Trong hai ngày 13-14/3, Báo Giao thông đã đăng tải 2 bài viết Xe hợp đồng trá hình "len lỏi" trong doanh nghiệp tuyến cố định và Tràn lan vi phạm, nhiễu loạn vận tải phản ánh tình trạng các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định Kết Đoàn và Vân Anh, không chỉ cố tình cắt bớt “nốt” chạy trong bến xe, sử dụng xe hợp đồng “trá hình” vận chuyển khách mà còn vi phạm loạt quy định liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách như: Đi sai lộ trình được cấp phép, bỏ bến, thu giá vé cao hơn niêm yết, bắt khách dọc đường hay sử dụng xe trung chuyển trái phép…
Xe hợp đồng trá hình Kết Đoàn ngang nhiên treo biển mời khách như tuyến cố định phía trước Văn phòng đại diện số 122 Mỹ Đình sáng 15/3
Tiếp tục tái diễn vi phạm
Sau khi Báo Giao thông phản ánh, Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT các địa phương (TP Hải Phòng, Thanh Hoá) tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ rà soát, kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh.
Tuy nhiên, sáng nay (ngày 15/3), PV Báo Giao thông tiếp tục ghi nhận, nhà xe Kết Đoàn vẫn tái diễn vi phạm một cách ngang nhiên, “ngông cuồng” hơn trước.
Khoảng 9h kém cùng ngày, phía trước văn phòng đại diện nhà xe này ở 122 Mỹ Đình (ngay cạnh bến xe Mỹ Đình) xuất hiện một chiếc xe hợp đồng 16 chỗ BKS 14F - 001.04 dán biển hiệu “Kết Đoàn” phía đầu xe dừng chờ đón khách.
Phía cửa kính còn đặt biển “mời chào” với dòng chữ: Xe cao tốc Hải Phòng - Đón trả tận nơi” không khác gì chiếc xe tuyến cố định.
Đáng nói, 3 chiếc xe hợp đồng trá hình mà PV Báo Giao thông ghi nhận được của nhà xe Kết Đoàn BKS 14F - 001.13, 14F - 001.31, 14F - 001.04 chỉ là số ít trong đội xe hợp đồng trá hình của doanh nghiệp này khi theo lời nhân viên nhà xe từ 5h40 - 18h40, cách 1 tiếng có 1 chuyến từ Hà Nội - TP Hải Phòng và ngược lại.
Tiếp tục phản ánh tình trạng tái diễn vi phạm của những chiếc xe hợp đồng trá hình của nhà xe Kết Đoàn đến Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hải Phòng, lãnh đạo đơn vị này cho biết sẽ khẩn trương chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xử lý cùng những phản ánh của Báo Giao thông về vi phạm của xe chạy tuyến cố định thuộc doanh nghiệp này.
Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hoá cho biết đã chấn chỉnh, yêu cầu nhà xe Vân Anh không bỏ bến, thực hiện nghiêm quy định kinh doanh vận tải khách tuyến cố định
Về những vi phạm của nhà xe Vân Anh tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, chiều 14/3, ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hoá cho biết, đơn vị này đã nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký xe trung chuyển để được cấp phù hiệu cũng như đảm bảo đủ điều kiện mới được hoạt động.
Đồng thời, có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư phát triển ngành Nước và Môi trường (Đơn vị quản lý bến xe khách Nước Ngầm) về việc Công ty TNHH Du lịch & Vận tải Vân Anh (nhà xe Vân Anh) đăng ký tần suất khai thác trên tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh Thanh Hoá (bến xe phía Bắc TP Thanh Hoá) - Hà Nội (bến xe Nước Ngầm) và ngược lại.
Theo Sở GTVT Thanh Hoá, hiện, doanh nghiệp này đã giảm số chuyến khai thác từ 40 chuyến/ngày xuống còn 24 chuyến/ngày so với thời gian đầu khi hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT Thanh Hoá đã giải quyết thủ tục hành chính, cấp phù hiệu xe tuyến cố định cho 14 phương tiện của nhà xe Vân Anh để thực hiện khai thác trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, trong đó có 8 xe 10 chỗ và 6 xe 24 chỗ.
Đối với việc đón/trả khách tuyến cố định tại văn phòng đại diện 40 Lê Hoàn của nhà xe này mà không vào bến xe phía Bắc TP Thanh Hoá, ông Thuận cho biết, đã yêu cầu nhà xe này chấp hành nghiêm quy định đưa xe vào bến hoạt động và tháo dỡ văn phòng tại đây.
Dù là xe hợp đồng nhưng nhà xe Kết Đoàn lại gom khách lẻ, đón/trả khách dọc đường, thu vé từng người như tuyến cố định
Vì đâu doanh nghiệp tuyến cố định biến tướng?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trước đây, doanh nghiệp vận tải khách bằng xe hợp đồng chỉ chiếm từ 20-30% số phương tiện xe khách kinh doanh vận tải, còn lại là xe tuyến cố định.
Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê, tổng số xe khách tuyến cố định toàn quốc chỉ khoảng 25.000 xe. Trong khi đó, vận tải khách theo hợp đồng là 170.000 xe, gấp 6 lần.
"Điều này là bất hợp lý, dù kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu về xe hợp đồng có tăng nhưng không thể tăng nhanh, mạnh như vậy", ông Quyền nói và nhấn mạnh: Đây đa phần là xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc - vấn nạn trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay khiến nhiều địa phương đau đầu.
Sự “lộng hành” của xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định lao đao, bên bờ vực phá sản. Để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp này đã biến tướng, sử dụng các xe hợp đồng trá hình chở khách tuyến cố định, cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyên sử dụng xe hợp đồng trá hình. Điều này đã gây ra sự nhiễu loạn trong môi trường kinh doanh vận tải.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, quản lý xe hợp đồng đang trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Mang tên là xe hợp đồng nhưng lại bắt khách dọc đường, sử dụng một bản hợp đồng “khống” để hợp thức hoá.
Với lợi thế là những chiếc xe nhỏ, dễ luồn lách trong các tuyến phố, không bị kiểm soát theo một lộ trình cụ thể như những chiếc xe khách tuyến cố định, các xe này vô tư len lỏi vào các đường nhỏ để “đưa, đón khách tận nơi”, làm gia tăng lưu lượng giao thông tại khu vực đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong các chuyến đi.
Liên quan đến tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài thành lập văn phòng đại diện, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cũng từng thừa nhận, hiện nay, xe tuyến cố định tại nhiều địa phương đang bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km. Số lượng hành khách đi xe tuyến cố định giảm, không thu hút hành khách đi xe do để đến được bến xe hành khách phải đi xe buýt hoặc đi taxi khá tốn kém và bất tiện. Mật độ bến xe khách tại các địa phương thấp, nhiều địa phương có xu hướng di chuyển bến xe khách ra xa khu vực trung tâm.
Đây là một trong những nguyên nhân xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động tự do, thành lập văn phòng đại diện để hoạt động ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị, từ đó dẫn đến bến cóc, xe dù ngày càng phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận