Tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, mới kết thúc ngày 13/11, hai hệ thống phòng không Hongqi của Trung Quốc - được thiết kế để đánh chặn tên lửa, máy bay, máy bay không người lái đã xuất hiện.
Một trong 2 hệ thống là HQ-11 do Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Hệ thống còn lại là HQ-16FE do lục quân PLA vận hành, có khả năng đánh chặn mục tiêu trong phạm vi lên tới 160km.
Cũng tại triển lãm, Chiến khu Trung bộ PLA công bố video hệ thống phòng không mà đơn vị này cho biết có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Bắc Kinh trong trường hợp bị tấn công.
Hệ thống phòng không HQ-16FE của Trung Quốc.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng 2 hệ thống phòng không Hongqi phiên bản mới được thiết kế để xuất khẩu và có thể là phiên bản giá rẻ của hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington khiến Trung Quốc cần từ phát triển phiên bản THAAD cho riêng mình.
“Không còn nghi ngờ gì, Trung Quốc đã phát triển phiên bản hệ thống THAAD và có thể đã đưa hệ thống này vào biên chế nhưng chưa rõ đó có phải hệ thống HQ-11 được công bố tại triển lãm hàng không Zhuhai hay không”, ông Song nói.
Ông Song cho rằng hệ thống HQ-11 có thể là phiên bản cải tiến của hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung, tầm xa HQ-9 của Trung Quốc. Trong khi đó, hệ thống HQ-16 đang được cải tiến tương tự như cách quân đội Mỹ cải tiến hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot.
Theo ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, các nhà phát triển vũ khí Trung Quốc đã bám sát những phát triển mới nhất trong chiến tranh hiện đại.
“Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới về công nghiệp quân sự. Một số công nghệ vũ khí của Trung Quốc thậm chí còn tiên tiến hơn Mỹ như tên lửa hành trình siêu vượt âm”, ông Chang nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng Bắc Kinh đang “phô trương những thành tựu phát triển vũ khí” và khả năng sẵn sàng tác chiến trong trường hợp xảy ra xung đột trên Eo biển Đài Loan.
"Bắc Kinh đang sử dụng khả năng sẵn sàng tác chiến như biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất để đẩy mạnh tiến trình của kế hoạch thống nhất Đài Loan", ông Chang cho hay.
Ông Fu Qianshao, cựu chuyên gia thiết bị quân sự tại PLA, cho rằng Trung Quốc đã cải tiến công nghệ máy bay không người lái và tên lửa trong vũ khí sản xuất để xuất khẩu.
Theo ông Fu, PLA đặt mục tiêu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa, máy bay, máy bay không người lái tiếp cận từ nhiều hướng, độ cao khác nhau.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc cũng có thể kết hợp với hệ thống radar giám sát lắp trên phương tiện có người điều khiển hoặc không người điều khiển cũng do nước này phát triển để đạt hiệu quả cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn và do đó, “vừa túi tiền” các quốc gia đang phát triển hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận