Tuy nhiên, đến nay tại nhiều địa phương, tỷ lệ xe lắp camera vẫn rất thấp (cả nước có khoảng 200.000 xe thuộc diện phải lắp camera).
Dù hiện nay các doanh nghiệp, chủ xe đang khó khăn, song việc đôn đốc, tuyên truyền để họ nhận thức được lợi ích lâu dài, thực hiện nghiêm quy định là giải pháp hết sức cần thiết.
Các đơn vị vận tải đến nay chưa lắp đặt camera đều đưa ra lý do là doanh nghiệp khó khăn, xe không hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Tạ Hải
Có tỉnh chỉ vài chục xe lắp camera
Tại Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này mới có gần 11.000 xe/ 34.151 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ gần 30%.
Theo ông Long, chỉ còn nửa tháng nữa là hết thời hạn, tuy nhiên có thể do dịch bệnh ở Hà Nội đang có dấu hiệu phức tạp hơn nên một số doanh nghiệp mang tâm lý muốn “nghe ngóng” xem có sự thay đổi điều chỉnh của cơ quan chức năng hay không, hoạt động kinh doanh vận tải có phải dừng lại không… sau đó đến “giờ chót” mới lắp đặt.
“Nhiều doanh nghiệp đề nghị được lùi thời hạn do dịch Covid-19 kéo dài. Song, quan điểm của Chính phủ, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội là sẽ không tiếp tục kéo dài thêm thời gian lắp đặt camera cho các doanh nghiệp nữa”, ông Long khẳng định và cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc lắp đặt camera còn giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra được công tác phòng chống dịch. Vì thế, việc lắp đặt theo tiến độ Chính phủ yêu cầu là cần thiết, các đơn vị phải hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021.
Tại Bắc Ninh, đến nay, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ rất thấp so với tổng phương tiện phải lắp đặt. Cụ thể, số xe của các doanh nghiệp mới lắp được 60%; số xe của các hộ kinh doanh mới lắp được 30%.
Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, hiện trên toàn tỉnh mới có khoảng 300 phương tiện đã thực hiện, tỷ lệ đạt dưới 10%.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các xe vẫn đang tạm dừng hoạt động, các hộ, doanh nghiệp cho biết tại thời điểm này không có khả năng chi trả cho khoản tiền này vì không có việc làm, thu nhập, nợ ngân hàng...
Còn ở Yên Bái, đến nay số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ 28%. Nguyên nhân cũng được Sở GTVT Yên Bái lý giải giống như Bắc Giang hay các địa phương khác.
Tại Quảng Ninh, ông Mạc Đức Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay số lượng phương tiện đã lắp đặt camera trên địa bàn tỉnh là 598 xe, bằng 25%/tổng số xe thuộc đối tượng phải lắp (2.375 xe) và bằng 39,8%/tổng số xe đang hoạt động (1.501 xe).
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, tình hình cũng tương tự khi rất nhiều địa phương có tỷ lệ xe lắp camera thấp.
Điển hình, tại TP.HCM mới có trên 2.183 xe kinh doanh vận tải lắp camera trong tổng số 51.879 xe.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT TP.HCM cho biết, con số 2.183 xe đã lắp camera là thống kê có văn bản báo cáo, còn những xe đã lắp và chưa báo cáo thì Sở chưa thống kê được.
Tại Long An, hiện cũng mới có 90/1.356 ô tô kinh doanh vận tải lắp đặt camera.
Tại Đồng Nai, có khoảng 10.000 xe thuộc đối tượng ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát. Tuy nhiên, đến nay số lượng xe đã lắp đặt camera giám sát còn rất hạn chế.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, mới có khoảng gần 600 xe (5 - 6%) đã lắp camera.
Lý giải về nguyên nhân số lượng xe lắp camera thấp, ông Đức cho rằng, thời gian qua do diễn biến dịch phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội trong 3 tháng liên tục khiến tiến độ bị chậm lại.
Nhiều nhà xe nại lý do tuyến vận tải chưa hoạt động trở lại, gặp khó khăn về tài chính nên chưa lắp đặt.
Không tiếp tục lùi thời hạn
Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ phương tiện lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải của tất cả các địa phương.
Theo ông Thủy, để thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 10/2020 và Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản gửi 63 UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh việc lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải và hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định.
Trên thực tế, các đơn vị vận tải đến nay chưa lắp đặt camerra đều đưa ra lý do doanh nghiệp khó khăn, xe không hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thậm chí đến nay, khi hạn chót đã sắp đến, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải vẫn kiến nghị tiếp tục lùi thời điểm phải lắp.
Mới đây nhất là kiến nghị từ Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang, Bình Phước.
Tuy nhiên, phản hồi các kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết, kể từ ngày Nghị định 10 có hiệu lực thi hành cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xã hội, trong đó có các đơn vị kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT và các bộ, ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; báo cáo đề nghị Chính phủ lùi thời hạn xử phạt phương tiện chưa lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải.
Sau đó, tại Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021, Chính phủ quyết định tạm lùi thời hạn xử phạt hành chính đến hết ngày 31/12/2021.
Vì thế, Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng Nghị quyết số 66 của Chính phủ. Kể từ ngày 1/1/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 100.
Xử nghiêm vi phạm sau 31/12/2021
Theo ông Nguyễn Quyền, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, hiện đơn vị đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý xe kinh doanh vận tải không chấp hành việc lắp đặt camera, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, địa bàn Đội CSGT số 14 phụ trách có 2 bến xe lớn là Giáp Bát và Nước Ngầm.
Thời điểm sau ngày 31/12/2021, lực lượng CSGT sẽ thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 10 và Nghị định 100.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, theo quy định đối với xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát, người điều khiển sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng; cá nhân kinh doanh vận tải bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng; tổ chức kinh doanh vận tải bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng.
Tại Quảng Ninh, ông Mạc Đức Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Sở đã giao cho Thanh tra Sở chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những phương tiện, đơn vị vi phạm từ ngày 1/1/2022.
Ông Nguyễn Phan Trong, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng thông tin, mới đây Sở GTVT đã có văn bản chỉ đạo TTGT sau ngày 31/12/2021 sẽ kiểm tra xử lý các trường hợp xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera.
Trong khi đó, lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và các địa phương phía Bắc như: Hải Phòng, Hưng Yên, Tuyên Quang, Phú Thọ cho biết, việc kiểm định thiết bị camera được lắp bổ sung trên xe ô tô (thuộc đối tượng phải lắp) không gặp khó khăn, vướng mắc gì.
“Các chủ xe, người đi đăng kiểm đều nắm được quy định đến ngày 31/12/2021 là thời hạn cuối phải lắp camera giám sát, nhưng khoảng 2/3 xe tại thời điểm đăng kiểm vẫn chưa lắp. Chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc chủ phương tiện biết sau ngày 31/12/2021 nếu không lắp sẽ không được tiếp nhận kiểm định”, ông Phạm Trọng Tạo, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-09D Hà Nội cho biết.
Ông Đỗ Hải Nam, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 89-04D Hưng Yên thông tin, các đơn vị đăng kiểm đều dán thông báo, hướng dẫn cho chủ xe biết về thời hạn phải lắp camera.
“Nhiều khách cũng hỏi trực tiếp, song cho biết chưa lắp vì thời gian vừa rồi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ít việc, thu nhập giảm nên không muốn bỏ chi phí để lắp”, ông Nam thông tin.
Đề cập trường hợp xe quá hạn 31/12/2021 chưa lắp, lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm đều cho biết, nếu xe phải lắp camera khi đến hạn đăng kiểm định kỳ mà chưa lắp đều bị từ chối tiếp nhận đăng kiểm.
Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cũng khuyến nghị các chủ phương tiện nên thực hiện việc lắp camera trong thời hạn quy định để tránh các rắc rối có thể phát sinh như bị xử phạt, từ chối tiếp nhận đăng kiểm.
Sẽ tổng hợp, cáo cáo kiến nghị của các địa phương
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ VN vừa thành lập 2 đoàn kiểm tra, thời gian bắt đầu kiểm tra từ ngày 13/12/2021.
Đoàn kiểm tra phía Bắc kiểm tra tại: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ và Yên Bái. Đoàn kiểm tra các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên kiểm tra tại: Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Làm việc với đoàn kiểm tra khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết, tổng số phương tiện thuộc diện phải lắp camera trên địa bàn là 652 phương tiện, đến nay mới có 36 xe đã lắp.
Sở kiến nghị đoàn công tác tổng hợp ý kiến các đơn vị vận tải và đề nghị Tổng cục xem xét, báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như kéo dài thời gian không xử phạt xe chưa lắp camera.
Tại Đắk Lắk, hiện cũng chỉ có 471 phương tiện đã lắp camera trên tổng số 1.212 phương tiện phải lắp. Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Tổng cục thông báo danh sách các đơn vị cung cấp camera đảm bảo theo yêu cầu để các đơn vị lựa chọn lắp đặt.
Theo đại diện đoàn kiểm tra, qua kiểm tra, trên địa bàn Tây Nguyên việc lắp đặt camera đã được các tỉnh triển khai đến các doanh nghiệp tương đối đầy đủ, các doanh nghiệp cũng đã nắm bắt được thông tin.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc lắp đặt có sự chậm trễ. Trước những ý kiến, kiến nghị, đoàn sẽ tổng hợp báo cáo Bộ GTVT.
Trong khi đó, làm việc với đoàn kiểm tra phía Bắc, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đề nghị Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc từ chối cấp đăng kiểm nếu phương tiện không lắp đặt camera theo quy định.
Đề nghị Cục CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động trên đường không chấp hành việc lắp đặt camera. Đây là chế tài quan trọng để các chủ phương tiện thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận