Thế giới giao thông

Trung Quốc: Dùng công nghệ phạt người đi bộ sai làn

03/04/2018, 09:56

Vốn nổi tiếng nghiêm khắc với các hành vi vi phạm của người đi bộ, thời gian gần đây, cảnh sát TP Thâm Quyến...

27

Người đi bộ vi phạm quy định tại Thâm Quyến sẽ nhận được cảnh báo cùng số tiền phạt qua tin nhắn

Vốn nổi tiếng nghiêm khắc với các hành vi vi phạm của người đi bộ, thời gian gần đây, cảnh sát TP Thâm Quyến đã có thêm một công cụ đắc lực mới để siết chặt kỷ cương đối với 12 triệu dân tại một trong những đô thị lớn nhất ở miền Nam Trung Quốc.

Bêu mặt, gửi trực tiếp tin nhắn cho người vi phạm

“Vũ khí” mới mà chính quyền TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đang áp dụng chính là công nghệ nhận diện khuôn mặt và trí thông minh nhân tạo (AI). Với sự hỗ trợ này, những người đi bộ không tuân thủ luật không chỉ bị bêu tên công khai mà còn bị thông báo về hành vi sai trái của mình qua tin nhắn cùng với mức phạt ngay lập tức.

Đơn vị cung cấp công nghệ trên cho Thâm Quyến là Intellifusion. Họ vốn đã cung cấp cho cảnh sát địa phương các hệ thống camera với tổng độ phân giải lên đến 7 triệu pixel để chụp lại hình ảnh người đi bộ vi phạm tại ngã tư và công nghệ nhận diện khuôn mặt, xác định danh tính các cá nhân từ cơ sở dữ liệu và trình chiếu khuôn mặt cùng tên họ người vi phạm qua màn hình LED cỡ lớn lắp trên vỉa hè.

Tính riêng tại một ngã tư đông đúc ở tỉnh Futian, trong 10 tháng áp dụng tới tháng 2 năm nay, đã có tới 13.930 người vi phạm bị ghi hình và bêu mặt trên màn hình LED - thông báo từ cảnh sát Thâm Quyến cho biết.

Giám đốc giải pháp marketing của Intellifusion, ông Wang Jun nhận định, đi bộ sai làn luôn là vấn đề gây nhức nhối tại Trung Quốc. Mặc dù biện pháp tác động tới tâm lý người đi bộ đã có hiệu ứng phần nào, giúp giảm số lượt tái phạm nhưng vẫn khó giải quyết triệt để. “Nếu kết hợp cả công nghệ cùng các biện pháp trên, chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đi bộ sai làn và ngăn chặn tái diễn vi phạm”, ông Wang nói.

“Hiện nay, Intellifusion đang đàm phán với các hãng điện thoại địa phương và các nền tảng mạng xã hội như WeChat và Sina Weibo để phát triển hệ thống cho phép gửi tin nhắn cho người vi phạm ngay sau khi họ thực hiện hành vi sai trái”, ông Wang Jun cho biết.

Hệ thống mới cũng có thể thống kê lại số lần người đi bộ vi phạm quy định giao thông tại thành phố và nếu số lần đến một mức nào đó, người vi phạm sẽ bị phạt điểm uy tín xã hội, kéo theo hệ quả là có thể bị hạn chế nhiều dịch vụ, chẳng hạn như khả năng vay nợ tại ngân hàng.

Thử thách với chính quyền địa phương

Ông Li Yi, nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải khẳng định: Việc công bố những hình ảnh và thông tin cá nhân có chọn lọc của người vi phạm có thể chứng minh hiệu quả tại Trung Quốc - nơi phần lớn người dân vẫn coi thường quy định giao thông. Tuy nhiên, theo ông, chính quyền địa phương cần phải cân bằng giữa việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền riêng tư.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nếu nói tới áp dụng công nghệ giúp trực tiếp gửi tin nhắn cho người vi phạm thì Thâm Quyến là thành phố đầu tiên. Tuy nhiên, nếu nhắc đến việc áp dụng camera để theo dõi người đi bộ vi phạm luật giao thông thì đã có rất nhiều thành phố tại Trung Quốc áp dụng. Hiện nay, Bắc Kinh lắp đặt khoảng 176 triệu camera giám sát để theo dõi 1,4 tỉ người. Tính đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tăng gấp bốn số lượng camera và xây dựng hệ thống giám sát hoàn toàn kết nối và luôn được kiểm soát.

Một khó khăn khác mà chính quyền địa phương phải đối mặt đó là: Thâm Quyến là nơi có nhiều dân cư tạm trú nhất Trung Quốc. Theo quy định, bất cứ ai ở lại thành phố hơn 30 ngày đều bắt buộc phải đăng ký thông tin vào dữ liệu của cảnh sát giao thông nhưng phần lớn không thực hiện đúng. Điều này đồng nghĩa, giới chức chỉ có thể xác định được khoảng 10% người vi phạm qua việc sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt AI.

Để khắc phục vấn đề, theo ông Wang, trong tương lai, Thâm Quyến sẽ phối hợp chính quyền các địa phương khác để chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu. Do đó, tỉ lệ mà AI có thể nhận diện sẽ tăng cao hơn.

Theo khảo sát từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, phương pháp này nhận được sự ủng hộ khá nhiệt tình từ người dân địa phương. Khảo sát cho thấy khoảng 80% người được hỏi ủng hộ sử dụng camera thông minh để nêu tên và khuôn mặt người vi phạm.

Sĩ quan cảnh sát tên Xia Jianshe cho biết: “Sau khi hình ảnh của họ được trình chiếu trên màn hình lớn, một số người vi phạm đã liên hệ với đồn cảnh sát, xin gỡ hình. Nhiều người khẳng định, họ sẵn sàng nộp phạt và hứa sẽ không bao giờ tái phạm”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.