Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc thử nghiệm tháp lọc không khí khổng lồ

17/01/2018, 08:13

Trung Quốc đã xây dựng và bắt đầu thử nghiệm một tháp lọc không khí thí nghiệm cao hơn 100m ở TP Tây An...

31

Ô nhiễm khói bụi là vấn nạn “kinh niên” ở Trung Quốc

Trung Quốc đã xây dựng và bắt đầu thử nghiệm một tháp lọc không khí thí nghiệm cao hơn 100m ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Đây là một phần trong những nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí nặng nề ở quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Tháp lọc không khí lớn nhất thế giới

Theo báo South China Morning Post (SCMP), tòa tháp lọc không khí ở Tây An được biết tới với tên gọi “máy lọc bụi không khí lớn nhất thế giới” không chỉ bởi kích thước khổng lồ, mà còn vì những cải tiến của nó đã giúp giảm đáng kể tình trạng chất lượng không khí tồi tệ được ghi nhận trong các đợt chạy thử từ cuối năm 2017.

Công trình này được thử nghiệm bởi các nhà khoa học tại Viện Môi trường Trái đất thuộc Học viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.

Ông Cao Junji - người đứng đầu công trình nghiên cứu này cho hay, sự cải thiện chất lượng không khí đã được quan sát thấy trên diện tích 10km2 quanh tòa tháp này trong vài tháng qua.

Đặc biệt, tháp lọc không khí khổng lồ đã sản xuất thành công hơn 10 triệu m3 không khí sạch mỗi ngày kể từ khi bắt đầu được vận hành dù chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Trong những ngày không khí ô nhiễm nặng, tháp có thể làm giảm mức độ khói bụi về gần mức trung bình.

Hệ thống lọc không khí mà Trung Quốc đã xây dựng hoạt động dựa trên nền tảng một nhà kính khổng lồ có khả năng hấp thu năng lượng mặt trời. Nhà kính với kích thước nền bằng nửa kích thước một sân bóng đá được xây bao quanh tòa tháp.

Không khí bị ô nhiễm được hút vào nhà kính và làm nóng bằng năng lượng mặt trời. Không khí sau khi nóng lên sẽ được quạt thổi vào tháp và đi qua nhiều lớp lọc không khí khác nhau trước khi quay trở lại môi trường bên ngoài.

Tây An - thành phố lớn nhất và phát triển nhất khu vực Tây Bắc Trung Quốc dễ bị ô nhiễm nặng vào mùa đông do phần lớn hệ thống sưởi ấm của thành phố dựa vào than đá.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang vận hành thử nghiệm tháp lọc đã đảm bảo rằng hệ thống lọc không khí có thể hoạt động trong những tháng lạnh vì lớp phủ trên các nhà kính cho phép thuỷ tinh hấp thụ bức xạ mặt trời với hiệu quả rất cao.

Hơn 10 trạm kiểm soát ô nhiễm không khí đã được thiết lập trong khu vực để kiểm tra hiệu quả hoạt động của tháp. Kết quả cho thấy, chỉ số PM 2,5 (chỉ số đo các hạt bụi mịn trong không khí có tác động rất xấu cho sức khoẻ con người) đã giảm trung bình 15% trong thời gian ô nhiễm không khí nặng mà tháp lọc vận hành.

Ông Cao cho biết, những kết quả này chỉ là sơ bộ bởi các thử nghiệm vẫn đang tiếp diễn. Nhóm nghiên cứu dự định cung cấp một bản đánh giá khoa học đầy đủ trong đó sẽ chỉ ra hiệu suất tổng thể của tháp lọc không khí này vào tháng 3 tới.

32

Tháp lọc không khí khổng lồ ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

Liệu có phải giải pháp dài hạn?

Để kiểm chứng, các phóng viên của SCMP đã phỏng vấn một số người ở Tây An về chất lượng không khí trong thời gian gần đây. Những người được hỏi đều cho rằng, họ đã nhận thấy sự khác biệt kể từ khi tháp bắt đầu hoạt động, đặc biệt là trong mùa đông năm nay.

Tuy nhiên, một giáo viên trường mẫu giáo ở huyện Thiên Thành, cơ sở giáo dục đang nằm phía trong ranh giới của khu vực rộng 10 km2 xung quanh tháp lọc không khí nói rằng, cô cảm thấy chưa có nhiều thay đổi đáng kể. “Không khí ở đây vẫn tệ như ở những nơi khác”, cô nói.

Dự án về tháp lọc không khí được đưa ra bởi Học viện Khoa học Trung Quốc năm 2015 với mục đích tìm ra phương pháp có hiệu quả với chi phí thấp để loại bỏ các chất gây ô nhiễm khỏi bầu khí quyển. Tuy nhiên, chi phí của dự án đến nay không được tiết lộ.

Trước đó, một tháp lọc không khí cao 7m đã được xây dựng bởi kỹ sư người Hà Lan có tên Daan Roosegaarde ở một công viên ở Bắc Kinh.

Tháp này tạo ra khoảng 8m3 không khí sạch mỗi giây. Tuy nhiên, nó chạy hoàn toàn bằng điện, mà phần lớn điện lại do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Trung Quốc cung cấp. Trong khi đó, tháp lọc không khí ở Tây An hầu như không cần cung cấp điện năng vào ban ngày vì có hệ thống hấp thu năng lượng mặt trời.

Theo các nhà khoa học phụ trách dự án này, cơ sở thử nghiệm tại Tây An là một phiên bản thu nhỏ của tháp lọc không khí lớn hơn dự kiến sẽ được xây dựng ở các thành phố khác ở Trung Quốc.

Tháp có kích thước đầy đủ sẽ cao 500m với đường kính 200m. Đồng thời, kích thước của các tổ hợp nhà kính cũng lớn hơn nhiều phiên bản thử nghiệm (khoảng gần 30 km2) và nhà máy sẽ đủ lớn để làm sạch không khí cho một thành phố nhỏ.

Tuy nhiên, theo SCMP, đây cũng sẽ chỉ là những giải pháp “tức thì” để giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí quá nặng nề ở Trung Quốc. Về lâu dài, Trung Quốc cũng như các quốc gia trên thế giới cần nghiêm túc giảm khí thải độc hại, mà đặc biệt là khí thải từ các nhà máy nhiệt điện từ than đá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.