Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc cân nhắc TPP, phê chuẩn chậm Mỹ sẽ thiệt 100 tỷ USD

05/02/2016, 09:09

Sở dĩ Trung Quốc quan tâm tới TPP bởi, 12 nước tham gia chiếm gần 40% GDP toàn cầu.

image.
Đại diện 12 nước tham gia Lễ ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 4/2 tại New Zealand

Hôm qua, sau khi Lễ ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được bộ trưởng 12 nước thành viên ký kết tại New Zealand; Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết sẽ tham gia tích cực và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do khu vực mang những đặc tính minh bạch, thông thoáng và toàn diện.

Tuyên bố của MOC nêu rõ bộ này đã chú ý sự kiện ký TPP và đang cân nhắc về việc tham gia TPP. Đại diện MOC cho rằng TPP là một thoả thuận có phạm vi rộng và đang nghiên cứu, đánh giá về thoả thuận này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hy vọng các thoả thuận thương mại sẽ bổ trợ lẫn nhau, đầu tư và tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Sở dĩ Trung Quốc quan tâm tới TPP bởi, 12 nước tham gia chiếm gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 thương mại thế giới. TPP sẽ tạo một nền tảng thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn cho sự hội nhập kinh tế rộng hơn trong tương lai.
Bên lề Lễ ký TPP, trả lời câu hỏi của báo giới việc liệu Trung Quốc có được chào đón tham gia TPP, các đại diện thương mại đều cho rằng: TPP thiết lập các chuẩn mực thương mại, có thể được mở rộng để chào đón các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc.

Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh TPP không trực tiếp nhằm chống bất kỳ một nước cụ thể nào mà chỉ nhằm thiết lập các chuẩn mực cao cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc thông qua các cuộc đối thoại song phương hoặc đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương tiêu chuẩn cao để đảm bảo Bắc Kinh sẽ đạt được các chuẩn mực cao và chúng tôi cũng có được một hệ thống thương mại vững chắc dựa trên các quy định trong khu vực", ông Froman nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia Mustapa Mohamed quan ngại thỏa thuận này có thể làm phương hại tới quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Sau lễ ký, các nước thành viên có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại quốc hội để TPP có hiệu lực.

Cùng ngày, Tổng thống Barack Obamakêu gọi Quốc hội Mỹ sớm phê chuẩn để TPP có hiệu lực, vì hiệp định này đã "tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài và tạo công ăn việc làm tại Mỹ". Tuy nhiên, TPP đang là chủ đề gây tranh cãi tại lưỡng viện quốc hội Mỹ khi vẫn còn khá nhiều người phản đối, những người khác thì muốn phê chuẩn chậm lại. Giới công đoàn lo ngại TPP sẽ làm mất đi không ít công việc.

Thậm chí, lãnh đạo phe Cộng hoà còn muốn lùi việc phê chuẩn tới sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 8/11/2016. Trong khi đó, hai ứng viên tổng thống trong đảng Dân chủ: Thượng nghị sĩ Bernie Sanders luôn phản đối TPP; Và bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng thì bảo vệ hiệp định, nhưng trong chiến dịch tranh cử cung trở thành người phản đối.

Theo Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, phê chuẩn TPP chậm trễ sẽ làm kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.

TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia - gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. TPP nhằm xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.