Xã hội

Trưởng ban Dân nguyện nói gì việc 206 ĐB phản đối "uống rượu không lái xe"?

03/06/2019, 18:21

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về việc 206 ĐBQH bấm nút phản đối quy định "uống rượu không được lái xe".

img
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Chiều 3/6, sau 2 lần lấy ý kiến thông qua hình thức bấm nút điện tử, trên 200 ĐBQH vẫn thể hiện quan điểm không tán thành với quy định "đã uống rượu bia không được điều khiển phương tiện giao thông", được dự kiến sẽ bổ sung vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc lấy ý kiến này chỉ là bước thăm dò, trước khi xem xét thông qua Luật này thì Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình sau khi tiếp thu.

Khẳng định luôn ủng hộ việc đã uống rượu bia thì không được tham gia điều khiển phương tiện giao thông, bất kể với nồng độ là bao nhiêu, bà Hải cho biết bản thân đã bấm nút chọn phương án 1: "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn".

“Trong báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng mong muốn Quốc hội sẽ ra nghị quyết riêng về xử lý hành vi vi phạm các quy định ATGT liên quan rượu bia”, bà Hải cho hay.

Đối với ý kiến cho rằng cấm tuyệt đối việc uống rượu bia khi lái xe sẽ không khả thi, bà Hải hỏi ngược lại: "Tại sao khó khả thi? Vấn đề chỉ là do tổ chức thực hiện thôi. Rõ ràng là thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm liên quan đến việc lái xe sau khi uống rượu bia khiến dư luận bàng hoàng. Chúng ta cần có thái độ rất rõ về việc này".

Về thời gian quảng cáo rượu bia trên truyền hình, phát thanh, bà Hải cho biết đã bấm nút lựa chọn phương án cấm quảng cáo trong khung giờ rộng hơn, từ 18-21h. Cũng như vậy, bà Hải cho rằng cấm bán rượu bia sau 22h (để tiêu dùng tại chỗ) là hợp lý.

Trả lời câu hỏi về việc có hay không việc vận động hành lang xung quanh dự Luật “nhạy cảm” này, bà Hải cho biết không nhận được thông tin này.

“Quốc hội chủ yếu nhận phản ánh của cử tri về việc sử dụng rượu bia gây TNGT rất bức xúc. Cùng đó là phản ảnh của Hiệp hội bảo vệ sức khỏe, Liên minh phòng chống bệnh lây nhiễm”, bà Hải nói và nhấn mạnh: Việc Quốc hội lấy ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau ngày hôm nay là căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình.

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu với 3 nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm: quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông; quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ; khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình. Mỗi nội dung được thiết kế hai phương án để đại biểu lựa chọn.

Quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (nêu tại khoản 8 điều 5) được xin ý kiến ĐBQH gồm 2 phương án là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" hoặc "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn".

Kết quả cho thấy không phương án nào được lựa chọn đạt quá bán số phiếu biểu quyết. Cụ thể, có 48,76% đại biểu đồng ý phương án 1; 49,59% đại biểu đồng ý phương án 2 (206 ĐB).

Với nội dung về thời gian bán rượu, bia, phương án "bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau" có 224 đại biểu đồng ý (46,28%), còn phương án "không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ" có 214 đại biểu nhất trí (44,21%). Như vậy, cả hai phương án trên đều không nhận được quá 50% số phiếu đồng ý.

Về khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, có 351 đại biểu (72,52%) đồng ý quy định "không được quảng cáo từ 18h đến 21h hàng ngày". Trước đó, hai phương án để đại biểu lựa chọn khung thời gian là "từ 18h đến 21h" hoặc "19h đến 20h hàng ngày".

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội lần đầu vào cuối năm 2018, qua hai lần thảo luận tại hội trường, dự kiến được các đại biểu bấm nút thông qua vào ngày 14/6. Tuy nhiên, vừa qua một số ý kiến đặt vấn đề dự Luật này "đã bị tác động".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.