Thị trường

Từ 1/1/2022, doanh nghiệp phải làm gì để xuất được hàng vào Trung Quốc?

15/12/2021, 06:32

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Nhiều chuyên gia dự báo, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, thời gian đăng ký chỉ còn nửa tháng.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt phải tư duy lại, chấp nhận sự cạnh tranh chuyên nghiệp.

img

Kim ngạch nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc hiện mới chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ảnh: TTXVN

Thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biên pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.

Những quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất nông sản và thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, về ngắn hạn, doanh nghiệp Việt có thể gặp những khó khăn trước mắt như không thể xuất khẩu được nếu chưa được cấp mã doanh nghiệp vì một số lý do nào đó.

Tuy nhiên, về dài hạn, quy định mới sẽ dần buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn hóa các quy trình, từ bỏ thói quen coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính” và không chịu thay đổi.

Bà Hương cho rằng, khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các doanh nghiệp Việt mặc nhiên tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định, thì với thị trường Trung Quốc, đã đến lúc cần phải làm điều tương tự nếu không muốn đánh mất thị trường “cả thế giới thèm khát”.

Loay hoay mấy tháng nay để hiểu các quy định mới và hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ đăng ký mã doanh nghiệp, mã vùng trồng, bà Hồ Thị Ngọc, Phó tổng giám đốc đối ngoại và hợp tác quốc tế, Công ty CP Đầu tư thương mại XNK phân phối Sun Hee DC Group (đơn vị kết nối thương mại các thị trường) nhìn nhận, thị trường Trung Quốc đã không còn “dễ tính”.

Bà Ngọc cho biết, việc đăng ký không chỉ có kê khai, mà phải đảm bảo được các quy trình đúng như các Lệnh yêu cầu, bởi nếu không sẽ bị thu hồi hoặc phạt nặng.

Việc này khiến các công ty nhỏ gặp khó khăn rất nhiều khi phải chạy nước rút hoàn thiện các yêu cầu về nhà xưởng, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất...

“Trung Quốc đang nâng mức độ kiểm soát an toàn thực phẩm từ vườn trồng đến bếp ăn, trong khi xuất khẩu của Việt Nam từ trước đến nay đường tiểu ngạch chiếm ưu thế, doanh nghiệp chỉ cần quan tâm đến đàm phán được đơn hàng. Bởi vậy, việc xây dựng một quy trình đúng chuẩn không dễ và cần có lộ trình. Đặc biệt, cần có sự hướng dẫn cụ thể và kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Ngọc nói.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam, Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc đang có thay đổi lớn đối với thị trường nhập khẩu từ nước ngoài. Thực tế trong 10 tháng năm 2021, nước này đã có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để thực hiện nhiệm vụ những năm tiếp theo, các doanh nghiệp phải đặt mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt cao hơn việc bán hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp để xây dựng một chiến lược tổng thể với kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, cần sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà còn phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào thị trường này như Thái Lan, Indonesia…


“Do đó, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc”, ông Nam khuyến cáo.

Ông Nam cũng cho biết, phía Hải quan Trung Quốc cũng đưa ra quy định phạt tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 36 triệu đồng) cho việc kê khai hồ sơ không đúng theo quy định.

Hơn nữa từ ngày 1/1/2022, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng xuất khẩu sẽ không được thông quan.

Theo ông Nam, việc được cấp mã đã rất khó, duy trì nó còn khó hơn khi với quy định mới, các nhà nhập khẩu thực phẩm phải thiết lập hệ thống ghi chép nhật ký nhập khẩu và tiêu thụ thực phẩm, ghi chép trung thực tên thực phẩm, trọng lượng thực/quy cách, số lượng, ngày sản xuất, số lô sản xuất/nhập khẩu, hạn sử dụng, tên và địa chỉ nhà xuất khẩu nước ngoài và người mua hàng, thông tin liên hệ, ngày giao hàng… và lưu các chứng từ liên quan.

Thời hạn bảo quản hồ sơ, chứng từ không dưới 6 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng thực phẩm, nếu không rõ hạn sử dụng thì thời hạn bảo quản trên 2 năm kể từ ngày bán.

Nhưng chỉ cần cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra đột xuất phát hiện có công nhân đeo khẩu trang không đúng cách, nhà máy có mạng nhện, không có kệ đặt hàng… là có thể bị xử lý, thậm chí thu hồi mã đăng ký.

Lúc đó, doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ mới tiếp tục được xuất khẩu.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết, chỉ riêng mặt hàng nông sản, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng trên 160 tỷ USD.

Song kim ngạch nông sản của Việt Nam sang thị trường này chiếm chưa đến 10% trong số đó, chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD.

Cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc bởi vị trí địa lý 2 nước “núi kề núi, sông liền sông”, ông Sơn nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần thay đổi”!

“Chỉ 3 - 5 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ đưa hoạt động thương mại biên mậu theo đường tiểu ngạch về đúng bản chất của nó. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường bằng thói quen cũ thì chắc chắn là sẽ để mất đi một thị trường có nhu cầu hàng hóa ở mức khổng lồ...”, ông Sơn nói.

Những quy định theo Lệnh 248 và 249

Theo các quy định mới của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại này, doanh nghiệp sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện.

Có 5 cơ quan thuộc 3 Bộ gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương) mới có thẩm quyền đăng ký, tổng hợp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu để gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu 4 loại sản phẩm: Thịt, chế phấm thịt; thủy sản, sữa; tổ yến và chế phẩm từ tổ yến, đăng ký của doanh nghiệp tiếp tục có hiệu lực.

Với doanh nghiệp xuất khẩu 14 sản phẩm: Ruột (lòng); sản phẩm ong; trứng và chế phẩm từ trứng; dầu ăn và dầu; bột mỳ nhồi; ngũ cốc ăn được; chế phẩm ngũ cốc công nghiệp và mạch nha; rau tươi và rau khử nước; đậu khô; gia vị; các loại hạt và hạt giống; quả khô; hạt ca cao và hạt cà phê chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc thù và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tổng hợp từ ngày 1/1/2017 đến nay và gửi cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) trước ngày 31/12/2021 danh sách toàn bộ các doanh nghiệp theo các biểu mẫu tương ứng.

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói.

Mã này không được cắt dán, mà phải in trực tiếp, cả trong lẫn ngoài bao bì, tới phần đóng gói nhỏ nhất không thể chia được.

Mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thời gian tới.

Bao bì bên ngoài sản phẩm phải có nhãn hiệu rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/tiếng Anh, hoặc tiếng Trung Quốc và nước xuất khẩu (khu vực).

Các thông tin cần có: Nước xuất khẩu, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất, số lô sản xuất, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật, nơi sản xuất (cụ thể đến huyện/ tỉnh/ thành phố) và điểm đến phải ghi rõ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời có dấu kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.