Bà Harris chi nhiều hơn GDP của ít nhất 14 quốc gia
Theo tờ Guardian, một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong tuần cuối cùng vận động tranh cử là khuôn mặt bà Kamala Harris xuất hiện trên màn hình kích thước cực lớn lên đến 157x111m tại Las Vegas.
Được biết, số tiền để thuê màn hình này chỉ trong một ngày đã lên tới 450.000 USD, con số cao nhất dành cho một quảng cáo chính trị ấn tượng lần đầu tiên xuất hiện trong một chiến dịch vận động tranh cử.
Tuy nhiên, 450.000 USD là chưa thấm vào đâu so với khoản tiền vận động khổng lồ lên tới 1 tỷ USD mà bà Harris nhận được kể từ khi thay thế ông Biden làm ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng 7.
Khoản đầu tư cho truyền thông ở Vegas phần nào đã trả lời được câu hỏi về cách thức một chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ sẵn sàng chi tới 1 tỷ USD, con số lớn hơn GDP của ít nhất 14 quốc gia theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Ngược lại, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không hề kém cạnh khi chi tiền mua giờ vàng quảng cáo trong thời gian diễn ra 2 trận đấu giữa 2 đội bóng bầu dục hàng đầu nước Mỹ là Philadelphia Eagles và Pittsburgh Steelers trong ngày 26-27/10.
Bên cạnh đó, cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều không ngần ngại đổ phần lớn số tiền tài trợ họ nhận được vào các bang chiến trường như Nevada, Wisconsin, Pennsylvania, Michigan… đặc biệt là những đối tượng còn phân vân chưa biết bỏ phiếu cho ai. Đây là những mục tiêu được đánh giá là có giá trị cao nhất.
Pennsylvania là bang chiến trường cực kỳ quan trọng với tổng cộng 19 phiếu đại cử tri được xem là có thể quyết định cục diện cuộc bầu cử lần này. Trong bối cảnh tình hình thăm dò đang cho thấy sự sít sao giữa ông Trump và bà Harris, đảng Dân chủ đã xác định nam thanh niên trẻ là đối tượng ưu tiên cần nhắm đến.
Tờ New York Times từng đưa tin Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã thuê số tiền lên tới "sáu con số" để một chiếc máy bay kéo băng rôn ủng hộ bà Harris trong 4 trận đấu của Giải Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) có sự tham gia của các đội đến từ 6 bang chiến trường, trong đó có Pennsylvania.
Nền tảng số lên ngôi
Giáo sư Steve Caplan, chuyên gia về quảng cáo chính trị tại Đại học Nam California nhận định: "Cả hai ứng viên đều nhận được những số tiền ủng hộ cực lớn song họ cũng không thiếu chỗ để chi tiêu".
Quay trở lại trước thời điểm truyền thông số bùng nổ, toàn nước Mỹ chỉ có 4 mạng lưới truyền hình lớn và ngay cả khi có thêm truyền hình cáp, các ứng viên đã có quá nhiều cách để truyền tải thông điệp.
Nay khi có sự bùng nổ của nhiều kênh truyền hình và truyền thông, lại càng có vô vàn cách khác nhau để chi khoản tiền đó như phân bổ theo khán thính giả hoặc đặc điểm phân bổ dân cư. Phương tiện để phát có thể là quảng cáo số, Youtube, Facebook hay nền tảng xã hội khác, theo ông Caplan.
Giáo sư Caplan tiết lộ bà Harris có một kênh quảng bá rất lớn trên Snapchat. Kênh này hoạt động rất hiệu quả về mặt chi phí nhưng lại có thể tiếp cận được rất nhiều cử tri trẻ tuổi.
Theo Giáo sư Caplan, các chiến dịch vận động tranh cử giờ đã chịu đầu tư nhiều hơn vào việc sáng tạo nội dung từ video đến podcast, qua đó biến nền tảng số trở thành công cụ mạnh mẽ và hữu hiệu.
Giáo sư Caplan lưu ý, trong vài năm qua đã có những sự thay đổi lớn khi khán thính giả không còn sử dụng truyền hình kiểu truyền thống mà quay sang sử dụng những nội dung số trên những nền tảng khác nhau. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã chi hàng trăm triệu USD cho nền tảng số tại các bang chiến trường. Con số này năm 2020 gần như bằng 0.
Một vấn đề khác cần được quan tâm chính là tầm ảnh hưởng của Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) nơi những siêu nhà tài trợ có thể đổ số lượng tiền không giới hạn cho ứng viên trong khi con số này nếu ủng hộ cá nhân sẽ bị hạn chế chỉ là 3.300USD.
Theo số liệu từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia Mỹ (FEC), chỉ riêng PAC của tỷ phú Elon Musk ủng hộ cho đảng Cộng hòa số tiền lên đến 130 triệu USD.
Song ông Musk mới chỉ đứng thứ 3 về số tiền ủng hộ qua PAC tới Đảng Cộng hòa sau tỷ phú ngân hàng và dầu mỏ Tim Mellon với số tiền 172 triệu USD và tập đoàn khách sạn thuộc sở hữu của gia đình Adelson ở Las Vegas với số tiền 137 triệu USD.
"Những người giàu luôn có tầm ảnh hưởng chính trị lớn. Nhưng khi một nhóm nhỏ tỷ phú đóng vai trò cực lớn trong bộ máy chính trị và cung cấp tài chính cho chiến dịch tranh cử, điều đó có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng", ông Noah Bookbinder, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tổ chức Phi lợi nhuận Trách nhiệm và Đạo đức Công dân (Crew) nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận