Mô hình công nghệ gieo mưa mà Trung Quốc đang nghiên cứu |
Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ quốc phòng hiện đại nhằm phát triển hệ thống biến đổi thời tiết cực kỳ mạnh nhưng chi phí thấp với mong muốn tạo thêm mưa cho cao nguyên Tây Tạng – vùng đất vốn được mệnh danh là “tháp nước của châu Á” nhưng lại khô cằn và ít mưa nhất thế giới.
Hô mưa như ảo thuật
Công nghệ này bao gồm một hệ thống các khu đốt nhiên liệu lớn được xây dựng trên khu vực cao nguyên vùng núi Tây Tạng, có thể tăng lượng mưa tại khu vực này lên 10 tỉ m3/năm – tương đương khoảng 7% tổng lượng tiêu thụ nước tại Trung Quốc, tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết.
Khoảng 10.000 khu đốt nhiên liệu như vậy được xây dựng tại các địa điểm có chọn lọc trên khắp cao nguyên Tây Tạng để tạo mây mang hơi nước, có thể đổ thành mưa cho khu vực rộng 1,6 triệu km2 - gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất nước Tây Ban Nha, trở thành dự án lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Mưa được tạo ra theo mô hình: Các khu đốt nhiên liệu rắn sẽ sản xuất ra bạc iođua (silver iodide) - một chất xúc tác gieo mưa có cấu trúc tinh thể giống như đá. Những khu đốt được xây dựng trên các ngọn núi dốc đối mặt với gió mùa ẩm từ Nam Á. Khi gió tạt vào núi, tạo ra gió lùa hướng lên trên và quét các hạt vật chất thành đám mây kéo theo mưa, tuyết rơi. Sở dĩ các nhà khoa học đặt lò đốt ở vị trí cao vì dữ liệu radar cho thấy, gió nhẹ có thể mang các phần tử gieo mưa ở độ cao 1.000m trên đỉnh núi.
Riêng một lò đốt có thể tạo một dải mây dày trải khắp hơn 5km. “Đôi khi chúng tôi vừa đốt lò, mưa đã rơi ngay, tạo cảm giác như đang đứng giữa một sân khấu trình diễn ảo thuật vậy”, nguồn tin chia sẻ.
“Đến nay, hơn 500 lò đốt đã được xây trải khắp các sườn núi tại Tây Tạng, Tân Cương và các khu vực khác để thử nghiệm. Dữ liệu mà chúng tôi thu thập được cho ra những kết quả đầy hứa hẹn”, nhà nghiên cứu đang làm việc về hệ thống này cho biết.
Về lò đốt, các nhà khoa học vũ trụ đã thiết kế và xây dựng nhờ công nghệ động cơ tên lửa quân sự tiên tiến, cho phép họ đốt các nhiên liệu rắn mật độ cao trong môi trường ít oxy ở độ cao trên 5.000m. Tất cả hệ thống được hình thành dựa trên nguyên lý không khí ẩm và va chạm với các hạt phân tử lơ lửng trong không khí tạo ra mưa.
Trung Quốc đang nghiên cứu công nghệ hô mưa cho cao nguyên Tây Tạng |
Vì sao phải làm mưa tại tháp nước lớn nhất châu Á?
Lý do khiến Trung Quốc phải hao công tốn sức để thực hiện dự án gieo mưa nhân tạo này là vì bể chứa ngầm cỡ lớn và dòng sông băng khổng lồ trên cao nguyên Tây Tạng mang lại nguồn nước cho các dòng sông rất lớn của lục địa này bao gồm sông Hoàng Hà, Dương Tử, sông Mê-kông, Salween và Brahmaputra không đủ để cấp nước.
Các con sông này chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Việt Nam và một số nước khác, là mạch sống cho hơn một nửa dân số trên thế giới. Dù có dòng trữ nước lớn chảy qua mỗi ngày nhưng cao nguyên này vẫn là một trong những nơi khô hạn nhất trên Trái đất.
Hầu hết khu vực đều chỉ nhận được lượng mưa chưa đến 10cm/năm. Theo khảo sát Địa chất Mỹ, khu vực nhận được ít hơn 25cm mưa một năm thì được định nghĩa là sa mạc.
Ý tưởng nghiên cứu công nghệ gieo mưa ban đầu xuất phát từ mục đích quốc phòng, do Tập đoàn Kỹ thuật và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc thực hiện. Ý tưởng này có thể không mới vì nhiều nước như Mỹ đã thực hiện các thử nghiệm tương tự trong quy mô nhỏ nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên áp dụng công nghệ này trên quy mô siêu lớn.
Hoạt động hàng ngày của các lò đốt nhiên liệu sẽ được thực hiện dựa trên dữ liệu thời gian thực, chính xác cao được thu thập qua hệ thống gồm 30 vệ tinh thời tiết nhỏ giám sát các diễn biến trong mùa mưa trên Ấn Độ Dương. Hệ thống này cũng sử dụng các phương pháp “gieo mây” khác như sử dụng máy bay có người lái, máy bay không người lái để tạo hiệu ứng tối ưu cho hệ thống biến đổi thời tiết.
Theo Bưu điện Hoa Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác bao gồm Nga, Mỹ đã nghiên cứu nhiều cách để tạo ra các thảm họa thiên nhiên như bão, hạn hán và lốc xoáy để làm suy yếu kẻ địch trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng. Những nỗ lực ứng dụng công nghệ quốc phòng để sử dụng cho mục đích dân sự đã bắt đầu từ một thập kỷ trước.
Thuận lợi và thách thức
Theo các nhà nghiên cứu dự án, hoạt động đốt nhiên liệu này không chỉ hiệu quả mà còn rất thân thiện môi trường, chỉ thải ra hơi nước và khí CO2. Các thiết bị liên lạc và điện sử dụng năng lượng từ mặt trời.
Trong khi đó, các lò đốt được điều hành bằng ứng dụng điện thoại thông minh cách đó hàng nghìn km thông qua một hệ thống dự báo vệ tinh. Phương pháp gieo mưa này cũng nhanh nhạy hơn các phương pháp sử dụng máy bay, vòi rồng, máy bay không người lái vì nó không đòi hỏi phải thiết lập một vùng cấm bay.
Qua đây, giúp tiết kiệm thời gian và hạn chế rắc rối nhất là tại những nước như Trung Quốc - nhà nghiên cứu giấu tên chia sẻ. So sánh để thấy, với hệ thống trên mặt đất này, mỗi lò đốt tốn chi phí khoảng 50.000 nhân dân tệ (tương đương 8.000 USD) để xây dựng và lắp đặt. Chi phí này sẽ còn giảm thấp nếu sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, giá để đưa máy bay gieo mưa lên tới hàng triệu nhân dân tệ và chỉ bao phủ được khu vực nhỏ.
Một trong những thách thức lớn nhất mà các chuyên gia gieo mưa phải đối mặt đó là tìm cách để duy trì hoạt động cho các lò đốt tại một trong những môi trường khắc nghiệt, ở vùng sâu, vùng xa nhất thế giới. “Trong thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi, lửa thường bị tắt giữa chừng do thiếu oxy”, nhà nghiên cứu cho hay. Tuy nhiên hiện nay, họ đã đưa thêm một số cải tiến vào thiết kế, các lò đốt có thể hoạt động trong gần như hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm mà không cần bảo trì. Một điểm yếu vẫn còn tồn tại đó là các lò đốt sẽ khó có thể hoạt động mà không có gió hay khi gió thổi sai hướng.
Hiện nay, quy mô và ngày ra mắt chính thức của chương trình này vẫn chưa được xác định vì còn chờ chính phủ thông qua. Dù hệ thống trên bộc lộ nhiều ưu điểm nhưng vẫn chưa hoàn toàn làm hài lòng giới chức, các nhà khoa học, môi trường…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận