Theo SCMP, thực chất căng thẳng vùng Vịnh là giữa đồng minh của Mỹ tại Ả rập với Iran - đối tác quan trọng của Trung Quốc tại khu vực này |
Trung Quốc tưởng chừng không liên quan tới khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và các nước láng giềng nhưng thực chất cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ ảnh hưởng đáng kể về kinh tế và ngoại giao.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 18/6, khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh sẽ ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi trong kế hoạch thúc đẩy kết nối, xây dựng hệ thống thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm giữa các quốc gia Á-Âu của Trung Quốc hay còn gọi là chiến lược "Một vành đai, một con đường".
Cả 6 nước thành viên trong Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) - Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất - đều có đóng góp về kinh tế và địa lý trong hành lang kinh tế "Một vành đai, một con đường".
Đồng thời, vì môi trường đầy biến động này, chi phí thực hiện dự án này chắc chắn sẽ đội lên, kéo theo tâm lý lo ngại của các bên cho vay, các nhà đầu tư tham gia vào dự án.
Thế giới Ả-rập bị chia rẽ cũng đặt Bắc Kinh vào thế phải đối đầu với Washington để cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Trong khi cả hai cường quốc này vốn ganh đua kịch liệt để gia tăng ảnh hưởng tại Đông Á.
Trên bề nổi, đây là căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng nhưng thực tế đó là cuộc chiến giữa đồng minh do Mỹ dẫn đầu chống lại Iran - đối tác quan trọng của Trung Quốc tại khu vực này - theo SCMP.
Hơn nữa, cơn “bão” ập đến chỉ vài ngày trước khi Bắc Kinh chuẩn bị nâng cấp tình trạng của Iran trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải từ bên quan sát lên một thành viên.
Có lẽ, Bắc Kinh muốn ở vị trí trung lập trong các cuộc khủng hoảng khu vực, thay vào đó tập trung hợp tác kinh tế. Nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể tránh bị rơi vào thế buộc phải chọn bên trong cuộc xung đột như vậy trong khi vẫn duy trì hợp tác với tất cả các bên?
Điều nguy hiểm hơn đó là các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc bị tắc trong cuộc xung đột địa chính trị này sẽ thêm chồng chất. Nếu điều này diễn ra, sẽ rất khó để Bắc Kinh tự thoát ra khỏi khủng hoảng mà không gánh những tổn thất đáng kể về tài chính cũng như ngoại giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận