Lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng
Không còn tình trạng xe xếp hàng dài chờ, đăng kiểm viên tranh thủ từng phút để kiểm định xe như cách đây chừng 2 tháng, tại hầu hết trung tâm đăng kiểm trên cả nước hiện nay luôn trong tình cảnh vắng vẻ.
Khung cảnh vắng vẻ tại Trung tâm Đăng kiểm 1701D sau 15h mỗi ngày trong 2 tháng qua.
15h chiều Trung tâm Đăng kiểm 1701D (Thái Bình) đã hết khách. Khoảng sân rộng hàng nghìn m2 trống hoác.
Cổ phần hoá từ năm 2020, thời điểm đó, Trung tâm Đăng kiểm 1701D gần như phải đầu tư trang thiết bị hoàn toàn mới để theo kịp với tiến bộ khoa học, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cho người dân.
Kinh phí đầu tư ban đầu gần chục tỷ đồng, vẫn chưa kịp hoàn vốn. Để duy trì vận hành, ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đăng kiểm 1701D cho biết, mỗi tháng, đơn vị này phải trả tiền thuê đất khoảng 100 triệu đồng, tiền điện (tính theo giá điện kinh doanh) khoảng 50 triệu đồng, lương cho 25 nhân viên (bao gồm cả đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, bảo vệ, tạp vụ) trung bình 250 triệu đồng, chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền khấu hao thiết bị máy móc, tổng chi khoảng 500 triệu đồng.
“Phải kiểm định ít nhất 100 xe/tháng mới đủ trang trải chi phí hoạt động, chưa tính lãi. Thế nhưng, kể từ ngày 3/6, khi Thông tư 08/2023 có hiệu lực, cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe không kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi, lượng xe đến trung tâm lập tức giảm từ 80 xe mỗi ngày xuống chỉ còn 20-30 xe, khiến đơn vị rơi vào cảnh thu không đủ chi, từ tháng 7/2023 đến nay, mỗi tháng ước chừng lỗ khoảng 150 triệu đồng”, ông Thanh cho hay.
Chi phí đầu tư gần chục tỷ đồng chưa hoàn vốn, đến nay, Trung tâm Đăng kiểm 1701D phải gồng lỗ mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng do lượng xe sụt giảm nghiêm trọng.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, các khoản thu của đơn vị đăng kiểm chủ yếu vẫn từ giá dịch vụ kiểm định xe (từ 240 - 560 nghìn đồng/xe), tiền trích lại từ việc thu hộ phí bảo trì đường bộ (1,32% tổng số tiền thu được), một số trung tâm kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới sẽ có thêm khoản thu 5% số tiền bán được.
“Năm 2022, trung bình mỗi tháng, tiền thu được từ giá dịch vụ kiểm định xe khoảng 800 triệu đồng, đến tháng 7/2023 chỉ còn khoảng hơn 200 triệu đồng do lượng xe sụt giảm; tiền phí bảo trì đường bộ năm ngoái được khoảng 8-9 tỷ đồng/tháng thì nay do lượng xe giảm nên chỉ khoảng 3,6 tỷ đồng/tháng (đơn vị trích lại 1,32% thu về khoảng gần 50 triệu đồng). Khoản thu từ việc bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự mỗi tháng cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng. Như vậy, tổng thu hiện nay chỉ hơn 255 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, các khoản chi mỗi tháng bao gồm: tiền thuê đất 180 triệu đồng, tiền lương cho nhân viên khoảng 250 triệu đồng, tiền điện nước hơn 20 triệu đồng, tổng chi hơn 450 triệu đồng, chưa kể lãi ngân hàng”, vị lãnh đạo này phân tích và cho biết, dự kiến tháng 8/2023, với lượng xe giảm khoảng 70% như hiện nay, đơn vị này sẽ lại tiếp tục lỗ gần 200 triệu đồng/tháng.
Nhiều đăng kiểm viên lo lắng cơm áo gạo tiền mỗi ngày do lương giảm, số khác vẫn còn dư chấn tâm lý từ đợt khủng hoảng đã xin nghỉ không lương nhưng cũng chưa biết có quay trở lại với nghề hay không.
Đăng kiểm viên và nỗi lo cơm áo gạo tiền
“Hơn tháng nay, vợ chồng tôi phải gửi hai con nhờ ông bà ngoại nuôi bởi thu nhập bấp bênh”, anh T - một đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nội chia sẻ với PV.
