Chiến hạm Mỹ đi tuần tra qua khu vực biển Đông |
Trước bối cảnh Mỹ đang ngày càng tái tăng cường lực lượng, gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự tại biển Đông, một báo cáo mới đây của nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng, Bắc Kinh cần nhanh chóng hành động nhằm giành được sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á.
Mối đe dọa đến từ sự ảnh hưởng của Mỹ
Theo báo Phượng Hoàng ở Hong Kong, ông Xianqing, một chuyên gia địa chính trị đến từ Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông (Trung Quốc tự gọi là biển Hoa Nam), một cơ quan nằm trong bộ phận nghiên cứu thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một bản báo cáo chỉ ra rằng, Bắc Kinh cần hành động nhiều hơn nhằm lôi kéo các nước trong khu vực Đông Nam Á tránh xa khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ.
Tác giả của báo cáo này cũng dự đoán, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những động thái mà ông ta cho là “khiêu khích trên biển Đông và Trung Quốc cần sẵn sàng cho điều đó”.
Ông Xianqing cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã và đang tìm cách phô trương sức mạnh của mình ở vùng biển nhạy cảm vì bị thôi thúc bởi ngại rằng, mỗi khi Bắc Kinh có những bước đi về mặt kinh tế, chính trị hoặc an ninh ở vùng biển tranh chấp, điều đó sẽ trở thành một thách thức đối với trật tự hiện tại do Mỹ dẫn đầu.
Hành động và chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực biển Đông qua đó cũng khẳng định, Washington đang mở rộng hợp tác với các đồng minh trong khu vực như: Australia, Nhật Bản. Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, các hành vi của Bắc Kinh là vô trách nhiệm, phá vỡ trật tự khu vực và luật pháp quốc tế.
Bản báo cáo kết luận, trước thực tế như vậy, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác và lấy lòng các nước từ ASEAN.
"Cuộc đấu tranh giữa Bắc Kinh và Washington trên biển Đông sẽ còn kéo dài, nhằm giành được sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á", chuyên gia Xianqing nhận định.
Tuy nhiên, các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền (vô lý và phi pháp - PV) trước đó của Trung Quốc về biển Đông đều vấp phải sự phản đối của các nước trong khu vực, bao gồm: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan.
Chính vì vậy, nhà nghiên cứu này đã đề xuất, Bắc Kinh cần “tạm thời đặt vấn đề chủ quyền sang một bên” và tìm cách hợp tác với các nước trong khu vực trong các lĩnh vực khác, như khai thác dầu khí, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, chống khủng bố và bảo vệ môi trường.
Cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ không dừng lại
Những biểu hiện gần đây cho thấy, Bắc Kinh và Washington đang vướng vào một sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và chưa hề có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Tháng trước, một tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã áp sát tàu USS Decatur của Mỹ tại khu vực gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên biển Đông.
Khi đó, tàu chiến Luyang đã tới gần trước mũi chiến hạm Mỹ và chỉ còn cách khoảng 41m, buộc tàu Decatur phải đổi hướng để tránh va chạm.
Trong khi Washington mô tả hành động này của Trung Quốc là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp", Bắc Kinh lại xem đây như một hành động cần thiết để bảo vệ cái mà họ tự nhận là "lãnh thổ" của mình.
Trong những ngày này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thăm Việt Nam và dự kiến sẽ tới Singapore vào cuối tuần này để tham dự cuộc họp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Tại đây, vấn đề tranh chấp trên biển dự kiến sẽ dẫn đầu chương trình nghị sự.
Ông Adam Ni, người đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump đang cố gắng đẩy lùi sự quyết đoán của Trung Quốc và chứng tỏ sức mạnh của Mỹ tại khu vực.
"Quan hệ Trung - Mỹ đã chuyển sang cạnh tranh trong suốt một năm qua và chúng tôi có thể thấy rõ tình trạng sẽ càng gia tăng thời gian tới", ông Adam Ni dự báo.
Trong khi đó, ông Benoit Hardy-Chartrand, Giáo sư Khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple, Nhật Bản cho biết, không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác trong khu vực, như Nhật Bản cũng đều tham gia vào việc phản đối Trung Quốc đòi hỏi vô lý chủ quyền biển Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận