Duterte cấm Hải quân Philippines tham gia tập trận
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lệnh cấm hải quân của nước này tham gia các cuộc tập trận chung ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, Tổng thống Philippines ban hành chỉ thị này như một biện pháp để tránh leo thang căng thẳng trong khu vực tiềm ẩn đầy xung đột và đảm bảo an toàn cho lực lượng hải quân quốc gia trong trường hợp xảy ra đụng độ trong khu vực.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói rằng, Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh không tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông ngoại trừ vùng biển cách bờ biển Philippines 20km.
"Nếu hành động của một nước bị xem là thù địch, theo quy luật, căng thẳng sẽ có xu hướng leo thang, vì thế tôi hy vọng rằng tất cả các bên tham gia những cuộc tập trận này sẽ hành động thận trọng và cân nhắc tại đó, để không phát sinh những tính toán sai lầm dẫn đến gia tăng căng thẳng nhiều hơn", - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói.
Cách đây chưa đầy hai tuần, ông Duterte từng cho rằng sẽ phải có chiến tranh trên biển với Trung Quốc nhưng ông sẽ không phải là người phát động.
"Chúng ta sẽ phải chiến đấu. Nhưng tôi không kham nổi chuyện đó. Có lẽ một số tổng thống khác sẽ làm được, nhưng tôi thì không đủ khả năng". - Ông Duterte tuyên bố trước Quốc hội Philippines ngày 27/7:
Tổng thống Duterte cho rằng Philippines không đủ khả năng ứng phó chiến tranh với Trung Quốc, do vậy, vấn đề trên sẽ phải được giải quyết bằng nỗ lực ngoại giao, cho dù chiến thắng trong vụ kiện năm 2016.
Ngay sau đó, Cựu Phó thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Duterte bằng tuyên bố cho rằng, Tổng thống Duterte không nên công nhận là Trung Quốc đang sở hữu vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Tây Philippines.
Ông Antonio Carpio, thành viên Tòa trọng tài Biển Đông nhấn mạnh, các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Canada thường xuyên đi qua vùng Biển Tây Philippines, là một minh chứng cho thấy Trung Quốc không sở hữu khu vực biển này.
Theo ông Antonio Carpio, Philippines phải hành động vì Việt Nam, Malaysia và Indonesia cũng đang khẳng định chủ quyền với các vùng lãnh hải của họ, chống lại yêu sách của Trung Quốc mà không cần tham gia bất kì cuộc chiến tranh nào.
"Một quốc gia không cần phải tham chiến để khẳng định quyền chủ quyền của mình. Có những biện pháp hợp pháp và hòa bình để khẳng định quyền chủ quyền của mình", ông Carpio nhấn mạnh.
Có thể xuất hiện cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông"
Chính quyền Mỹ cũng mới phát đi tuyên bố bác bỏ hoàn toàn các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đặc biệt là Australia thường xuyên tiến hành tập trận chung trên Biển Đông theo chính sách mới nhất về các tranh chấp trên biển.
Trên thực tế, Mỹ đang vứt bỏ quan điểm trung lập, chỉ bảo vệ độc quyền tự do hàng hải ở Biển Đông trước đây, và tuyên bố đoàn kết với lập trường của một số nước ASEAN phản đối Trung Quốc.
Trong năm 2020, tháng 6 và tháng 7 đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, với việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp đưa các tuyên bố gay gắt và các động thái quân sự thể hiện quyết tâm của mình.
Theo ước tính của Tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược biển Đông của Trung Quốc, số chuyến bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông trong tháng Bảy tăng gấp đôi so với tháng Năm. Vào tháng 7, hai nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông, cùng với không quân chiến lược.
Trung Quốc cũng triển khai gần một lữ đoàn máy bay chiến đấu ở Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV), mở rộng hoạt động tuần tra các tàu chiến của Bắc Kinh trên Biển Đông và gia tăng cường độ các cuộc tập trận.
Trung Quốc ngày càng đáp trả các tuyên bố ngoại giao và hành động quân sự của Mỹ bằng một phong cách ngoại giao mới cứng rắn hơn.
Theo chuyên gia quân sự người Nga - ông Vasily Kashin, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng xuất hiện cái gọi là "vùng nhận dạng phòng không" (phi pháp - PV) được Trung Quốc đơn phương áp đặt trên Biển Đông, tương tự như đã hoạt động trên biển Hoa Đông từ năm 2013.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận