Các trường tại Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nội bộ,chưa dùng để chấm thi |
Máy có khả năng suy nghĩ sâu, tránh đánh giá cảm tính
Công nghệ “suy nghĩ” được thiết kế để tìm hiểu logic chung và ý nghĩa của đoạn văn hay bài tiểu luận và từ đó đưa ra các phán đoán hợp lý giống như con người về chất lượng chung của bài tập. Sau đó, nó sẽ chấm điểm bài viết dựa trên một số yếu tố khác như phong cách viết, cấu trúc và chủ đề.
Kỹ nghệ này được cho là có khả năng “nghĩ” sâu hơn và làm được nhiều việc hơn một máy kiểm tra chính tả đơn thuần. Ví dụ, nếu một đoạn văn bị lạc đề, máy tính sẽ lập tức đánh dấu kém. Qua đây, các giáo viên sẽ giảm bớt thời gian chấm điểm bài vở và cũng như tránh được khả năng do lỗi của con người như mất tập trung hoặc thành kiến. Ứng dụng này cũng có thể giúp đỡ thêm nhiều sinh viên, đặc biệt là những người ở các khu vực vùng sâu vùng xa bị hạn chế tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên, qua đó cải thiện kỹ năng viết nhanh hơn.
Máy chấm điểm tương tự như hệ thống đánh giá tự động đang được Cơ quan Giáo dục thực nghiệm tại Mỹ dùng để đánh giá bài tiểu luận của sinh viên sau đại học. Khác ở điểm, máy này có thể đọc bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh.
Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu xác nhận, thiết bị đang được thử nghiệm trong khoảng 60.000 trường học, liên quan tới hơn 120 triệu người, do giáo sư Zhou Jianshe, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về trí thông minh ngôn ngữ Trung Quốc tại trường Đại học Capital Normal dẫn đầu.
Ông Zhou và các thành viên khác trong dự án đã nhận được nhiều giải thưởng từ quân đội và Chính phủ vì những đóng góp của họ với quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khai thác thông tin từ khối dữ liệu lớn.
Âm thầm thử nghiệm
Song, nhiều người cho rằng, Chính phủ Bắc Kinh đang thử nghiệm máy chấm điểm bài tập tự động trong môi trường an ninh bất thường. Tại hầu hết trường đang tham gia chương trình này, phụ huynh học sinh không được thông báo trước, chỉ cho phép nhân viên có trách nhiệm tiếp cận hệ thống, kết quả thử nghiệm được bảo mật một cách nghiêm ngặt, thậm chí, ở một số lớp, học sinh còn không biết bài tập của họ được máy tính đọc và chấm điểm.
Ông Wang Jing, Giám đốc Văn phòng các vấn đề hàn lâm tại trường Cao đẳng liên kết với Đại học Renmin - một trong những trường danh giá nhất của Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện thử nghiệm một cách rất cẩn trọng. Việc gì diễn ra ở trường thì nên được giữ nguyên trong khuôn khổ nhà trường. Kết quả thử nghiệm sẽ không được tiết lộ trước công chúng” theo thỏa thuận với các nhà tổ chức dự án”, ông cho biết.
Nhiều trường học khác mà tờ Bưu Điện Hoa Nam phỏng vấn đều đưa ra nhận định tương tự. Các trường này cho rằng, máy chấm điểm AI còn phải mất thêm rất nhiều thời gian nữa mới trở thành thiết bị hoàn hảo.
Hiện tại, các giáo viên vẫn phát hiện ra rất nhiều bài viết thông minh bị đánh điểm thấp. Ngoài ra, phần mềm này đang được sử dụng để chấm điểm trong các cuộc thử nghiệm nội bộ, chưa có trường nào định dùng công nghệ này để chấm điểm trong các kỳ thi.
Các nhà phát triển cho biết, mức độ thông minh của ứng dụng chấm điểm mới dừng ở trí tuệ của đứa bé 10 tuổi nhưng họ tự tin về tiềm năng phát triển của nó. “Trong tương lai, nó có thể được sử dụng để giảm bớt gánh nặng của giáo viên nhưng có lẽ sẽ không bao giờ có thể thay thế các giáo viên. Máy móc không hề có tâm hồn”, một nhà nghiên cứu tham gia vào dự án này nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận