Người tử tế thì thở dài tiếc nuối về một cái kết “đắng” cho cuộc tình đẹp, lãng mạn của chàng trai nhà nghèo với cô tiểu thư giàu có năm nào. Tiếc cho mấy chục năm họ kề vai sát cánh đưa Trung Nguyên thành đế chế cà phê nổi tiếng.
Người ác miệng thì không tiếc lời gièm pha cuộc li hôn chỉ là “chiêu trò” không hơn không kém. Họ đang tranh giành quyền điều hành Trung Nguyên hay đang “lòe” dư luận để quảng bá cho những thương hiệu đang sở hữu?
Dù cách này hay cách khác, dù là thật hay giả thì cái kết của cuộc ly hôn này vẫn thật… chua chát.
Từng theo dõi tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ - bà Thảo từ những ngày đầu nhưng khi theo dõi phiên tòa mới đây, tôi vẫn thấy sốc.
Không sốc vì khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng được thống kê trước tòa, không vì thấy họ tranh giành quyết liệt tỷ lệ 30/70 hay 50/50 cổ phần của Trung Nguyên. Cũng không bất ngờ khi nhìn cặp vợ chồng thi nhau kể lể sự đóng góp, khẳng định sự khai phá, linh hồn hay những công sức mà họ bỏ ra trong suốt mấy chục năm để gây dựng Trung Nguyên…
Tôi sốc khi thấy những giọt nước mắt của họ đã phải rơi xuống!
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đáng thương hay đáng trách khi bao năm phải mang một khối thù hận với người chồng đã từng dành cả thanh xuân để hi sinh, bao dung và yêu thương. Không hận sao được khi chính chồng đã thẳng tay đẩy bà ra khỏi công ty và muốn đưa bà về vị trí phía sau, vị trí mà ông cho rằng: “Chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ, trên phải ra trên, dưới phải ra dưới”.
Nhưng chính sự thù hận đã đẩy bà Thảo đi quá xa khi cố sức bằng mọi cách để trả thù chồng, làm tổn thương lòng tự trọng, tự tôn và danh dự của người chồng bà đã từng rất kính nể và dành cho nhiều lời “có cánh” trước đó. 3 năm với 18 vụ kiện chồng, rồi bà thành lập thương hiệu cà phê riêng đối đầu với thương hiệu của chồng, dăm lần bảy lượt tìm cách chứng minh chồng mình bị tâm thần, không đủ khả năng điều hành Trung Nguyên…
Chính những điều đó đã khiến bà không còn đường quay trở lại… Và tại phiên tòa, giữa những đối đáp gay gắt, tôi đã thấy những giọt nước mắt của bà rơi xuống. Đôi mắt đỏ nhòe của người đàn bà chất chứa không ít đắng cay.
Còn ông Vũ, giữa cuộc chiến quyền - tiền - và tham vọng chinh phục những đỉnh cao mới đã phải thốt lên nghẹn ngào: “Tiền nhiều để làm gì, để phải ngồi đây như thế này”. Người đàn ông thép không hẳn rơi lệ nhưng những giọt nước mắt chỉ cố dừng lại được nơi vành mi.
Nhiều người cho rằng, vụ ly hôn thực chất chỉ là sự tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên nhưng tôi lại nghĩ rằng, bất kể bà Thảo hay ông Vũ thắng trong phiên tòa thì bản thân họ đã thất bại.
Họ sẽ phải thấy nhiều hơn giọt nước mắt của chính những đứa con của mình. Chúng có đau đớn không khi phải chứng kiến cha mẹ đấu đá, cãi vã nhau trước tòa rồi thành đề tài cho dư luận xúm vào xỉ vả.
Họ cũng sẽ phải thấy nhiều hơn giọt nước mắt của những đấng sinh thành. Người mẹ 70 tuổi của ông Vũ đã phải xót xa rơi lệ khi không được gặp cháu, dăm lần bảy lượt gửi quà cho cháu đều bị từ chối hoặc… cho vào sọt rác.
Và những người thân đó chắc gì họ đã cần tiền, hay nói đúng hơn là quá nhiều tiền. Họ đâu cần biết Trung Nguyên sau này sẽ vươn xa tới đâu, thu về thêm bao nhiêu nghìn tỷ khi mà những gì họ đang có đã là khối tài sản khổng lồ với nhiều người.
Thực ra, vụ ly hôn nghìn tỷ của ông Vũ - bà Thảo đau đớn với chính họ nhưng có lẽ lại có ích với số đông. Nước mắt nhà giàu đã làm thức tỉnh biết bao người khi nghĩ về giá trị đích thực và cốt lõi cần có trong cuộc sống. Chả phải Steve Jobs cũng đã nói điều ý nghĩa nhất của cuộc đời không phải là tiền đó sao. Ông nói, khi người ta chết chỉ có thể mang theo được những kỷ niệm yêu thương.
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận