Văn hóa - Giải Trí

Truyện ngắn: Phóng viên thực tập

22/06/2020, 06:41

Nếu viết đúng thì một vài vết sẹo trên cơ thể sẽ chẳng là cái gì so với lòng yêu nghề...

img
Minh họa: ND

Tuấn đến cổng tòa soạn vào lúc 7 giờ 15 phút.

Sớm quá! Các cơ quan hành chính sự nghiệp thường làm việc sau 8 giờ. Riêng các tòa soạn báo có khi còn làm việc muộn hơn. Tuấn đã có dịp đến một vài tòa soạn ở Hà Nội để gửi bài và lấy nhuận bút, hầu như các báo đó đều làm việc rất muộn. Còn bây giờ trước mặt Tuấn là tòa báo tỉnh. Tuấn đã lấy giấy giới thiệu của nhà trường để xin về báo tỉnh nhà thực tập. Chính tờ báo này đã in lại bài văn được điểm 10 của Tuấn khi còn là học sinh lớp 6 và điều đó khiến Tuấn mơ ước trở thành nhà báo. Bây giờ Tuấn học đến năm cuối rồi. Tuấn muốn được thực tập ở tòa báo này và nếu có thể thì sau này ra trường sẽ xin về đây công tác.

Nhưng bây giờ còn sớm quá. Vào tòa soạn lúc này chưa chắc đã gặp được ai. Tuấn nhìn ngó xung quanh rồi bước vào một quán cà phê nằm xế bên kia đường. Làm một ly cà phê sữa ngồi chờ vậy. Ngay sau cái vẫy tay của Tuấn là ly cà phê được mang ra đặt trên bàn, bốc hơi ngào ngạt. Vẫn còn tờ báo đọc dở đang để trong chiếc cặp da có dây đeo ngang vai. Tuấn lấy tờ báo ra vừa đọc vừa chờ cà phê nhỏ giọt từ ly nhôm xuống cốc thủy tinh. Đây rồi. Bài báo Tuấn đang đọc dở: “Khi nhà báo vào vai con nghiện”. Với Tuấn lúc này, bất cứ bài viết nào liên quan đến nghề báo cũng đều rất đáng đọc. Tuấn học tập được từ đó nhiều điều không có trong giáo trình…

- Này, cậu cho mình xem qua tờ báo ấy một tí được không?

Tuấn quay đầu lại. Người đàn ông vừa vỗ vai Tuấn hỏi mượn tờ báo có đôi mày xếch ngược lên, trông rất ấn tượng. Ông ta khoảng ngoài bốn mươi, quần áo hơi nhàu, tóc buông tự nhiên, xách chiếc túi khoác kiểu tay nải. Không chờ Tuấn trả lời, ông ta kéo ghế ngồi xuống. Tuấn đưa báo cho ông ta, lễ phép:

- Chú xem đi ạ.

- Cảm ơn! - Người đàn ông cầm tờ báo lên, mở xem qua một lượt.

- Số này chú thích bài nào? - Tuấn hỏi.

- À - Người đàn ông trả lại tờ báo cho Tuấn - Bài “Nhà báo vào vai con nghiện” này có vẻ đọc được. Ít ra thì cũng tránh được cái bệnh salông.

- Là không chịu đi, cứ ngồi một chỗ mà phịa ra hả chú?

Người đàn ông xoáy cái nhìn vào Tuấn:

- Cậu còn đi học hay đi làm rồi?

- Dạ, cháu là sinh viên năm cuối, khoa báo chí ạ.

Người đàn ông cho đá vào cốc cà phê của mình, ngoáy đều rồi đưa lên miệng uống một ngụm.

- Viết được nhiều chưa?

- Dạ, vài bài thôi ạ.

- Thể loại?

- Dạ, toàn mấy bài hồi ức, kỷ niệm vớ vẩn. Cháu chưa viết phóng sự bao giờ.

- Quan trọng là hay...

- Nhưng cháu thích viết phóng sự. Kiểu như thế này này… - Tuấn chỉ vào bài viết mà người đàn ông vừa cho là “có vẻ đọc được”

- Còn trẻ, thích dấn thân vào nghề là tốt.

- Tác giả bài báo này phải trả giá khá đắt đấy chú ạ - Tuấn tiếp tục câu chuyện. Không hiểu sao cậu rất có hứng thú nói chuyện với người đàn ông này - Tác giả đã bị bọn nghiện quây đánh khi chụp ảnh chúng nó và anh ta phải mang trên mặt vết sẹo dài gần mười xăng ti mét…

- Trong tòa soạn này cũng có những người như thế - Người đàn ông chỉ vào tòa báo tỉnh - Có người đi theo bọn buôn bán phụ nữ qua biên giới, tí nữa bị chúng nó chọc tiết…

Tuấn tròn mắt:

- Thế ạ? Bị chúng nó phát hiện ra à? Làm sao mà thoát được?

- Chuyện ly kỳ lắm - Người đàn ông đặt cốc cà phê xuống bàn, kể - Lần ấy, phóng viên của báo la cà thế nào mà lọt vào được nhóm người chuyên dụ dỗ đưa người qua biên giới. Phóng viên báo cáo với bên công an. Họ liền mở chuyên án để bắt bọn người này. Phóng viên kia trở thành đặc tình của vụ án.

- Đặc tình là gì ạ?

- Là… là hoạt động theo kiểu… tình báo đặc biệt! - Người đàn ông có vẻ hơi khó giải thích - Đại loại là cắm người vào lòng địch, khi nào thuận lợi thì giăng lưới bắt một mẻ. Tạm hiểu như thế là được…

- Rồi thế nào ạ?

- Phóng viên trở thành một mắt xích của chuyên án. Sau này phóng viên cứ việc kể lại tất cả những gì mình chứng kiến thôi cũng đủ làm bạn đọc hồi hộp đến phát run lên. Báo ra tới năm, sáu kỳ mới hết chuyện. Dân tình được một dịp xôn xao…

Tuấn nghĩ rằng người đàn ông này chắc đã đọc loạt bài ấy. Và ông ta rất tâm đắc với kiểu làm báo như thế. Tuấn hỏi:

- Nhưng rồi làm sao mà nhà báo lại bị bọn buôn người phát hiện?

- Theo kế hoạch, khi những người phụ nữ bị đem bán bước chân xuống thuyền vượt sông sang bên kia biên giới thì công an sẽ ập đến bắt. Nhưng hôm ấy bọn buôn người lại chuyển địa điểm đến một khúc sông khác, hiểm yếu và bất ngờ hơn. Phóng viên tìm mọi cách để báo tin cho công an, kể cả vờ bị đau bụng, vờ quên cái này quên cái nọ để cố tình làm chậm chuyến đi lại nhưng vẫn không được. Cuối cùng, phóng viên nhờ chủ nhà trọ chuyển tin đến cho công an nhưng không ngờ bị bọn chúng phát hiện. Chúng ép phóng viên lên thuyền ra giữa sông, trói lại, định thủ tiêu bằng cách… chọc tiết rồi thả trôi sông. Nhưng phóng viên đã lợi dụng mũi dao của chúng nó để cứa đứt dây trói trên tay mình rồi lao xuống sông bơi về bờ…

- Vậy là bọn buôn người thoát sang bên kia biên giới?

- Không. Thoát làm sao được. Công an và biên phòng của ta đã phối hợp với công an và biên phòng của bạn rồi. Họ giăng lưới chờ sẵn dọc bờ sông bên kia. Khi bọn buôn người thò đầu lên là họ bắt ngay. Sau đó, họ trao trả lại cho bên ta. Lần ấy, ta đã bóc gỡ được cả một đường dây buôn người lớn với rất nhiều “vòi bạch tuộc” tỏa về các tỉnh, thành chuyên dụ dỗ phụ nữ nhẹ dạ…

- Còn phóng viên kia thì sao?

- Thì được một phen hú vía chứ sao! - Người đàn ông bật cười rồi đưa cốc cà phê lên miệng, nuốt trọn một viên đá lạnh - Đó chỉ là một lần tác nghiệp của phóng viên thôi. Còn nhiều lần như thế nữa chứ…

- Thế vụ ấy phóng viên có bị thương không ạ? - Tuấn thắc mắc.

- Có chứ. Nhưng những vết thương trên cơ thể bao giờ cũng dễ lành hơn những vết thương trong tâm hồn.

- Nghĩa là sao ạ? - Tuấn hỏi lại.

- Nếu viết đúng thì một vài vết sẹo trên cơ thể sẽ chẳng là cái gì so với lòng yêu nghề. Nhưng nếu viết sai, làm hại một ai đó thì sẽ là một vết thương lòng rất lớn. Vết thương ấy thật khó liền sẹo…

Người đàn ông lại đưa cốc cà phê lên miệng. Tuấn nhìn thấy cánh tay của ông ta nổi lên một vết sẹo dài, chạy vắt qua khuỷu, như một con lươn màu đỏ bầm. Ông này là ai mà có vẻ hiểu nghề báo ghê? Tuấn hỏi:

- Chú có quen ai là nhà báo không?

Người đàn ông gật đầu:

- Rất nhiều.

Đúng lúc đó ông ta có điện thoại. “Rồi, rồi, ôkê. Đúng 15 phút nữa sẽ có mặt”. Người đàn ông nói xong, tắt điện thoại, cho vào túi rồi đứng dậy bỏ đi. Tất nhiên ông ta không quên chào Tuấn:

- Tớ phải đi có việc tí đã. Ra tòa án làm chứng. Nếu có duyên sẽ gặp lại cậu. Chào chàng trai nhé!

Tuấn gật đầu chào lại. Từ lúc nhìn thấy vết sẹo chạy dài trên cánh tay của ông ta, tự nhiên Tuấn có cảm giác ngài ngại. Con người này có vẻ từng trải và đôi mày xếch ngược của ông ta cho thấy ông không thuộc tuýp người hiền lành. Có lẽ đó là một tay anh chị ở thành phố này cũng nên? Bình thường chẳng ai dính líu tới tòa án làm gì! Tuấn vội nhìn đồng hồ. Vào được rồi. Nãy giờ Tuấn cũng đã thấy lác đác có người dắt xe vào cổng tòa soạn. Chắc đã có người làm việc(?)

Thủ tục sau đó rất đơn giản. Nhìn qua tờ giấy giới thiệu của Tuấn, hỏi đôi câu về hoàn cảnh gia đình, xong tổng biên tập chỉ cho Tuấn xuống tầng một. “Cứ xuống đó đi, chú sẽ gọi điện cho họ. Thế nhé”. Tuấn lò dò tìm đến phòng có tấm biển đề “Phòng xã hội”. Phòng chả có ai ngoài một cô gái không trẻ mà cũng chưa già đang ngồi hí húi trước một chiếc máy tính được trang trí lòe loẹt. Nụ cười của cô gái đó thì thật tươi nhưng khuôn mặt của cô lại có vẻ không chuẩn bị cho việc tiếp khách. “Anh hỏi ai?”. “Em là sinh viên thực tập, chú tổng biên tập bảo em bắt đầu từ hôm nay về phòng này làm việc ạ”, Tuấn trình bày một cách lễ phép.

- Thế thì ngồi kia đi. Chờ trưởng phòng về. Tớ đang bận một tí - Cô gái chỉ vào bộ bàn ghế ở góc phòng rồi quay người lại tiếp tục hí hoáy với cái máy tính.

Tuấn e dè bước đến bên chiếc ghế salông bọc da sờn ngai, ngồi xuống chờ đợi. Mười lăm phút trôi qua. Cô răng khểnh vẫn không thèm quay lại. Tuấn tự lấy nước lọc ở trong bình uống. Thây kệ. Đã đến nước này thì không thể lịch sự được nữa. Khát quá rồi. Mà chờ cô ta mời mình uống nước thì chắc còn lâu. Trưởng phòng đi đâu lâu thế? Giao ban biên tập chăng? Tiếp khách chăng? Ăn sáng chăng? Lai rai cà phê bên kia đường cho tỉnh táo trước khi bước vào một ngày làm việc nhàm chán và mệt mỏi chăng? Ôi chao, Tuấn đặt ra một loạt giả thiết để giết thời gian chờ đợi nhưng có vẻ như chẳng giả thiết nào đúng cả. Hai mươi phút trôi qua rồi. Tuấn lôi điện thoại di dộng ra nghịch trò chơi cài đặt sẵn trong đó. Lại hai mươi phút nữa trôi qua. “Này, báo mới này!”, một thanh niên đi qua phòng đặt lên bàn tập báo còn thơm phức mùi mực mới. Cô gái ngẩng đầu dậy và lúc này cô mới nhớ ra là trong phòng có Tuấn đang ngồi chờ.

- Xin lỗi nhá. Tớ mải làm nốt cái bài được phân công nên quên mất bạn - Cô gái đứng dậy cầm tập báo, lấy ra một tờ đưa cho Tuấn - Đọc đi. Báo mới ra hôm nay đấy.

Tuấn mỉm cười nhã nhặn, đưa tay nhận tờ báo nhưng không đọc mà quay sang hỏi cô gái:

- Bao giờ trưởng phòng mới về hả chị?

- Tớ cũng không biết nữa. Trưởng phòng ít có mặt ở nhà lắm. Có khi lại đang theo đuổi một vụ nào đó rồi cũng nên.

- Chú ấy là lãnh đạo phòng, phải ở nhà để giải quyết công việc chứ?

- Sự vụ lặt vặt thì đã có phó phòng giải quyết. Trưởng phòng chỉ thích làm công việc của phóng viên thôi. Mấy tháng trước lại vừa có loạt bài về đường dây vận chuyển ma túy lớn nhất vào thành phố này đấy. Trưởng phòng là người ưa mạo hiểm mà.

- Mạo hiểm?

- Chứ sao. Mấy lần suýt chết ấy chứ.

- Và có lần suýt bị chọc tiết trên sông?

- Phải rồi. Sao bạn biết?

- Và cánh tay của trưởng phòng vẫn còn vết sẹo dài như một con lươn lúc nào cũng đỏ bầm?

Lần này thì cô gái trợn tròn mắt nhìn Tuấn. Rồi cô bỗng bật cười khúc khích:

- Gớm! Bạn biết trưởng phòng rõ thế còn trêu tớ. Hì, hì…

Tuấn đứng dậy:

- Cảm ơn chị. Bây giờ em đến chỗ trưởng phòng đây.

Cô gái nhíu mày:

- Bạn không nói đùa đấy chứ?

Tuấn mỉm cười, giọng hào hứng:

- Về mặt lý thuyết, coi như em đã được trưởng phòng trực tiếp hướng dẫn thực tập rồi. Bây giờ trưởng phòng đang ở tòa án. Em ra đấy để học tiếp phần thực hành.

Cô gái như chợt nhớ ra:

- Đúng rồi. Hôm nay trưởng phòng ra tòa làm chứng. Vậy mà mình quên béng đi mất. Mà này, mới vào nghề tốt hơn hết là đừng vội theo trưởng phòng. Cái mặt kia mà mang sẹo thì uổng lắm…

Tuấn ưỡn ngực:

- Nếu viết đúng thì một vài vết sẹo trên cơ thể sẽ chẳng là cái gì so với lòng yêu nghề. Sợ nhất là viết sai, làm hại một ai đó, vết thương lòng ấy mới khó liền sẹo…

Cô gái sửng sốt:

- Câu này nghe quen quen…?

Tuấn gật đầu:

- Bài học của ngày thực tập đầu tiên đấy. Thôi, cảm ơn chị, em ra chỗ trưởng phòng đây.

Tuấn bỏ đi ra khỏi phòng.

Cô gái nhìn theo, lẩm bẩm:

- Lại một ông kễnh con nữa lao đầu vào cái nghề này. Gớm! Rồi xem. Cứ làm như dễ xơi lắm đấy!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.