Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Đầu tháng 7, ngay khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng tại nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lập tức thông báo, Bắc Kinh sẽ tăng cường trợ cấp cho Bình Nhưỡng và nhấn mạnh hai nước có truyền thống luôn giúp đỡ nhau khi khó khăn. Song, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc còn có tới 3 lý do để luôn nâng đỡ Bình Nhưỡng.
Ba mục đích chính
Trên tạp chí National Interest, Giáo sư Andrei Lankov, đang làm việc tại Đại học Kookmin (Seoul, Hàn Quốc) có bài viết nhận định rằng, trong 2 đến 3 thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn theo đuổi 3 mục đích chính đối với nước láng giềng Triều Tiên.
Trước hết, Trung Quốc cần một đất nước Triều Tiên ổn định, tạo ra một vùng đệm quan trọng nằm ngay cạnh các trung tâm công nghiệp và đô thị lớn của họ.
Bắc Kinh không muốn tình hình bất ổn, xung đột tại một quốc gia ngay “sát vách” bùng lên vì Bình Nhưỡng đang tích trữ đáng kể lượng vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WND). Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột Trung Quốc - Mỹ tăng cao, vai trò vùng đệm của Triều Tiên càng tạo thêm giá trị.
Hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia thân thiết và có ảnh hưởng nhất tới Bình Nhưỡng. Để giải quyết căng thẳng Mỹ - Triều và đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chính quyền Mỹ nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ, gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Rõ ràng, mối quan hệ với Bình Nhưỡng cũng phần nào nâng tầm vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trên bình diện quốc tế.
Lý do thứ 2 là bởi Trung Quốc không muốn rời tay khỏi Bình Nhưỡng và để Triều Tiên tìm đến Hàn Quốc. Điều Bắc Kinh cần là Triều Tiên và Hàn Quốc độc lập với nhau.
Dựa trên tình trạng các mối quan hệ hiện nay, nếu có viễn cảnh hai nước trên bán đảo Triều Tiên thống nhất, Seoul có khả năng chiếm ưu thế lãnh đạo vì sở hữu tiềm lực về kinh tế, ngoại giao mạnh hơn.
Khi đó, bán đảo Triều Tiên có thể sẽ tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, thậm chí cho quân Mỹ đồn trú tại khu vực này. Như vậy, chẳng khác nào, Trung Quốc phải đối phó với một phiên bản Hàn Quốc mở rộng về khu vực Đông - Bắc.
Điểm thứ 3 đó là Bắc Kinh vẫn muốn Triều Tiên phải là quốc gia phi hạt nhân. Bắc Kinh không hào hứng với chủ nghĩa mạo hiểm hạt nhân của Triều Tiên. Nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và Trung Quốc hiểu, nếu cơ chế giải trừ quân bị sụp đổ, một số quốc gia Đông Á sẽ tăng cường hạt nhân dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Quốc.
Vừa hỗ trợ vừa kiềm chế Triều Tiên
Đặt ra các mục đích như vậy nhưng theo Giáo sư Andrei Lankov, Trung Quốc không thể thỏa mãn được tất cả mà chỉ có thể cân đo đong đếm mức độ thiệt hại trong từng tình huống để định hướng.
Ông Lankov cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, một Triều Tiên ổn định, có chủ quyền nhưng nắm trong tay hạt nhân cũng có rủi ro nhưng có lẽ không nguy hiểm bằng mối đe dọa phát sinh từ một Triều Tiên không ổn định hay thống nhất với Hàn Quốc.
Theo Giáo sư Andrei Lankov, Đại học Kookmin (Seoul, Hàn Quốc), Trung Quốc sẽ chọn tiếp tục giữ Triều Tiên ổn định với một số trợ cấp vừa đủ chứ không quá nhiều vì Bắc Kinh cũng không muốn tạo điều kiện thổi bùng những chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Do vậy, Trung Quốc không có lý do gì để tích cực tham gia vào cơ chế trừng phạt nghiêm khắc như các nước khác.
Một cơ chế trừng phạt dẫn tới chặn hết nguồn lợi nhuận dồi dào của Triều Tiên có thể khiến nền kinh tế Bình Nhưỡng kiệt quệ, hàng triệu người nông dân nghèo khổ nhưng không thể ép Bình Nhưỡng phi hạt nhân và thay đổi con đường lãnh đạo đất nước.
Chưa kể, giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ không bao giờ giao nộp vũ khí hạt nhân của mình bởi với họ đây là tấm khiên bảo đảm sự sống còn.
Theo Giáo sư Lankov, sự im lặng bất thường của Triều Tiên thời gian qua, thậm chí không thử hạt nhân ở thời điểm chính quyền Mỹ mới nhậm chức như thường lệ, có thể là kết quả từ áp lực của Trung Quốc.
Bắc Kinh không muốn Bình Nhưỡng quá khiêu khích vì đó có thể là cái cớ tốt để Mỹ tận dụng hiện diện trong khu vực, đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc tiến gần hơn tới Mỹ.
Có chung quan điểm, ông Ted Galen Carpenter, một nghiên cứu sinh cấp cao về quốc phòng và chính sách ngoại giao tại Viện Cato đã chia sẻ trong một bài viết khác trên National Interest cho rằng, dù vẫn hỗ trợ Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc cũng sẽ góp phần kiềm chế chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Chiến lược đó sẽ giúp Bắc Kinh có thể gây áp lực để đổi lại một số nhượng bộ từ Washington. Ở mức tối thiểu, có thể Bắc Kinh sẽ muốn chính quyền ông Biden nới lỏng các rào cản thương mại song phương được dựng lên từ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Hoặc, Bắc Kinh có thể tìm kiếm nhượng bộ ở một số vấn đề khác như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Biển Hoa Đông hoặc tình hình Đài Loan…”, ông Carpenter chỉ ra.
Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên như thế nào?
Trong suốt thời gian Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên vì chương trình vũ khí hạt nhân, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng. Ngoại thương Triều Tiên lệ thuộc đến 90% vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Triều Tiên đã thực hiện đóng cửa biên giới, kể cả với Trung Quốc để phòng tránh dịch bệnh. Bình Nhưỡng chưa công bố kế hoạch mở lại biên giới với Trung Quốc và chưa có báo cáo về việc hỗ trợ vaccine từ Bắc Kinh.
Tổng trợ cấp về kinh tế của Trung Quốc với Triều Tiên lâu nay luôn chiếm khoảng một nửa tổng trợ cấp nước ngoài vào nước này. Bắc Kinh hỗ trợ cho Bình Nhưỡng trực tiếp, không thông qua Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian Triều Tiên thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng từ năm 1996 - 1998, Bắc Kinh đã trợ cấp thực phẩm vô điều kiện cho Bình Nhưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận