Xã hội

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Người ký thác cuộc đời vào những con đường

05/04/2019, 15:36

Dường như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã “ký thác cuộc đời” với những con đường, từ con đường “máu và hoa” cho đến con đường hòa bình, ấm no.

img
Các nhà báo thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại tư gia

11h trưa ngày 3/4 tôi cùng nhà báo, nhà thơ, đại tá Mai Nam Thắng đến xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa thăm lại Chỉ huy Sở Bộ Tư lệnh 559 (giai đoạn 1965 – 1966). 12h ngày 4/4 đang chuẩn bị nội dung để chiều làm việc với anh Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình thì nhận được tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh 559 từ trần. Là thế hệ con cháu, được tiếp xúc với ông chỉ vài lần nhưng chúng tôi hụt hẫng trước sự ra đi của ông.

Vị Tướng gắn với đường Trường Sơn huyền thoại

Cũng không hiểu linh tính “mách bảo” điều gì, tôi bắt đầu viết bài tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019) bằng bài viết về ông trên Tạp chí Cầu đường Việt Nam, bài vừa duyệt xong hôm 20/3/2019. Chuyến đi công tác đầu tiên của năm 2019 cũng trở lại đường 12A.

Nhận xét về vai trò từng cá nhân trong lịch sử rất khó nhưng rõ ràng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để lại dấu ấn cá nhân rất rõ trong những năm tháng đấu tranh thống nhất đất nước. Thời đó, ông là Tư lệnh 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), Bộ Tư lệnh có nhiệm vụ đảm bảo cơ động việc chuyển quân, vũ khí, đạn dược, khí tài, vật chất kỹ thuật áp sát các mục tiêu lớn trên chiến trường. Đặc biệt, cuộc tiến công thần tốc, vũ bão của quân đội ta trong đại thắng Mùa Xuân 1975 được giải mã gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, và Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên.

Trong cuốn hồi ký “Đồng Sĩ Nguyên - Trọn một con đường” và “Đường xuyên Trường Sơn” của ông, lịch sử hình thành con đường huyền thoại được lý giải cặn kẽ. Bắt nguồn từ yêu cầu thực tế chiến trường, những năm 1964 - 1965 ô tô vận tải trên Trường Sơn đã có nhưng chưa thành tuyến, chỉ vận chuyển nhỏ lẻ từng cung đường, chặng đường theo từng tốp, từng đơn vị nhỏ.

Việc giao thông, vận tải trên địa bàn Trường Sơn núi cao, vực sâu…, địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, bộ đội phải trần mình ra giành giật từng cung đường, từng chuyến hàng. Trải qua nhiều trận chiến, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị hàng chục năm, tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã hình thành trên chiều dài hàng ngàn kilômét để đến trận chiến cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từng đoàn quân rầm rập tiến vào Sài Gòn qua tuyến đường Đông Trường Sơn-Tây Trường Sơn và dọc duyên hải miền Trung, làm nên thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc. Ông là Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn, gắn bó không chỉ với bộ đội Trường Sơn mà còn hàng vạn thanh niên GTVT tham gia mở đường trên hệ thống đường Trường Sơn lịch sử như đường 15A, đường 16, đường 18, đường 20 Quyết thắng...

img
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn suốt từ 1/1/1967 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn suốt từ 1/1/1967 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển tuyến đường huyền thoại, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp gắn bó, chỉ huy, không chỉ hoàn thành tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí, khí tài chiến tranh mà còn hoàn thiện đường ống dẫn xăng, dầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) vào tận Nam Bộ chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.

Trực tiếp “nếm mật, nằm gai” ngoài trận tuyến, có mặt trong khói đạn, trên những cung đường sạt lún vì mưa rừng Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi thì hội ý Bộ Tư lệnh đưa ra những chỉ lệnh, giải pháp cấp bách đáp ứng thực tiễn chiến trường, những chỉ lệnh kịp thời khắc phục sự cố hỏng đường, hỏng xe, khi khác lại có mặt trong những cánh rừng động viên bộ đội.

Trước Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có Thượng tá Võ Bẩm (Đoàn trưởng 559 đầu tiên), Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ (Tư lệnh 559 đầu tiên, khi Đoàn 559 được nâng lên cấp Sư đoàn) nhưng phải đến khi Đồng Sĩ Nguyên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn mọi thứ bước sang “bước ngoặt” mới.

Điều khác biệt căn bản nhất của ông là tư duy chiến lược để thực hành ra con đường và hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, mà cho đến tận bây giờ vẫn còn những câu hỏi lớn không chỉ phía ta mà cả phía đối phương.

img
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng kinh qua Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Một Bộ trưởng GTVT tài năng, đức độ

Sau khi đất nước thống nhất, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng kinh qua nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng…. Dù ở vị trí công tác nào ông luôn khẳng định vai trò, bản lĩnh một vị tướng tiêu biểu của Quân đội, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Chiều 4/4 sau khi báo chí đưa tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời, chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm với ông. “Có lẽ, ít có mảnh đất nào trên tuyến lửa Quảng Bình năm xưa không in dấu chân ông”, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Phạm Quang Hải cho biết. Suốt từ năm 1967 - 1975, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn bó với các tuyến đường chiến lược thuộc hệ thống đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại.

Không chỉ vậy, sau Hiệp định Pari 1973, ông thường xuyên có mặt, chỉ đạo các công trình cầu, phà trên đất Quảng Bình như cầu Dài, phà sông Giang, phà Ròn... để khôi phục lại hệ thống giao thông, phục vụ giải phóng đất nước. Không chỉ vậy, sau này làm cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng, ông gắn bó với cả giai đoạn 1 xây dựng đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 1982, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị được Quốc hội nhất trí phê chuẩn kiêm chữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT. Ông làm Bộ trưởng từ năm 1982 đến năm 1986. Đây là thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, trước đổi mới nhiều khó khăn gay gắt. Thậm chí, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc còn chưa ngơi tiếng súng.

Hình ảnh Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên khảo sát các tuyến đường biên giới phía Bắc, trên các công trình xây dựng cầu Thăng Long, cầu Chương Dương (Hà Nội) còn in đậm trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, kỹ sư ngành GTVT.

“Lĩnh vực hàng hải, tôi nhớ hình ảnh của Bác đội chiếc mũ cối, nắng mưa, sớm khuya, chỉ huy chiến dịch vận chuyển gạo bằng tàu biển từ Nam ra Bắc trong những năm 80 khi miền Bắc thiếu gạo, rồi những tháng ngày Bác chỉ đạo triển khai đóng tàu Xi măng lưới thép, tiếp đến là chủ trương vận tải biển pha sông...”, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam TS. Bùi Thiên Thu, con trai cố Bộ trưởng TS.Bùi Danh Lưu kế nhiệm Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ khi nghe Tin trung tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời.

“Tết Kỷ Hợi 2019, tôi đưa mẹ tới thăm và chúc Tết bác Đồng Sỹ Nguyên, tuy mệt nhưng bác vẫn nâng ly rượu vang, hỏi han tình hình ngành GTVT, ngành Hàng hải nước nhà. Tôi nói: "Thưa bác, nay đội tàu biển của ta đã có hơn 1.600 tàu, đội tàu pha sông biển cũng khoảng gần 1.700 chiếc, so với gần bốn chục năm trước khi bác chỉ huy chiến dịch chở gạo, nay ngành Vận tải biển của ta đã thay đổi khá nhiều, đóng góp tốt cho lưu thông, vận chuyển hàng hoá Bắc- Nam ...". Bác rất vui và dặn tôi: "Cháu gắng phát huy truyền thống gia đình, góp phần đưa ngành Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa phát triển, đây là một ngành rất quan trọng của kinh tế nước ta đấy...!", TS. Bùi Thiên Thu cho biết.

Tôi có may mắn, năm 2013 được gặp ông 2 lần khi làm phim “50 năm Vietfracht”. Khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Bộ trưởng GTVT đất nước còn bị bao vây cấm vận. Tuy nhiên, bằng nhiều quyết sách, vận tải biển Việt Nam đã góp phần giúp đất nước “phá” thế bao vây cấm vận, từng bước phát triển đội tàu bằng nhiều chính sách mới.

Ông luôn đau đáu với những con đường. Dường như ông đã “ký thác cuộc đời” với những con đường, từ con đường “máu và hoa” cho đến con đường hòa bình và no ấm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.