Thế giới giao thông

Trung Quốc đào thông hầm cao tốc dài nhất thế giới

11/01/2025, 06:45

Trung Quốc vừa hoàn thành đào đường hầm cao tốc dài nhất thế giới xuyên qua những ngọn núi phủ đầy tuyết ở khu tự trị Tân Cương, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển cơ sở hạ tầng của nước này.

Kết nối Bắc - Nam Tân Cương

Theo Tân Hoa Xã, đường hầm cao tốc này dài 22,13km mang tên "Shengli", có nghĩa là "Thắng lợi", biểu trưng cho một thành tựu phi thường.

Trung Quốc đào thông hầm cao tốc dài nhất thế giới - Ảnh 1.

Hầm Thiên Sơn Thắng lợi nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhân dân Nhật Báo.

Thông tin từ Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG), đường hầm nằm ở vùng sâu xa xôi của dãy núi Thiên Sơn, ở độ cao trung bình hơn 3.000m. Thiết kế mỗi đường hầm bốn làn, cho phép các phương tiện chạy với tốc độ 100km/h.

Sau công đoạn đào hầm thành công, các đơn vị thi công còn cần thời gian để xây dựng đường, điện cùng nhiều hạng mục khác để có thể đưa vào sử dụng theo kế hoạch vào tháng 10/2025.

Khi đi vào hoạt động, đường hầm sẽ giúp giảm thời gian di chuyển qua dãy núi Thiên Sơn – một trong những dãy núi dài nhất thế giới – từ ba giờ xuống còn khoảng 20 phút.

Vì dãy Thiên Sơn chia Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương thành hai phần – phía Bắc và phía Nam nên đường hầm sẽ đóng vai trò là mắt xích quan trọng, giảm thời gian di chuyển, kết nối hai phần của Tân Cương.

Chính quyền khu vực kỳ vọng dự án đường hầm này giúp tăng cường đáng kể khả năng kết nối giữa miền Bắc và miền Nam Tân Cương, đồng thời đưa khu vực, vốn là khu vực cốt lõi trên Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, mở cửa hơn nữa với các nước Á - Âu.

Thúc đẩy kinh tế khu vực

Chưa kể, đường hầm này còn là đoạn quan trọng thuộc dự án đường cao tốc Urumqi - Yuli dài 319,72km, nối từ thủ phủ khu vực Urumqi ở phía Bắc Tân Cương đến quận Yuli ở phía Nam Tân Cương, cũng dự kiến thông xe vào năm 2025. Khi đó, tuyến đường cao tốc này sẽ giúp giảm thời gian lái xe giữa hai địa điểm từ khoảng 7 giờ xuống còn hơn 3 giờ.

Trung Quốc đào thông hầm cao tốc dài nhất thế giới - Ảnh 2.

Bên trong hầm Thiên Sơn Thắng lợi. Ảnh: Global Times.

Chính quyền khu vực cho biết, đường hầm mới sẽ thúc đẩy giao thông và liên lạc của người dân giữa miền Bắc và miền Nam Tân Cương, mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp và phát triển hơn.

Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời ông Li Zhicui, Giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sư phạm Tân Cương cho rằng, đường hầm sẽ đóng vai trò là hành lang du lịch trọng điểm và nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường của các sản phẩm địa phương, giúp việc vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Chia sẻ với đài CCTV, ông Chu Dung Phong, Cục trưởng Cục đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho hay, ngoài thời gian di chuyển, đường hầm cũng giúp giảm chi phí vận chuyển khoảng 15%.

Hơn nữa, dự án được kỳ vọng là cú hích trong việc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc ở phạm vi trong nước và quốc tế.

Vượt qua những thách thức chưa từng có

Công việc đào hầm bắt đầu từ tháng 4/2020. Trong 4 năm qua, hơn 3.000 công nhân đã làm việc liên tục ở độ cao trên 3.000m, lượng oxy thấp, đồng thời đối đầu với nhiều thách thức và rủi ro điều kiện địa chất phức tạp.

Trung Quốc đào thông hầm cao tốc dài nhất thế giới - Ảnh 3.

Khoảnh khắc các công nhân xây dựng Trung Quốc ăn mừng khi hoàn thành đào hầm. Ảnh: China Daily.

Để giải quyết thách thức, Công ty Phát triển và Đầu tư Giao thông Vận tải Tân Cương Trung Quốc chia quá trình xây dựng thành những phân đoạn nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, cho phép đào đất nhanh. Kết quả, thời gian xây dựng ban đầu đã được rút ngắn hơn 25%.

Vì địa điểm xây dựng nằm gần sông băng Thiên Sơn số 1 và khu bảo vệ nguồn nước Urumqi nên nhóm nghiên cứu cũng được yêu cầu duy trì các tiêu chuẩn bảo vệ sinh thái đặc biệt cao. Để giảm thiểu tác động môi trường đến sông băng và môi trường sống của báo tuyết, các cơ sở tại chỗ đã được thành lập để chứa nước thải và tận dụng tối đa sỏi, giúp dự án đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường quan trọng.

Về kỹ thuật, Công ty Phát triển và Đầu tư Giao thông Vận tải Tân Cương Trung Quốc áp dụng thiết kế mới đồng thời sử dụng hai máy khoan được thiết kế đặc biệt để xây dựng phần đường hầm dẫn vào và tạo ra nền tảng cho công đoạn đào hầm tiếp theo.

Đây là lần đầu tiên máy khoan hầm đặc biệt được sử dụng để xây dựng hầm đường bộ ở Trung Quốc, đánh dấu bước đột phá lớn về công nghệ, qua đó giúp giảm thời gian xây dựng.

Thông thường phải mất khoảng 72 tháng để hoàn thành đường hầm bằng phương pháp thông thường, nhưng theo CMG, các nhà xây dựng đã hoàn thành dự án chỉ sau 52 tháng.

Ông Cui Jingchuan, Chủ tịch Công ty Phát triển và Đầu tư Giao thông Vận tải Tân Cương Trung Quốc thông tin, tất cả máy móc đều được phát triển trong nước và giúp giải quyết những thách thức chưa từng có trong dự án.

"Chúng tôi đã phá vỡ thế độc quyền công nghệ của nước ngoài trong lĩnh vực này và đi đầu trong đổi mới", ông Cui nói thêm.

Ông Yang Dongdong, một thành viên của đội thi công chia sẻ, trong quá trình xây dựng họ đã phải trải qua nhiều thử thách như sập tường, nước tràn nhưng cuối cùng đã xử lý thành công.

Trải qua vô vàn thách thức khó khăn, khi chứng kiến hầm thành hình, ông Yang xúc động nghẹn ngào chia sẻ: "Khoảnh khắc đào hầm thành công, tôi dâng trào cảm xúc như thời khắc thấy con chào đời vậy".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.