Trung Quốc đã hoàn thành tuyến vành đai đường sắt bao quanh sa mạc đầu tiên trên thế giới, dài 2.172 km, bao quanh quanh sa mạc Taklimakan khi đoạn cuối cùng trong hệ thống đường sắt trên, là tuyến đường sắt Hotan-Ruoqiang có chiều dài 825km, đã bắt đầu đi vào hoạt động trong ngày hôm nay (16/6).
Theo thông báo của Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, đoạn đường sắt mới Hotan-Ruoqiang kết nối thành phố Hotan, ở Tây nam khu tự trị Tân Cương với thị trấn Ruoqiang, ở phía đông nam khu tự trị Tân Cương. Đường sắt được thiết kế với tốc độ 120 km/h, đi qua 22 ga với tổng thời gian hành trình là 11,5 giờ.
Sa mạc Taklimakan là sa mạc cát chảy lớn thứ 2 trên thế giới. 65% chiều dài tuyến đường Hotan-Ruoqiang đi qua khu vực cát chảy, gió mạnh nên các kỹ sư phải đối mặt với những thách thức rất lớn ngay từ khi bắt đầu xây dựng vào tháng 12/2018.
Tàu hỏa chạy thử trên tuyến đường sắt Hotan-Ruoqiang thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh - Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc
Để thực hiện đoạn đường sắt đi qua khu vực cát chảy, các kỹ sư đã xây dựng 5 cây cầu với tổng chiều dài 49,7km để tàu hỏa chạy phía trên, tách biệt với địa hình cát chảy phía dưới.
Bên cạnh đó, họ phải sử dụng 50 triệu m2 lưới trồng cỏ và trồng 13 triệu cây chịu cát để bảo vệ tuyến đường.
Cùng với 3 tuyến đường sắt qua sa mạc Taklimakan hiện đã đi vào hoạt động, tuyến đường sắt Hotan-Ruoqiang mới sẽ tạo thành vành đai đường sắt bao quanh sa mạc đầu tiên trên thế giới.
Tuyến đường này được kỳ vọng thúc đẩy vận tải hàng hóa, đi lại của người dân, phát triển các khu vực nơi tuyến đường đi qua, thúc đẩy mối liên kết giữa các cộng đồng thiểu số, tăng cường quốc phòng.
Tàu chạy thử trên tuyến đường sắt Hotan-Ruoqiang.
Ông Sun Zhang, chuyên gia về giao thông đồng thời là Giáo sư tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải cho rằng tuyến đường sắt bao quanh sa mạc Taklimakan sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại miền nam khu tự trị Tân Cương.
Theo ông Sun, xét trong tổng thể kế hoạch xây dựng đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan (CKU), tuyến đường sắt kết nối các khu vực ở miền nam khu tự trị Tân Cương này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động vận tải hàng hóa bên trong Trung Quốc và liên vận quốc tế.
Tuyến CKU sẽ trở thành tuyến ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu và Trung Đông, rút ngắn quãng đường thêm 900km và giảm thời gian đi lại từ 7-8 ngày.
Tới cuối năm 2021, tổng chiều dài các tuyến đường sắt đang vận hành tại Trung Quốc đã vượt 150.000km, bao gồm hơn 40.000km là đường sắt cao tốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận