Trung Quốc chiếm khoảng 3% tổng lượng xuất khẩu thép vào Mỹ |
Nỗi lo nổ ra chiến tranh thương mại thế giới dâng cao nhiều ngày gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chắc nịch rằng, sẽ áp thuế quan cao với thép và nhôm. Mặc dù Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ và thể hiện sẵn sàng đáp trả nhưng theo nhận định Bắc Kinh sẽ gắng hết sức để né tránh một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Không ngại khẩu chiến
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quả quyết sẽ nâng thuế nhập khẩu thép lên 25% và nhôm lên 10% bất chấp chỉ trích và đe dọa phản ứng từ thế giới, Bắc Kinh tuyên bố sẽ hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo quyền lợi và duy trì trật tự thương mại thế giới.
Người đứng đầu Cơ quan Điều tra và Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Hejun nhận định: “Động thái nâng rào cản thuế của Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng cơ chế thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới và chắc chắn sẽ có tác động vô cùng lớn đối với trật tự thương mại quốc tế”.
“Nếu các biện pháp cuối cùng của Mỹ gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ làm việc với các nước bị ảnh hưởng để đưa ra các biện pháp đảm bảo quyền và lợi ích của mình”, thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, về phía Washington, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, “chiến tranh thương mại rất tốt và phần thắng dễ dàng thuộc về Mỹ”.
Dù cả hai bên không ngại đấu khẩu trong không khí căng như dây đàn nhưng theo các nhà phân tích và cựu quan chức tại Trung Quốc, khả năng xảy ra xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới rất thấp vì kể cả thắng, hai bên đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Hơn nữa, theo các nhà phân tích, Trung Quốc có lẽ không bị ảnh hưởng so với chính các đồng minh và đối tác của Washington. Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 35,6 triệu tấn thép trị giá 33,6 tỉ USD - tương đương 36% tổng lượng tiêu thụ thép của nước này - theo Công ty Nghiên cứu Wood Mackenzie và Cung cấp dữ liệu Global Trade Tracker.
Trong đó, thép Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3%, còn Canada chiếm thị phần cao nhất khoảng 16%, tiếp đó là Brasil và Hàn Quốc. Ngoài ra, Canada cũng là nhà cung cấp nhôm lớn nhất sang Mỹ (chiếm 41%).
Nhưng dè chừng hành động
Đề xuất tăng thuế được đưa ra trong bối cảnh ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế đáng tin cậy nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cử tới Mỹ với mục đích nhằm làm lắng dịu căng thẳng thương mại song phương.
Vài tuần trước đó, một thành viên khác thuộc Bộ Chính trị, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì cũng có chuyến thăm tới Mỹ nhưng có lẽ không đạt được bước ngoặt lớn. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, cuộc gặp của ông Lưu với giới chức Mỹ bao gồm cả đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Gary Cohn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchinm, chỉ đơn thuần là các cuộc đối thoại thẳng thắn. Ngoài thương mại, hai quốc gia cũng trao đổi nhiều vấn đề khác.
Theo ông Shen Dingli, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, chiến tranh thương mại gần như không xảy ra vì Bắc Kinh vốn thể hiện họ sẵn sàng nhượng bộ khi đưa tới Washington cả hai thành viên Bộ Chính trị trong vòng 1 tháng.
“Tôi nghĩ ông Lưu Hạc sẽ không thể giúp giảm nhiệt căng thẳng thương mại, ít nhất là ở thời điểm này vì nhiệm vụ của ông ấy là cố tránh Mỹ áp thêm các lệnh trừng phạt hơn nữa với Trung Quốc và đưa quan hệ song phương thoát khỏi bờ vực xung đột vì thương mại. Đây có lẽ là ưu tiên của các lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Kinh”, ông Shen nói.
Theo ý kiến của chuyên gia này, kể cả với chính quyền Mỹ, nếu né được xung đột thương mại cũng là điều tốt vì nếu xảy ra chính họ cũng tổn hại nặng nề.
Mặt khác, ông Shen cho rằng, dù Bắc Kinh khẳng định sẽ kết hợp với các nước khác đặc biệt là Liên minh châu Âu để đối phó với Mỹ về thương mại hoặc tìm kiếm giải quyết thông qua WTO nhưng họ sẽ không làm vậy.
Thứ nhất, vì châu Âu vốn không hài lòng về cách hoạt động thương mại của Trung Quốc. Thứ hai, “Bắc Kinh biết rằng, họ sẽ thua đau nếu WTO tiến hành điều tra vấn đề bán phá giá và trợ cấp chính phủ”.
Do đó, ông Shen cho rằng: Cũng như những lời đe dọa áp thuế của ông Trump, những bình luận từ Bắc Kinh có thể chỉ là một phần trong chiến lược đàm phán nhằm đảm bảo các thỏa thuận tốt hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận