Thế giới

Trung Quốc đối mặt nhiều bất ổn và thách thức hậu Covid-19

25/05/2020, 06:15

Đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ định hình lại địa chính trị toàn cầu. Liệu Trung Quốc sẽ vươn lên mạnh mẽ hay trở nên suy yếu so với Mỹ?

img
Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với môi trường bớt thuận lợi hơn nếu không nói là thù địch hậu Covid-19.

Cũng như nhiều thảm họa trong lịch sử loài người, đại dịch Covid-19 lần này được dự đoán sẽ định hình lại địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, liệu Trung Quốc sẽ vươn lên mạnh mẽ hay trở nên suy yếu trong cuộc chiến tranh giành quyền lực với Mỹ. Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) đã đăng tải bài viết của tác giả Cary Huang bình luận về vấn đề này.

Đại dịch có thể giúp thu hẹp khoảng cách kinh tế

Theo nhà phân tích Cary Huang, cho đến nay, dù tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 trong quý đầu của Trung Quốc là 6,8%, tồi tệ hơn nhiều so với 3,5% của Liên minh châu Âu và 4,8% của Mỹ nhưng nước này được dự đoán sẽ hồi phục nhanh trong quý II.

Tổ chức Tiền tệ Quốc tế dự đoán, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm khoảng 3% trong năm nay và đó sẽ là cú trượt dốc tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.

Dự đoán, trong 3 nền kinh tế và khu vực lớn nhất thế giới, châu Âu sẽ giảm khoảng 7,5% và Mỹ khoảng 5,9%, còn Trung Quốc lại tăng trưởng 1,2%. Hầu hết các nền kinh tế phát triển lớn đều đối mặt với mức giảm cực mạnh: Italy chứng kiến 9,1%; 6,5% với Anh và 5,1% với Nhật.

Năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc là 14 nghìn tỷ USD, chỉ tương đương 2/3 tổng GDP của Mỹ (21 nghìn tỷ USD) song năm nay, đại dịch Covid-19 sẽ giúp thu hẹp khoảng cách đó. Nếu xu hướng này tiếp diễn, chỉ trong 10 năm tới, 2 nền kinh tế đạt đến điểm tương đương nhau, sớm hơn nhiều so với những dự đoán từng được đưa ra.

Nhưng chữ “nếu” đó tương đương với thử thách rất lớn bởi thế giới hậu dịch Covid-19 sẽ đặt ra rất nhiều bất ổn và thách thức đối với Bắc Kinh trên quy mô chưa từng có kể từ khi họ bắt đầu cải cách và mở cửa kinh tế.

Những thách thức lâu dài

Thứ nhất, đại dịch lần này cộng với sự leo thang xung đột với Mỹ, trùng vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại hàng thập kỷ. Con số tăng trưởng của Trung Quốc trong năm ngoái giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Ngay khi đại dịch chưa xảy ra, các chuyên gia đã dự đoán con số này sẽ còn thấp hơn nữa. Mặc dù thoả thuận thương mại một phần giữa Bắc Kinh và Washington đã đạt được vào tháng 1 nhưng Mỹ vẫn duy trì những mức thuế khắc nghiệt đối với 2/3 hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Mức thuế trung bình của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc là 19,3%, tăng khoảng 3% so với trước khi thương chiến bắt đầu.

Thứ hai, về cơ bản, dịch Covid-19 không làm thay đổi giá trị của nền kinh tế Trung Quốc mà làm biến đổi tình hình địa chính trị. Sau dịch bệnh, Bắc Kinh sẽ thấy họ ở một thế giới khác, một thế giới bị chi phối bởi nền kinh tế không còn kết nối sâu rộng nữa mà có xu hướng tách dần ra, mâu thuẫn nhau vì tranh cãi về nguồn gốc virus, những yêu sách bồi thường từ Mỹ và các quốc gia khác.

Đại dịch đã củng cố sự quyết tâm của cả chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ để chia tách nền kinh tế và cắt đứt các liên kết về kỹ thuật với Trung Quốc. Bằng chứng mới nhất là ông Trump ra lệnh cho các công ty viễn thông nước này loại bỏ toàn bộ thiết bị do Trung Quốc sản xuất ra khỏi hệ thống.

Khi Mỹ không muốn kinh doanh với Trung Quốc, các nước đồng minh thân cận như: Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Australia và New Zealand đều sẽ nối gót. Hiện tại, Mỹ, châu Âu và Nhật đều đang lên kế hoạch để kêu gọi các công ty rút khỏi Trung Quốc.

Đại dịch còn khiến các quốc gia phát triển và nền dân chủ tự do phương Tây nảy sinh những lo ngại về an ninh khi liên kết kinh tế với Trung Quốc. Sự gián đoạn sản xuất của Trung Quốc ở giai đoạn đầu đại dịch đã bộc lộ những rủi ro về chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như Mỹ đang quá phụ thuộc vào nguồn cung y tế và các sản phẩm chiến lược khác từ Trung Quốc.

Vì sự hoà nhập đã quá sâu rộng nên tiến trình tan rã mối liên kết toàn cầu gần như sẽ rất tốn kém và chắc chắn sẽ gây “sát thương”. Tuy nhiên, so với kinh tế, địa chính trị luôn luôn được đề cao trong mọi quyết định chiến lược nên dù có tổn hại về kinh tế ban đầu, các nước đã có chủ ý giãn tách có lẽ vẫn sẽ chọn phương án này.

Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với chiến dịch toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, đòi Trung Quốc bồi thường vì đại dịch. Chiến dịch này tuy khó có thể chiến thắng về mặt pháp lý nhưng sẽ làm suy yếu danh tiếng quốc tế của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của nước này.

Trong một nỗ lực buộc Trung Quốc phải trả giá, ông Trump đe doạ sẽ áp thêm nhiều lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Đức yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường khoảng 160 tỷ USD, Nigeria muốn 200 tỷ USD…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.