vốn tại chỗ cấp cứu các bệnh nhân nặng. Hiện cả hai bệnh viện Đô Lương và Thanh Chương nằm ở khu vực cao nên đang an toàn.

“Sở đã yêu cầu các bệnh viện Thanh Chương, Đô Lương... khẩn trương gia cố hạ tầng, chuẩn bị thuốc, máy phát điện, đội cấp cứu ngoại sẵn sàng đón lũ”, ông Chỉnh nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đức Hải, Giám đốc bệnh viện huyện Đô Lương cho biết, hiện tại bệnh viện ở trên cao nên chưa bị ngập, song sẽ cô lập khi xung quanh đều ngập. Bệnh viện đã tổ chức gia cố những nơi trọng yếu, chuẩn bị sẵn thuốc men, máy phát điện để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong mọi tình huống. Hai đội cấp cứu ngoại viện, mỗi đội 13 người và kíp trực 30 y bác sĩ, sẵn sàng.

img
Lực lượng huyện Thanh Chương chuẩn bị xuồng đưa dân vùng lũ đến nơi an toàn

Tại huyện Thanh Chương, nước lũ bắt đầu dâng cao, phía trước cổng bệnh viện đã bị ngập, còn trong khuôn viên đang an toàn. Các tuyến đường bị chia cắt, nguy cơ sạt lở, không thể di chuyển bằng phương tiện thông thường, bệnh nhân tới viện phải gọi lực lượng cứu hộ hỗ trợ. Nhiều tuyến đường trên địa bàn cũng đã ngập sâu, sạt lở nên một số xã đã bị cô lập. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng di dời khẩn cấp 1.000 hộ dân để đảm bảo an toàn tính mạng trong đêm.

“Đối với những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Thanh Chương nếu diễn biến xấu, chúng tôi sẽ phối hợp với phía bệnh viện hỗ trợ thuyền, bè, ca nô để đưa bệnh nhân cấp cứu kịp thời”, ông Trịnh Thanh Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thông tin.

img
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra, hỏi thăm bà con vùng ngập lũ ở xã Quang Sơn (huyện Đô Lương)

Trong sáng 30/10, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đi kiểm tra và thăm hỏi bà bà con vùng ngập lụt ở làng Văn Hà (xã Quang Sơn, huyện Đô Lương). Hiện tại, làng đang có gần 100 nhà dân bị ngập sâu có nơi 0,8 - 1,2m.

Tại đây, ông Trung yêu cầu huyện Đô Lương cùng với các xã trên địa bàn huyện thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ; bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ đến hỗ trợ nhân dân di dời nhân dân đến nơi an toàn và đảm bảo tài sản, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý các tình huống khi mưa lũ tiếp tục dâng cao.

Công điện khẩn ứng phó lũ Nghệ An và Hà Tĩnh dâng cao

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT vừa có công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu chủ động đối phó với tình hình mưa lũ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.

Cụ thể, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện lũ trên sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang trên báo động 2 và tiếp tục lên.

Do đó, công điện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN hai tỉnh trên tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

"Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn.

Đối với dân cư ở các khu vực ngoài bãi sông, vùng ngập lũ có phương án chủ động sơ tán người và tài sản để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố...", công điện nêu rõ.

Quảng Nam: Tìm thấy thêm 2 thi thể tại Trà Leng

11h25: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa tìm thêm được 2 thi thể tại thôn 2 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My nâng lên số người chết là 8 người.

Tính đến thời điểm này, 12 người vẫn mất tích. Hiện các lực lượng cứu hộ của Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh và Ban CHQS huyện Nam Trà My đang dồn sức nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.

Trước đó, đêm 28/10, tại xã Trà Leng, Trà Vân huyện Nam Trà My xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng do lũ ống, lũ quét làm 8 người dân xã Trà Vân tử vong và 11 hộ gia đình gồm 53 nhân khẩu tại thôn 2 xã Trà Leng rơi vào cảnh tang thương.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, 33 người được cứu sống, trong đó có 14 người bị thương, 8 nạn nhân được đưa về cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, 6 người bị thương nặng chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam điều trị, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 8 nạn nhân.

Cũng trong tối ngày 29/10 lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã đến Trung tâm y tế huyện để thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị sạt lỡ đất đang nằm điều trị tại đây và hỗ trợ mỗi nạn nhân 1 triệu đồng.

Ông Trần Kim Sơn- Phó Bí Thư huyện Bắc Trà My cho biết, huyện ủy Bắc Trà My sẽ hỗ trợ 150 triệu đồng để huyện anh em Nam Trà My khắc phục sự cố sạt lỡ núi ở 2 xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Quảng Ngãi: 13 người bị thương do bão số 9; khẩn trương khắc phục hệ thống điện

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 không gây thiệt hại về người (người chết), có 13 người bị thương.

Hiện, các địa phương đang rà soát lại tất cả những khu vực dân cư bị cô lập, nơi tập trung sơ tán, di dời có nguy cơ bị thiếu đói, những nơi có nguy cơ sạt lở cao, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện và lương thực, thực phẩm, hàng hóa cứu trợ cho nhân dân.

UBND tỉnh yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Ngãi: Huy động mọi nguồn lực để khẩn trương khắc phục hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, chậm nhất đến hết ngày 01/11/2020 phải cơ bản hoàn thành và cấp điện cho Nhân dân.

Riêng đối với địa bàn thành phố Quảng Ngãi phải hoàn thành và cung cấp điện cho Nhân dân: Vùng nội thành chậm nhất là 14 giờ và vùng khác là 17h ngày 30/10/2020; hoàn thành và cung cấp điện tại các Trung tâm huyện lỵ chậm nhất là 0 giờ ngày 01/11/2020 (trừ huyện Nghĩa Hành và Minh Long).

Các Chi nhánh điện khẩn trương tổ chức khắc phục các hệ thống điện bị hư hỏng do bão, lũ; đặc biệt là khu vực Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP, các Khu công nghiệp của tỉnh.

Nghệ An: Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhà dân ngập sâu

Sáng 30/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.2 cho biết: Mưa lớn kéo dài, kèm thủy điện xả lũ đã khiến nhiều tuyến đường do đơn vị quản lý bị ngập nước, sạt lở taluy dương, taluy âm gây tắc đường.

img
Sạt lở taluy âm tại Km62 QL46 từ thanh chương lên Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương)

Cụ thể, ngoài các điểm ngập trước đó, QL7 có thêm các điểm ngập tại Km85 - Km85+500, Km25-25+500; QL46 có điểm Km62+600 bị sạt taluy dương, taluy âm gây tắc đường, Km61-Km62 ngập sâu 40cm.

Trong khi đó, khu vực miền núi các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông có mưa rất to, kéo dài nhiều giờ liên tục khiến nhiều điểm tiếp tục ngập sâu.

img
Đất sạt vùi lấp mặt đường QL46

Đường HCM: Km710-Km711, Km731+00, Km732+00 ngập 80cm; Km722+090 trái tuyến, sạt taluy dương lấp 1/2 mặt đường.

Tuyến QL7: Km26+950 - Km 27+00 ngập 40cm; Km32+900 - Km35+00 ngập 70cm; Km50+950 - Km51+100 ngập 70cm; Km110+850 Dốc Chó tiếp tục sạt lở tràn mặt đường đã hót dọn.

QL46B: Km39+500-Km39+700 (rú nguộc) đất đá sạt taluy dương tắc đường; Km53+300-Km53 +500 ngập sâu 60cm…

Hiện các đơn vị quản lý tuyến đang phối hợp với Phòng CSGT, Công an các chuyện, chính quyền địa phương tổ chức cấm đường và phân luồng giao thông.

img
Lực lượng chức năng chắn rào ngăn đường ở vị trí ngập trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Khai Sơn, Anh Sơn

Một số hình ảnh mưa lũ gây ngập nhà, chia cắt giao thông ở Nghệ An:

img
Nước dâng, hầu hết các tuyến đường qua huyện Thanh Chương và Đô Lương bị chia cắt, phương tiện không thể đi được
img
Nhiều tuyến đường nội đô cũng ngập sâu trong biển nước
img
Khu vực Nghi Lộc nước ngập trắng xóa
img
Khu vực Thanh Mỹ, Thanh Chương nước ngập rất sâu
img
Hiện tại ở Nghệ An vẫn đang có mưa rất to, nước đang tiếp tục dâng lên
img
Điểm sạt lở tắc QL46 lên huyện Thanh Chương
img
QL46 tạm thời bị chia cắt, chưa thể thông tuyến
img
Khối lượng sạt quá lớn, đá trên núi cao tiếp tục lăn nên việc xúc gạt đất đá vừa khó khăn vừa nguy hiểm.
Cục QLĐB II đang yêu cầu điều động thêm máy, thiết bị để sớm thông xe bước 1

Hà Tĩnh: Cấm đường QL1 qua nội thị TX Hồng Lĩnh do ngập sâu

Trong khi đó ở Hà Tĩnh, ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 cho biết: Hiện tại trên các tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh, QL8, QL12C qua địa bàn Hà Tĩnh đều thông suốt. Duy chỉ có một vài điểm trên QL1 đoạn qua nội thị TX Hồng Lĩnh bị ngập nước, hiện chính quyền địa phương đang cắm biển cấm và phân luồng từ xa.

“Trong ngày hôm qua, Km58, QL12C tái sạt lở nhưng công nhân đã hót dọn và thông đường ngay trong ngày. Tương tự QL8A, có một số cây ngã ra đường và cũng đã được công nhân cắt bỏ để giải phóng, thông đường”, ông Giang thông tin.

Nghệ An mưa lớn từ tối 29/10

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ 19h ngày 29/10 đến 5h sáng 30/10, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-10mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thanh Thủy (Nghệ An) 321mm, Yên Thượng (Nghệ An) 305mm, Thanh Hương (Nghệ An) 305mm, các khu vực khác có mưa nhỏ hoặc không mưa.

Về đợt mưa từ 19h/27/10 đến 19h/29/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-200mm (tập trung chủ yếu ngày 29/10), một số trạm có lượng mưa lớn: Thanh Hương (Nghệ An): 385 mm, Hạnh Lâm (Nghệ An): 360 mm; Đô Lương (Nghệ An): 301 mm; Mỹ Lộc (Hà Tĩnh): 291 mm; Thạch Xuân (Hà Tĩnh): 230 mm.

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to với lượng mưa từ 250-350mm (tập trung vào ngày 28/10), một số trạm có lượng mưa lớn như: A Bung (Quảng Trị): 345 mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế): 508 mm; Hồng Vân (Thừa Thiên Huế): 430 mm; Phước Công (Quảng Nam): 456 mm; Trà Giáp (Quảng Nam): 417 mm; Sơn Kỳ (Quảng Ngãi): 471 mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi): 563 mm.

Dự báo, từ ngày 30/10 đến ngày 31/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm; các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Lũ trên trên sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên.

Quảng Nam: Khẩn trương tìm 13 người mất tích ở Trà Leng

img
Lực lượng chức năng và người dân tích cực tìm kiếm nạn nhân mất tích

Sáng nay (30/10), các lực lượng chức năng và người dân địa phương tiếp tục khẩn trương tìm kiếm 13 người ở trú thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) mất tích sau trận lở núi đất ngày 28/10.

Phó tư lệnh Quân khu V, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến và ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Sáng nay, tổng số lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường sạt lở thôn 1, xã Trà Leng là hơn 500 người.

img
Dự kiến hôm nay, đường thông, xe cơ giới sẽ tiếp cận tới hiện trường hỗ trợ tìm kiếm
img
Hiện còn 13 người ở Trà Leng được xác định mất tích

Bình Định: Mới cứu được 3 người trên tàu cá 14 ngư dân bị chìm

Sáng 30/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, một tàu hàng (đang trên hành trình đi Nhật Bản) đã cứu được 3 ngư dân trên tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô (ở xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng.

Theo thông tin ban đầu, gần 18h ngày 29/10, thuyền trưởng tàu M/V Fortune Iris gọi điện thoại đến Đài thông tin duyên hải Nha Trang thông báo đã cứu được 3 thuyền viên từ tàu BĐ 97469 TS gồm: Lê Minh Don (20 tuổi), Phan Quốc Quy (35 tuổi), Võ Văn Hoài (35 tuổi). Hiện vẫn sức khỏe của 3 ngư dân này tạm thời ổn định sau nhiều ngày trên biển.

img
Các tàu kiểm ngư được điều động cứu hộ 3 tàu cá Bình Định bị nạn do bão số 9. Ảnh: Vũ Bằng

Làm việc với tàu M/V Fortune Iris, 3 ngư dân này cho biết, 14 thuyền viên của tàu BĐ 97469 TS có 4 người mất tích không rõ thông tin, 2 người tử vong khi tàu vừa chìm, còn lại 5 người đã tử vong trên biển do kiệt sức.

Hiện tại, 3 ngư dân này đã được bàn giao cho tàu kiểm ngư đưa về cảng Cam Ranh.

Chiều 27/10, do ảnh hưởng bão số 9, tàu cá BĐ 97469 TS bao gồm 14 lao động của ông Võ Ngọc Đô ở (Hoài Hải, TX Hoài Nhơn) cũng bị phá nước và chìm trên vùng biển Khánh Hòa.

Nghệ An: 4 thủy điện mở cửa xả, dân kêu cứu giữa đêm

img
Lũ về trong đêm, người dân và chính quyền vất vả chạy lũ

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa rất to từ chiều 28/10. Mưa cường độ lớn đã làm nước ở các sông suối, hồ đập dâng cao. Từ chiều tối 29/10, nhiều khu vực ven sông của các huyện Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương bắt đầu bị nước lũ dâng tràn vào khu vực dân cư. Cùng với đó, hàng loạt thủy điện thông báo xả lũ khiến người dân trở tay không kịp.

img
Nước dâng ngập đường tại chợ Môn Sơn, Con Cuông

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy thuỷ điện xả lũ trong chiều và đêm 29/10. Các nhà máy đang xả lũ gồm:

Thủy điện Châu Thắng (huyện Quế Phong) xả lũ từ 17h chiều 29/10 với lưu lượng 76 - 400m³/s (bao gồm xả qua các cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy).

Thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) xả với lưu lượng 500 - 1.000m³/s (bao gồm qua đập tràn và qua các tổ máy) và có thể tăng thêm tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.

Thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn) xả với lưu lượng 140 - 400m³/s từ 19h tối 29/10.

Nhà máy thủy điện Bản Ang (huyện Tương Dương) có kế hoạch xả với lưu lượng 200 - 500m³/s bắt đầu từ 20h30.

Riêng tại thị xã Hoàng Mai, thông báo của Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai, kế hoạch xả lũ hồ Vực Mấu sẽ từ 1h - 6h sáng 30/10, với lưu lượng từ 20 - 100m³/s qua 2 cửa tràn.

Đêm qua, giao thông trên một số tuyến như QL7 đoạn qua thị trấn Con Cuông, đoạn Dốc Chó bị ngập sâu, đoạn qua thị trấn Đô Lương ngập 30cm, xe vẫn có thể đi lại được. QL46 từ TP Vinh lên thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đang bị chia cắt do sạt lở ở Rú Nguộc, đất đá tràn xuống đường; đoạn qua Thị trấn Dùng nước ngập sâu.

img
img
Tại Thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, nước ở hồ và con đường đi qua trung tâm xã đã bằng nhau

Hà Tĩnh: Sơ tán hơn 700 hộ dân

Chiều tối ngày 29/10, ghi nhận của PV Báo Giao thông ở khu vực Hà Tĩnh vẫn đang có mưa to từng đợt ngắt quãng, kèm với gió giật mạnh. Nước trên các sông La, sông Ngàn Phố, Ngàn sâu đều dâng cao.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 đã khiến khu vực Vũ Quang có mưa to gây sạt lở cục bộ ở một số địa phương, như: Hương Minh, Đức Bồng, thị trấn Vũ Quang, Đức Liên, Hương Thọ, Đức Giang… Sạt lở đất ở huyện Thạch Hà

Cũng theo ông Sơn, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã chỉ đạo các địa phương di dời một số hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Trong khi đó, ngày 29/10, trong qúa trình đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ, ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh đã chỉ đạo chính quyền phường Kỳ Thịnh cùng các lực lượng chức năng tiến hành kê kích tài sản, di dời 583 hộ/ 1.844 người dân ở 3 tổ dân phố: Cảnh Trường, Trường Phú và Trường Yên đến nơi tránh trú an toàn.

Bên cạnh mưa lớn kéo dài, hôm qua, các hộ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã tiến hành xả lũ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.