Thế giới giao thông

Trung Quốc sắp bàn giao đồng loạt máy bay nội địa cho 3 hãng hàng không lớn nhất nước

28/08/2024, 17:23

Máy bay phản lực chở khách C919 của Trung Quốc ghi nhận một dấu mốc mới khi được Tập đoàn sản xuất máy bay thương mại Comac lần đầu tiên bàn giao cho ba hãng hàng không lớn ngay trong tháng 8.

Cột mốc quan trọng

Dự kiến trong ngày 28/8, Tập đoàn sản xuất máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) thực hiện đợt giao máy bay C919 đầu tiên cho hai hãng hàng không Air China và China Southern Airlines và tiếp tục hoàn thành các đơn hàng từ China Eastern Airlines.

Air China và China Southern đã đồng ý mua mỗi hãng 100 máy bay C919 từ tháng 4 vừa qua với thời gian giao hàng dự kiến từ năm 2024-2031.

Trung Quốc sắp bàn giao đồng loạt máy bay nội địa cho 3 hãng hàng không lớn nhất nước- Ảnh 1.

Máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất.

"Tốc độ giao hàng C919 của Comac cho ba hãng hàng không này trong 1 tháng phản ánh năng lực ngày càng phát triển, giải quyết những nút thắt trong sản xuất và hợp tác với cơ quan quản lý, nhà cung ứng, người mua để có thể đẩy nhanh quá trình nhận đơn và giao hàng", nhà phân tích hàng không Li Hanming nhận định.

Nhà sản xuất máy bay (thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc) đang tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới (xét về quy mô) vào đúng thời điểm vị trí thống trị của các nhà sản xuất máy bay phương Tây xuất hiện nhiều vết rạn nứt.

Theo ông Li, việc tăng cường năng lực sản xuất là cấp thiết khi lượng đơn hàng tồn đọng ngày càng tăng và nhiệm vụ này còn quan trọng hơn cả nhận được chứng nhận của phương Tây bởi nếu không thể tăng sản lượng, doanh số và người mua có thể hủy hoặc giảm bớt lượng đơn hàng.

Gần đây, Comac đã bắt đầu xây dựng dây chuyền lắp ráp thứ hai tại Thượng Hải để giải quyết nhu cầu tăng cao.

Nhu cầu từ hàng loạt hãng hàng không 

Khi nhận máy bay, hãng hàng không Air China cho biết sẽ đăng ký chiếc C919 đầu tiên của hãng với mã kỷ niệm là B-919X. Các phi công, phi hành đoàn và đội bảo dưỡng đang trải qua ba tháng đào tạo về vận hành và an toàn tại trụ sở chính của Comac ở Thượng Hải.

Chiếc C919 của Air China có sức chứa 158 hành khách, ít hơn 6 chỗ ngồi so với kết cấu chỗ ngồi của China Eastern Airlines và China Southern Airlines, để tạo thêm không gian và sự thoải mái cho hành khách.

China Southern cho biết đang phối hợp với Comac để chuẩn bị đưa chiếc C919 đầu tiên vào vận hành trên các tuyến quan trọng từ Quảng Châu đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô.

Kể từ khi đi vào hoạt động, C919 đã thực hiện hơn 3.100 chuyến bay với hãng China Eastern Airlines vào tháng 5/2023.

Trong khi đó, Air China và China Southern cho biết vẫn tiến hành kiểm tra, giám sát cẩn trọng trong quá trình sản xuất và thử nghiệm các chuyến bay.

China Eastern Airlines đã đưa bảy máy bay phản lực vào hoạt động và còn 98 chiếc đang được đặt hàng.

Hãng Suparna Airlines có trụ sở tại Thượng Hải (công ty con của Hainan Airlines) sẽ là đơn vị đầu tiên ngoài nhà nước mua C919. Dự kiến đợt giao hàng đầu tiên trong số 30 chiếc sẽ diễn ra vào quý IV.

Ít nhất 5 chiếc C919 cũng sẽ được chuẩn bị để giao cho GallopAir, một nhà khai thác hàng không mới và có vốn từ Trung Quốc, đặt trụ sở tại Brunei, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay.

Vẫn còn khoảng cách lớn so với Airbus, Boeing

Theo nền tảng hàng không Airwefly có trụ sở tại Thượng Hải, trong 5 năm tới, Comac sẽ giao 150 chiếc C919/năm.

Dù sản lượng này đã được cải thiện nhưng vẫn còn kém xa so với Airbus vì tập đoàn hàng không vũ trụ đa quốc gia của châu Âu đã sản xuất 229 máy bay A320neo - mẫu máy bay mà C919 muốn cạnh tranh - trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.

Với Boeing, dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhưng hãng cũng đã giao 137 chiếc 737 trong nửa đầu năm 2024.

Chưa kể, kế hoạch giao hàng cho C919 cũng phụ thuộc vào khả năng của Comac trong việc đảm bảo nhập khẩu động cơ và các bộ phận quan trọng khác từ các nhà cung cấp phương Tây, với hy vọng các thỏa thuận thương mại không bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn địa chính trị.

C919 hiện sử dụng động cơ do CFM International một liên doanh giữa Safran của Pháp và GE Aerospace của Mỹ cung cấp, chỉ có một số bộ phận của thân máy bay là có nguồn gốc trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.