Trao đổi bên lề Hội thảo Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: "Niềm tin và trách nhiệm” sáng nay 13/9, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài sắp được Bộ Tài chính ban hành.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia
Ông Nghĩa cho hay: Nghị định 153 được sửa đổi theo hướng an toàn hơn, chuyên nghiệp hơn và đặc biệt Ban soạn thảo muốn chuyển hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ thành trái phiếu phát hành ra công chúng, giảm tối thiểu trái phiếu riêng lẻ.
Điều này phù hợp với xu hướng chung trên thị trường thế giới và chuyên nghiệp hoá thị trường trái phiếu Việt Nam. Vì chỉ có phát hành ra công chúng mới làm được hai việc quan trọng là xếp hạng và giám sát. Mà không có xếp hạng thì không có thị trường trái phiếu và hai là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mới giám sát được, để thị trường hoạt động bình thường.
Tuy nhiên thời gian xét duyệt thủ tục phát hành ra công chúng quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Theo ông, có cách nào rút ngắn thời gian này không?
Hôm qua tôi có họp với với Thủ tướng Chính phủ, tôi cũng phát biểu ý kiến này. Đây là vấn đề đáng lo thực sự.
Khi khảo sát công suất xử lý hồ sơ của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì thấy họ có cả núi hồ sơ nhưng chỉ do Vụ Phát hành phụ trách. Nên với công suất hiện tại không có khả năng làm nhanh được.
Hồ sơ từ khi trình duyệt đến phát hành chỉ nên 1 tuần, chậm lắm 2 tuần thôi nhưng với công suất hiện nay của Vụ Phát hành phải mất 6 tháng đến 1 năm mới xong 1 bộ hồ sơ. Hồ sơ nhiều nhân lực ít, cộng với các thủ tục khác phức tạp vì họ sợ sai sót ảnh hưởng tới cá nhân nên đây là điều đáng lo ngại. Khi kiểm tra, còn có thủ tục kiểm tra lại cả bố mẹ ông bà của doanh nghiệp thì quá phức tạp!
Trong điều kiện hiện tại thì cầu toàn ở mức độ nào đó, còn lại để thị trường điều chỉnh.
Trong cuộc họp với Thủ tướng hôm qua, Bộ Tài chính cũng đồng tình và cho rằng cần có bước chuẩn bị đó là nâng xếp hạng và nâng công suất xử lý hồ sơ của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo tôi, cần cải tiến thủ thuật xét duyệt hồ sơ và cần liên kết với tổ chức nước ngoài để chuẩn hoá quy trình xếp hạng. Nếu ta tự làm thì lâu hơn và không chuẩn. Nhưng điều quan trọng hơn là người xem xét xếp hạng phải khách quan, minh bạch.
Hiện nay Việt Nam có 2 công ty xếp hạng nhưng còn khá xa so với chuẩn thế giới, nên khó tạo lòng tin thực sự cho nhà đầu tư.
Sau sự cố vụ việc trái phiếu của Tân Hoàng Minh vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và sợ hãi trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, giải pháp lấy lại lòng tin của họ?
Chúng ta đã từng có một bài học hay từ trái phiếu chính phủ trước kia. Khi đó, trái phiếu chính phủ chỉ phát hành được kỳ hạn ngắn 1-2 năm với lãi suất khá cao. Hồi đó trái phiếu phát hành chưa kịp chi tiêu đã phải đáo hạn, và liên tục có tình trạng phát hành mới đáo hạn cũ.
Lúc bấy giờ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đặt vấn đề là không chấp nhận trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn như thế, Thủ tướng đã yêu cầu phát hành kỳ hạn dài và lãi suất thấp.
Và lúc đó chúng ta chỉ mất 2 năm thôi. Từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm chúng ta đã phát hành được trái phiếu 10-15 năm như bây giờ. Điều quan trọng là dân chúng tin, mua dài hạn và chấp nhận lãi suất thấp.
Lần này, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần chủ trương chung như thế để doanh nghiệp phát hành trái phiếu dài hạn hơn 5 năm, 10 năm thậm chí 15 năm nếu không họ buộc phải đảo nợ, phải phát hành mới để trả nợ cũ.
Sắp tới, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý cần tạo lòng tin vững chắc hơn cho nhà đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ xếp hạng và xử lý hồ sơ phát hành, thanh tra giám sát để thị trường ổn định. Khi nhà đầu tư có lòng tin, doanh nghiệp phát hành được kỳ hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm mới là thành công của thị trường trái phiếu. Vì đây là thị trường vốn dài hạn, chủ chốt của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có một công cụ tương tự là thương phiếu nhưng theo ông vì sao ở Việt Nam doanh nghiệp vẫn chưa phát hành được?
Thị trường thương phiếu thất bại do ta đặt yêu cầu quá cao. Hơn nữa, muốn phát hành thương phiếu cần phải là doanh nghiệp lớn, có uy tín.
Ví dụ như thời điểm thị trường trái phiếu trong nước èo uột, Vingroup vẫn phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế và gọi được gần 1 tỷ đô la Mỹ. Đó là khi doanh nghiệp có uy tín.
Bên cạnh đó, thương phiếu là công vụ nợ phải mang đi chiết khấu được. Ví dụ, doanh nghiệp nắm thương phiếu có thể mang đến bán thương phiếu đó cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại cũng có thể cầm thương phiếu đó để đặt cọc vay vốn ở ngân hàng trung ương. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận