Thời sự Quốc tế

Trung Quốc siết quản lý truyền thông, mạng xã hội

22/03/2021, 09:41

Trung Quốc vừa công bố một dự thảo luật phát thanh truyền hình mới, thay thế luật hiện hành vốn được thông qua cách đây 24 năm.

img

Dự luật phát thanh truyền hình mới của Trung Quốc sẽ tập trung bảo vệ trẻ em trước mối nguy hiểm từ thông tin sai lệch, vô bổ, có hại trên mạng xã hội

Dự thảo luật cập nhật xu thế truyền thông mới như micro blog, nền tảng lưu trữ video (tương tự như mạng xã hội Youtube), phát trực tuyến (livesteam)…

Đã đến lúc cải cách luật

Dự luật được Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc công bố cách đây vài ngày, có 10 chương, 80 điều thay vì 6 chương và 55 điều như bộ luật hiện hành.

Dự luật chia làm ba phần lớn bao gồm: Quy định về hoạt động sản xuất và phân phối nội dung; phát sóng tích hợp; mức độ phủ sóng.

Ngoài ra, dự luật còn nêu rõ 9 loại nội dung truyền thông bị cấm phát trên tất cả các loại phương tiện truyền thông, chẳng hạn như: Nội dung xúc phạm văn hóa dân tộc Trung Hoa, xuyên tạc lịch sử.

Như vậy, luật mới sẽ hướng tới cập nhật, hợp lý hóa và đồng bộ quy tắc hoạt động, áp dụng với tất cả các phương tiện truyền thông kể cả các kênh truyền thông truyền thống cho đến các trang video, nền tảng truyền hình mạng, phát thanh trực tuyến, mạng xã hội…

Thực tế cho thấy, Trung Quốc nhận ra xu hướng truyền thông hiện nay đã thay đổi chóng mặt so với cách đây 24 năm khi Luật Phát thanh truyền hình hiện hành được thông qua.

Thời điểm đó, báo in, đài phát thanh, truyền hình là những phương tiện truyền thông được yêu thích nhất và internet chưa được sử dụng nhiều.

Trong giới truyền thông, các phương tiện truyền thống như Đài truyền hình Trung ương và những tờ báo chính thống có tác động rất lớn tới không gian thông tin và có uy tín rất cao. Phạm vi đối tượng ảnh hưởng bị giới hạn theo khu vực địa lý.

Nhưng, với tốc độ phát triển internet trong đó các nền tảng công nghệ tại Trung Quốc như mạng tiểu blog (micro blog kiểu Weibo), nền tảng lưu trữ video (như Youku tương tự như Youtube) mạng xã hội (Renren, Duoban…), nhắn tin (WeChat…), nền tảng truyền hình ảnh trực tiếp (Kuaishou, Bilibil…) đã lấn sân các kênh truyền thông chính thống.

Thậm chí, nhiều nền tảng công nghệ này còn có ảnh hưởng sâu rộng với thế hệ trẻ Trung Quốc, gần như trở thành nguồn cung cấp thông tin chính.

Đáng nói là, các công ty công nghệ này lại thuộc sở hữu của tư nhân, địa lý phủ sóng mở rộng ra toàn bộ đất nước nhờ internet.

Không phải bây giờ chính quyền Bắc Kinh mới nghĩ đến chuyện quản lý các kênh truyền thông.

Từ đầu những năm 2010, Trung Quốc đã quy định trách nhiệm với những người làm blog, xử phạt nặng những người đưa tin không đúng sự thật, cố tình làm sai lệch sự thật nếu những thông tin đó thu hút 5.000 lượt xem trở lên và được chia sẻ lại hơn 500 lần.

Năm 2017, Bộ Thông tin Trung Quốc ban hành thêm quy định, bắt buộc tất cả blogger phải đăng ký tên thật, xác minh danh tính.

Ngoài ra, các blogger không được phép phát tán thông tin chính trị, quân sự, kinh tế, y tế, ngoại giao, xã hội khi chưa được phép.

Họ cũng bị cấm đưa các tài liệu xuyên tạc sự thật về lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng được phép đăng lại, chia sẻ các tài liệu từ phương tiện truyền thông chính thống Nhà nước.

Song, cho đến nay, các quy định này mới dừng ở các blogger trong khi đã có rất nhiều nền tảng công nghệ mới xuất hiện. Đó chính là bối cảnh buộc Trung Quốc phải đi tới dự thảo luật phát thanh truyền hình mới toàn diện hơn.

Cảnh báo giới trẻ trước “biển” thông tin

Đặc biệt, theo một giáo sư của Đại học Báo chí và Truyền thông xã hội Tế Nam, ông Wu Fei, mục tiêu chính của dự luật mới sẽ tạo thành những “tấm khiên” để bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi những thông tin không mong muốn hoặc không chính xác.

Trong đó, dự luật sẽ tập trung nhiều vào quy định độ tuổi được phép truy cập mạng của trẻ vị thành niên. “Bởi thực tế, các chương trình trên các nền tảng xã hội rất đa dạng, có nhiều nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ.

Do đó, dự luật mới sẽ quy định những vấn đề như vậy, đặt ra giới hạn phù hợp đối với nghệ sĩ và nhân vật nổi tiếng”, ông Wu nói.

Hơn nữa, với nền tảng truyền thông rộng, nhanh chóng và dễ đăng tải như hiện nay, giới trẻ sẽ đối mặt với một “biển” thông tin cực lớn. Người dùng có thể dán mắt vào điện thoại hàng giờ nhưng cuối cùng không nhận được giá trị gì.

Vì vậy, điều quan trọng là phải giúp mọi người điều hướng luồng thông tin, nắm rõ đâu là thông tin quan trọng, đâu là thông tin chất lượng thấp. Nếu lãng phí thời gian vào những thông tin trống rỗng và quên đi hoạt động chính, giới trẻ sẽ lãng phí cả tuổi thanh xuân mà không đạt được điều gì tốt đẹp - Giáo sư Wu lý giải thêm.

Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là chất xúc tác khiến những nhà quản lý nhận thấy rõ lợi ích và cả mặt bất cập cực lớn từ internet, nền tảng công nghệ với giới trẻ.

Một mặt công nghệ giúp học sinh duy trì hoạt động học tập qua trực tuyến nhưng lại khiến nhiều trẻ em bị nghiện điện thoại, tivi vì trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị này.

Thời gian giải trí chỉ dùng để xem phim, video, nhiều nội dung khác qua internet trong khi bố mẹ lại không thể ở nhà và kiểm soát con 24/7. Do đó, dự luật mới còn tạo ra một cơ chế lọc nội dung không mong muốn.

Với các mục tiêu và ý nghĩa như vậy, dư luật phát thanh truyền hình mới của Trung Quốc đã nhận được đông đảo sự ủng hộ từ cư dân mạng Trung Quốc, đặc biệt là với những quy định giới hạn nội dung dành cho trẻ vị thành niên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.