Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không ngừng leo thang, truyền thông nhà nước cùng nhiều nhà cố vấn chính phủ không chỉ kêu gọi Bắc Kinh không vội vàng đi đến thoả thuận thương mại với Washington mà còn cảnh báo, bất cứ hành động nhượng bộ nào đối với Mỹ đều sẽ trở thành sai lầm nghiêm trọng.
Không yếu mềm trước Mỹ
Một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hối thúc, Bắc Kinh cần cứng rắn trước Mỹ và không nên khuất phục trước áp lực mà Mỹ đang ngày càng đè nặng.
Trong bài viết, Giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Renmin Jin Canrong và nhà nghiên cứu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Sun Xihui nhận định: “Một khi Trung Quốc tỏ ra yếu đuối và nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, nó sẽ trở thành sai lầm lịch sử”.
“Khi đối mặt với áp lực cực lớn cũng như hành vi doạ dẫm, việc tỏ ra yếu đuối, lùi bước sẽ không nhận được sự thông cảm. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và người dân bằng cách kiên quyết giữ lý trí và đấu tranh phù hợp”, xã luận cho hay.
Cũng trong bài bình luận, hai nhà nghiên cứu kêu gọi Trung Quốc từ bỏ lối suy nghĩ tôn vinh và sợ sệt Mỹ vì nó sẽ dẫn tới cách nghĩ Bắc Kinh dễ bị đánh bại. Thay vào đó, Trung Quốc cần tỏ ra quyết tâm để tiếp tục đấu tranh cho đến khi chiến thắng.
Bài xã luận được đưa ra chỉ ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp dụng thêm các vòng trừng phạt thuế mới trong cuộc chiến thương mại không ngừng leo thang suốt 14 tháng qua. Quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng, tai nghe Bluetooth và tivi là những đồ dùng thường ngày nằm trong lệnh tăng thuế 15% đối với hàng hoá Trung Quốc với trị giá 110 tỉ USD.
Ngoài ra, đợt trừng phạt thuế tiếp theo mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang treo lơ lửng, dự kiến áp dụng vào ngày 15/12 tới, áp thuế đối với gần như tất cả các hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ còn bỏ ngỏ.
Nhiều kênh truyền thông khác của Trung Quốc cũng có những bình luận mạnh mẽ tương tự. Chẳng hạn, trên tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo có bài xã luận nhận định đợt áp thuế mới là “bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại” với Mỹ.
Theo Thời báo Hoàn cầu, việc áp thuế đối với các hàng hóa tiêu dùng hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ. Điều này cũng cho thấy Washington gần như không còn cách nào khác nào ngoài dùng đòn đánh thuế. “Nền kinh tế Mỹ không thể duy trì được sự thịnh vượng trên bề nổi, thậm chí đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh. Chính quyền Trump đã tự bắn vào chân người Mỹ”, tờ báo này viết.
Hiện tại, chính phủ Bắc Kinh vẫn tỏ ra không lép vế trước Washington, khi liên tục bám sát lịch trình tung cú đấm thuế của Mỹ để đáp trả lại. Nước này cũng tăng thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ trị giá 75 tỉ USD vào cuối tuần qua, đồng thời dự kiến tăng các loại thuế khác vào ngày 15/12 tới.
Quốc vụ viện Trung Quốc cũng ra tuyên bố, cam kết tăng cường sự hỗ trợ về kinh tế nếu cần thiết. Điều này cho thấy chính phủ Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu tới cùng.
Vì sao đàm phán bế tắc?
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc không chỉ chuẩn bị để chống đỡ trước áp lực thuế của Mỹ mà còn có nhiều công cụ để chế ngự Mỹ. Theo ông Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, đất nước đông dân nhất thế giới có thể sử dụng các biện pháp phi thương mại như đòn bẩy đối với Triều Tiên và Iran để gây áp lực lên Mỹ.
Hay theo một nguồn tin Trung Quốc thân cận với chính phủ nước này được dẫn lời trên báo Bưu điện Hoa Nam, phía Bắc Kinh đang nắm trong tay một số công cụ ngoài thuế, nhưng mấu chốt ở đây là: Liệu có muốn căng thẳng leo thang nữa hay không trong khi các dữ liệu kinh tế cho thấy rõ sự mệt mỏi, chệch choạc trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. “Tôi không nghĩ, Trung Quốc có thể duy trì cuộc chiến kéo dài”, nguồn tin này chia sẻ.
Các cuộc đàm phán hoà giải chiến tranh thuế bế tắc suốt từ hồi tháng 5 tới nay. Mặc dù sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã họp bàn và đi tới một thoả thuận để nối lại đàm phán nhưng chưa có đà thúc đẩy đi tới hành động.
Lý giải về sự bế tắc này, ông Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc đã và đang duy trì ba nguyên tắc chính trong đàm phán, đó là: Mỹ phải loại bỏ các rào cản thuế, văn bản đàm phán phải công bằng, việc Trung Quốc mua các sản phẩm của Mỹ cần được quyết định theo các điều kiện nội địa.
Theo ông Shi, Mỹ đã yêu cầu tiếp tục duy trì một phần rào cản thuế quan đối với Trung Quốc đến sau cuộc bầu cử Tổng thống để buộc đất nước châu Á này tiếp tục giữ nhượng bộ nhưng phía Bắc Kinh không chấp nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận