Thế giới

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố "mục đích quân sự" trên Biển Đông

16/06/2015, 13:37

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận việc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông một phần để đáp ứng mục đích quân sự.

d3bf7f771eae4ab493bd2d92a1867061
Ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang gần hoàn thành dự án xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông

Thông tin này được đưa ra khi một bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy các công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam - PV) đang bước vào giai đoạn hoàn thành.

Trong khi đó, theo như bài phát biểu trước báo giới diễn ra sáng nay (16/6) của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khang, Bắc Kinh đang đi ngược với những gì đã hứa trước đó rằng việc xây dựng đảo chỉ để phục vụ cho mục đích dân sự.

“Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu cần thiết về quốc phòng quân sự, mục đích chính của các hoạt động xây dựng là đáp ứng các nhu cầu dân sự và thực hiện tốt nghĩa vụ cũng như trách nhiệm quốc tế”, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn lời phát biểu của ông Lục Khang.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng các nghĩa vụ và trách nhiệm bao gồm công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai, nghiên cứu biển, quan trắc khí tượng, bảo tồn môi trường sinh thái, an toàn hàng hải.

Sau khi cải tạo đất, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng một số cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các nhu cầu liên quan. Điều này không nằm ngoài dự đoán xây dựng căn cứ quân sự.

Không chỉ vậy, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố rằng các hoạt động xây dựng trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.

“Các hoạt động đó không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào, cũng không ảnh hưởng tới tự do hàng hải và được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng như không làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, môi trường biển”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc lấp liếm.

trung quoc1
Các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông thực sự làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển

Tuy nhiên, theo Đại sứ Lourdes O.Yparraguirre, đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc, quá trình cải tạo đất trên quy mô lớn của Trung Quốc ở vùng Biển Đông đã gây ra tác hại đến hệ sinh thái. Đặc biệt, nhiều rạn san hô hàng trăm đã bị phá hoại vì đợt cải tạo đất trên.

Một số chuyên gia cũng cho biết hoạt động bồi đắp khoảng 800 ha mà Trung Quốc ngang nhiên thực hiện trên Biển Đông đang thực sự khiến môi trường biển bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Mỹ) từ ngày 8-12/6 vừa qua, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Đặc biệt, các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tình chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, hủy hoại môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực…

Phía Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hành động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, phá hoại môi trưởng biển và làm phức tạp thêm các tranh chấp ở Biển Đông. 

Ngày 28/5, liên quan đến việc Trung Quốc thông báo tổ chức lễ động thổ xây dựng trái phép hai hải đăng cao 50 m với đường kính 4,5 m ở bãi đá Châu Viên và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Hành động nêu trên của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu dừng ngay các hoạt động xây dựng trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là công ước của LHQ về luật Biển 1982 cũng như tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.