Anh cho biết, do lượng xe kiểm định giảm, doanh thu không đảm bảo, từ tháng 7/2023, trung tâm đăng kiểm nơi anh làm việc buộc phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, cắt giảm chi phí. Điều này, đồng nghĩa với việc, mỗi tháng, số tiền anh T đưa về cho vợ lo sinh hoạt gia đình chỉ còn khoảng 5-6 triệu đồng. Trong khi đó, vợ anh - một nhân viên văn phòng, lương mỗi tháng cũng vỏn vẹn 8-9 triệu đồng.
“Con lớn của tôi năm nay vào cấp 3, tuần trước, hai vợ chồng phải đi vay mượn mới có tiền mua điện thoại, xe máy điện chuẩn bị hành trang cho con đến trường. Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ tôi không thể gắn bó với ngành”, anh T quay mặt, che đi đôi mắt dần đỏ hoe.
Nhiều đăng kiểm viên khác cũng như anh T đang chật vật để trang trải cuộc sống với mức lương chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng ở Hà Nội, nhiều gia đình phải gửi con về quê cho ông bà, số khác phải sử dụng đến cả tiền tiết kiệm để lo toan sinh hoạt bởi chỉ riêng tiền thuê nhà đã chiếm gần hết số lương ít ỏi, chưa kể còn trăm khoản khác phải lo.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tư nhân ở Hà Nội cho biết, từ tháng trước, đã có 3 đăng kiểm viên xin nghỉ không lương, số còn lại làm cầm chừng, nghỉ luân phiên bởi quá vắng xe.
“Anh em đăng kiểm viên rất tâm lý, nhiều người bày tỏ ý định muốn nghỉ việc sau những áp lực từ cuộc khủng hoảng sai phạm trong ngành, lại thêm việc thu nhập bấp bênh do ế ẩm. Có đăng kiểm viên chưa lập gia đình, đơn vị hỗ trợ bố trí chỗ nghỉ, sinh hoạt ở trung tâm để tiết kiệm tiền thuê nhà”, vị lãnh đạo này kể và cho biết, ông rất trăn trở làm sao để giữ người, bởi có thể chỉ khoảng 3 tháng nữa, nhu cầu của người dân sẽ tăng cao trở lại khi hết thời hạn giãn chu kỳ kiểm định.
“Đến lúc đó, số đăng kiểm viên nghỉ không lương, rồi cả đăng kiểm viên đang nhận chỉ với ½ mức lương như hiện nay có lẽ cũng khó trụ lại, thậm chí, nhiều trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc có khi phải đóng cửa do không thể cầm cự”, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nội xót xa nói.
Không còn hàng dài xe xếp hàng chờ kiểm định, phía trước các dây chuyền là khung cảnh vắng lặng.
Tại Thái Nguyên, ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2007D cũng cho biết, dù không mất chi phí đi thuê đất nhưng với lượng xe kiểm định mỗi ngày chỉ còn từ 20 – 30 xe, đơn vị này cũng không đủ chi phí để trả lương cho nhân viên. Thậm chí, do vắng xe, phải nghỉ cả thứ Bảy để tiết kiệm chi phí.
“Đơn vị có 5 đăng kiểm viên, 3 nhân viên nghiệp vụ phải thay nhau làm luân phiên, mỗi ngày chỉ có 3 đăng kiểm viên, 2 nhân viên nghiệp vụ làm việc, số còn lại thì nghỉ. Chúng tôi động viên nhau rất nhiều để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhưng không thể kéo dài bởi muốn đăng kiểm viên đồng hành phải lo đảm bảo được cuộc sống cho họ”, ông Hiếu chia sẻ.
Chia sẻ với các trung tâm đăng kiểm tư nhân, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V (đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, đây thực sự là giai đoạn khó khăn, phải gồng mình để gánh lỗ của họ.
“Trung tâm Đăng kiểm 2903V may mắn hơn vì còn có Cục hỗ trợ tài chính nhưng quả thực, chưa bao giờ đơn vị lại khó khăn về kinh phí hoạt động như thời điểm hiện nay”, ông Hoan nói và cho biết: Đã hai tháng nay, ông phải lên Cục xin hỗ trợ lương cho anh em đăng kiểm viên, tiền thưởng cũng giảm 2/3, nếu như cả lương và thưởng trước đây một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nhận khoảng 20 triệu đồng/tháng thì nay cũng chỉ còn 14 triệu đồng.
Sắp tới nghỉ lễ 2/9, đơn vị này cũng phải mong hỗ trợ từ Cục mới có thể thưởng cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.
Ông Hoan cho biết, hiện trung tâm có 2 dây chuyền kiểm định với 30 nhân lực, nếu như cao điểm trước đây, mỗi ngày đơn vị kiểm định 180 - 200 xe/ngày thì nay chỉ còn 50 - 60 xe. Thống kê công suất tháng 7/2023 chỉ bằng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các trung tâm đăng kiểm, tăng giá dịch vụ kiểm định hiện nay là giải pháp căn cơ, cấp thiết để vực dậy các trung tâm đăng kiểm.
Cấp thiết tăng giá kiểm định
Lãnh đạo một Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nội nhấn mạnh: Khó khăn lớn nhất của các trung tâm đăng kiểm hiện nay là tài chính. Khi Thông tư 02/2023 có hiệu lực quy định miễn đăng kiểm lần đầu ô tô mới đã khiến doanh thu các đơn vị đăng kiểm bị sụt giảm mạnh.
“Trước đây, mỗi tháng đơn vị kiểm định khoảng 200 ô tô mới, giá dịch vụ kiểm định khoảng 50 - 60 triệu đồng, có đơn vị kiểm định 600 xe mới (chủ yếu là ô tô con) mang về khoản thu 150 triệu đồng. Nhưng đến nay chỉ còn con số 0 tròn trĩnh. Trong khi đó, vẫn phải chi phí trả lương cho nhân viên, đăng kiểm viên thực hiện lập hồ sơ phương tiện, in ấn, cấp tem kiểm định cho người dân”, vị lãnh đạo này nói và cho biết: Cần thiết bổ sung mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện cho ô tô mới để các đơn vị đăng kiểm có thêm khoản thu chi trả lương cho nhân viên thực hiện công tác này.
Bên cạnh đó, 10 năm qua, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới chưa thay đổi trong khi các yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ đều đã tăng, đặc biệt là chi phí tiền lương, chi phí điện, nước và nhiều chi phí khác.
“Việc tăng giá dịch vụ kiểm định là biện pháp căn cơ, quan trọng, gần như là biện pháp cuối cùng, nếu không các trung tâm đăng kiểm không thể hoạt động nổi trong bối cảnh hiện nay", ông Hoan nhận định.
Đồng quan điểm, ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2908D (Hà Nội), cho biết đến thời điểm hiện nay doanh thu đơn vị đã giảm tới 80%.
"Doanh nghiệp đăng kiểm đang gồng mình vượt qua khó khăn nhưng không thể kéo dài lâu, nếu không có kinh phí rất khó giữ đăng kiểm viên. Việc tăng giá kiểm định thực sự rất cấp thiết”, ông Sinh nói.
Một lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm khác cho rằng, trường hợp còn vướng mắc trong điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định, trước mắt, nên ban hành giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện cho ô tô mới bởi đây là khoản thu chính đáng, để san sẻ gánh nặng chi phí với các trung tâm, dù chỉ là một phần nhỏ. Song song với đó, tiếp tục có biện pháp để tăng giá dịch vụ kiểm định một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá kiểm định đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sản lượng kiểm định so với cùng kỳ của các trung tâm đăng kiểm hiện nay chỉ đạt 50%-60% công suất. Việc thực hiện chính sách miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ kiểm định nhiều loại xe là lý do lượng xe đi kiểm định ít, doanh thu các trung tâm đăng kiểm sụt giảm. Trong khi đó, các chi phí khác đều tăng khiến các trung tâm đăng kiểm gặp khó khăn.
Từ đầu năm 2023 khi Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng phương án tăng giá dịch vụ kiểm định, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đều ủng hộ nhưng đề nghị mức tăng vừa phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Phương án tăng 26%-28% được các bộ nhận định là hợp lý để các trung tâm đăng kiểm bù đắp chi phí tối thiểu.
Khi xây dựng phương án giá, Bộ GTVT định hướng đề xuất giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là giá tối đa theo Luật giá để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tư pháp và Tài chính đều ủng hộ phương án này.
Nhưng do Luật giá hiện tại vẫn quy định giá dịch vụ kiểm định xe là giá cụ thể nên Bộ GTVT muốn ban hành mức giá tối đa phải báo cáo Thủ tướng để sửa Nghị định. Vnày cần nhiều thời gian, có thể phải sang năm 2024 mới có thể ban hành và có thể nhiều trung tâm đăng kiểm không thể cầm cự duy trì hoạt động.
Hiện Cục Đăng kiểm đang tính phương án đề xuất Bộ GTVT ban hành mức giá cụ thể về dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo Luật giá hiện hành với mức tăng từ 26%-28%. Đến ngày 1/7/2024 khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực sẽ quy định ban hành giá tối đa.
“Phương án này kịp thời giúp các trung tâm đăng kiểm bù đắp chi phí, duy trì hoạt động, tránh được trường hợp trung tâm đăng kiểm quá khó khăn phải tự rút lui khỏi thị trường”, lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận