Chuyển công an xử lý gian lận đấu giá
Bộ Công an đang tiếp tục lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về đấu giá biển số xe. So với các quy định đang triển khai đấu giá biển số xe ô tô, lần đầu tiên cơ quan chức năng đề xuất thêm nội dung về đấu giá biển số mô tô, xe gắn máy.
Theo dự thảo này, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá vẫn duy trì ở mức 40 triệu đồng. Còn giá khởi điểm của một biển số mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá là 5 triệu. Các mức giá này đồng thời là mức tiền đặt trước để người chơi tham gia đấu giá.
Quá trình đấu giá, khách hàng phải tuân thủ bước giá đối với đấu giá biển số xe ô tô là 5 triệu, đối với đấu giá biển số mô tô, xe gắn máy là 500.000 đồng.
Đáng chú ý, trong dự thảo đang lấy ý kiến, Ban Soạn thảo của Bộ Công an đề xuất các trường hợp dừng cuộc đấu giá, truất quyền tham gia đấu giá và xử lý tình huống phát sinh.
Theo đó, tổ chức đấu giá tài sản buộc phải dừng cuộc đấu giá trong các trường hợp sau: Bộ Công an yêu cầu dừng khi có căn cứ cho rằng tổ chức đấu giá vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; người tham gia đấu giá vi phạm quy chế đấu giá; sự kiện bất khả kháng. Bộ Công an sẽ quyết định việc thực hiện tổ chức đấu giá lại sau khi đáp ứng đủ điều kiện tổ chức đấu giá theo quy định.
Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá theo đề xuất của dự thảo lần này gồm:
Một là, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.
Hai là, thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Ba là, cản trở hoạt động đấu giá tài sản, có hành vi sử dụng công cụ tác động đến quá trình trả giá hoặc kết quả cuộc đấu giá; gây nhiễu loạn cuộc đấu giá; cho người khác truy cập, tham gia trả giá từ tài khoản đăng nhập của mình mà không có ủy quyền hợp lệ.
Bốn là, đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
Năm là, các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người tham gia đấu giá có dấu hiệu sử dụng các thao tác, thủ thuật, thiết bị, phần mềm tác động vào hệ thống đấu giá gây ảnh hưởng tới diễn biến, tính năng, hoặc làm thay đổi kết quả của cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá cần báo cáo Bộ Công an dừng công nhận kết quả đấu giá, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bỏ cọc sẽ bị cấm đấu giá trong 12 tháng
Trao đổi với PV Báo Giao thông liên quan dự thảo nêu trên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết, tính đến ngày 10/8, cơ quan chức năng đã đưa ra đấu giá tổng số gần 1,2 triệu biển số xe ô tô các loại.
"Tổng số tiền mà những người trúng đấu giá đã nộp vào tài khoản chuyên thu để nộp ngân sách Nhà nước là gần 2.900 tỷ đồng", đại diện Cục CSGT thông tin.
Theo vị này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, trong đó có quy định chính thức về đấu giá biển số xe. Đến nay, Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã được Bộ Công an triển khai nhanh chóng, kịp thời, bước đầu đạt hiệu quả cao, được dư luận đồng tình.
Điều đó để khẳng định việc đấu giá biển số xe ô tô là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời, khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số xe; đồng thời tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu giá biển số và luật hóa các nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15, dự thảo lần này bổ sung thêm nội dung đấu giá biển số mô tô, xe gắn máy nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Đối với tình trạng khách hàng "bỏ cọc" từng xảy ra trong hơn 200 ngày triển đấu giá biển số xe ô tô thời gian qua, Luật Trật tự, an toàn giao thông đã quy định rõ, người trúng đấu giá phải đủ tiền trong 30 ngày từ khi có thông báo kết quả trúng đấu giá.
Sau 30 ngày, khách hàng không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền thì biển số xe được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Đồng thời, người trúng đấu giá không được hoàn trả tiền đặt trước, tiền đã nộp và không được tham gia đấu giá biển số xe trong 12 tháng.
Nêu quan điểm về nội dung trên, luật sư Phan Văn Chiều (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho rằng, hành vi "bỏ cọc" làm mất uy tín của cuộc đấu giá, gây mất nhiều thời gian cũng như công sức của đơn vị tổ chức và cơ quan có liên quan.
Theo luật sư, ngoài chế tài cấm đấu giá trong 12 tháng như Luật Trật tự, an toàn giao thông đề cập, các cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu khách hàng chứng minh năng lực tài chính trước khi tham gia đấu giá, đảm bảo họ có đủ tiền để thanh toán mức giá đã đấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận