Từ chuyện “Đào, phở và piano” gây sốt ngẫm đến nỗi đau của phim Nhà nước đặt hàng
Nhìn nhận một cách thẳng thắn và khách quan, "Đào, phở và piano" có được hiệu ứng truyền thông mạnh như hiện tại bởi đây là phim về lịch sử, sản xuất bằng tiền ngân sách Nhà nước.
Thực tế, câu chuyện khán giả ùn ùn kéo ra rạp để xem một bộ phim hay phim Việt bây giờ thừa sức cạnh tranh với các phim ngoại nhập, tiếc rằng… vẫn chỉ thuộc về phim tư nhân.
Nhắc đến những dự án phim Nhà nước đặt hàng, từ trước đến nay, nhiều người vẫn giữ định kiến rằng, dòng phim này sẽ rất khó hút khán giả, phim làm chỉ để đưa vào chiếu trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm trong và ngoài nước, hoặc gửi về các tỉnh, thành để phát hành, phổ biến xong rồi “cất kho”, “đắp chiếu”...
Thiết nghĩ, quan điểm cho rằng những dự án phim được bao cấp sản xuất chỉ phục vụ tuyên truyền không phải không có có lý. Bởi lẽ, ngay cả khi "Đào, phở và piano" hút khách, Trung tâm Chiếu phim quốc gia quá tải thì nhà quản lý vẫn giữ quan điểm là phim do Nhà nước đặt hàng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền là được.
Việc thiếu quảng bá, chưa quan tâm đến việc phát hành, phổ biến tại các cụm rạp để phim đến được với đông đảo khán giả ở mọi tầng lớp, tạo doanh thu đóng góp cho công nghiệp điện ảnh vẫn đang là khoảng trống khá lớn.
Nguyên nhân là do dòng phim này chỉ được cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành. Hay nói cách khác, phim phát hành ngoài rạp hay không, cả nhà đầu tư, nhà sản xuất đều không cần biết.
Điểm bất cập này từng được ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đề cập khi được hỏi về quy trình phổ biến phim "Đào, phở và piano" trên toàn quốc: “Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho việc sản xuất phim thôi, còn chưa có quy định về tỷ lệ % khi phát hành, phổ biến phim Nhà nước đặt hàng 100%”.
Vậy nhìn từ hiện tượng "Đào, phở và piano", một câu hỏi đặt ra là: Phim Nhà nước đặt hàng nhiều năm nay phải cất đi, hoàn toàn là do cơ chế, quy định hay còn bởi phim không thật sự hấp dẫn hay còn lý do nào khác?
Trao đổi với phóng viên, đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn nói, ông cảm thấy kỳ quái khi có người sản xuất ra một sản phẩm gì đó bằng rất nhiều tiền và công sức mà lại không đem ra khai thác kinh doanh để ít nhất thu hồi vốn đầu tư nhưng phim Nhà nước là như thế.
Vị đạo diễn từng thực hiện "Báo cáo về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam 2018 - 2019" khẳng định, phim Nhà nước được đem cất kho hoàn toàn không liên quan đến chất lượng bộ phim mà chủ yếu do vướng mắc cơ chế.
Đạo diễn Tuấn lý giải nguyên nhân việc này tồn tại là cơ chế phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
“Điều rắc rối đầu tiên là vấn đề sử dụng vốn ngân sách và tài sản Nhà nước thì phải đúng mục đích. Tuy nhiên, vấn đề thật sự ở đây là khoản thu.
Nếu phim Nhà nước đặt hàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng doanh thu, e rằng phức tạp về thủ tục giấy tờ.
Bởi Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) là cơ quan hành chính Nhà nước, không phải là doanh nghiệp, không thể xuất hóa đơn đỏ, và về bản chất là không thể có doanh thu”, ông Tuấn phân tích.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phim Giải phóng - bày tỏ thẳng thắn, phim Nhà nước nhưng chính Nhà nước cũng không tạo điều kiện, cơ hội để phim đến với công chúng thì làm sao những tác phẩm đó đến được.
“Phim Nhà nước hay phim tư nhân cũng chỉ là cách gọi của mọi người mà thôi. Chúng ta không nên phân biệt vì phim gì cũng nhằm mục đích cao nhất là phục vụ công chúng.
Vấn đề phim Nhà nước không đến được với rộng rãi công chúng nói thật là do cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến điều đó”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, ngày xưa, các phim do Nhà nước đặt hàng khi sản xuất ra sẽ có công ty phát hành phim Nhà nước lo việc đó nhưng bây giờ, các đơn vị này cũng cổ phần hóa, trở thành tư nhân hết.
Ông Hưng cho rằng: “Nếu khâu phát hành cũng xã hội hóa, sản xuất và phát hành đều như nhau thì không vấn đề gì đáng nói. Tiếc rằng, sau mấy chục năm, cơ chế, quy định chỉ cấp kinh phí sản xuất không có cho phát hành vẫn giữ nguyên”.
Đạo diễn, biên kịch, sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát thừa nhận, những bất cập trong cơ chế ở trên là nguyên nhân khiến phim Nhà nước nhiều thập kỷ qua vẫn bị mang tiếng là “làm xong chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền rồi đem cất kho”.
Bà cho biết, phim Hồng Hà nữ sĩ chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất và cũng phải “cân đo đong đếm” rất nhiều, hoàn toàn không có kinh phí phát hành.
“Hơn 300 rạp trong cả nước đều của tư nhân, Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC) có chiếu phim Nhà nước nhưng cũng phải hạch toán.
Tôi đã từng làm việc với CGV là hệ thống phát hành tư nhân lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, họ rất ủng hộ phim, nhưng để phát hành được ở đây cũng phải mất vài tỷ đồng cho phát hành, cùng với quảng bá, chạy trailer, quảng cáo, thông tin báo chí.
Với Hồng Hà nữ sĩ, phía CGV mở ra khả năng trừ tiền phát hành vào doanh thu vé phim, họ chỉ lấy khoảng 1 tỷ đồng nhưng chúng tôi cũng không có tiền”, nữ biên kịch kể.
Bà Ngát cho biết, bà sợ khả năng bán vé của phim lịch sử, nghệ thuật không cao như phim thị trường nên không dám “mạo hiểm”.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải bày tỏ, bộ phim Nhà nước đặt hàng là Hà Nội 12 ngày đêm do anh cùng ê kíp thực hiện năm 2002 cũng công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
Tuy nhiên, vẫn với lý do phim không được cấp kinh phí phát hành, không có cơ chế chia phần trăm doanh thu cho các rạp tư nhân nên không thể tới rộng rãi với nhiều khán giả hơn.
Nói đến khía cạnh đa phần phim Nhà nước chúng ta lâu nay kén khán giả do còn bệnh khô cứng của dòng phim tuyên truyền, đề tài và cách làm còn cũ kỹ lại nhìn các nước khác như Mỹ, họ cũng thường xuyên làm phim tuyên truyền nhưng có thành tựu cực lớn về doanh thu, các phim American Sniper hay Top Gun đều đạt được hai khía cạnh doanh thu lẫn nghệ thuật.
Chia sẻ về điều này, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho hay, việc mở rộng và khai thác nội dung với dòng phim lịch sử cũng là vấn đề quan trọng. Nhiều nhà làm phim rất muốn đóng góp những ý tưởng hay và sáng tạo cho dòng phim Nhà nước nhưng đôi khi đề tài đưa ra vẫn còn bị bó hẹp.
“Trước kia, nhiều phim Nhà nước đặt hàng thuộc về dòng phim nghệ thuật cũng không ngần ngại nói về những vấn đề còn tồn tại của xã hội như phim Thung lũng hoang vắng của đạo diễn, NSND Nhuệ Giang, nói về những khó khăn, bất cập của đội ngũ giáo viên vùng cao, phim Khi nắng thu về của tôi nói về những phức tạp trong suy nghĩ, quan niệm sống của thế hệ trẻ.
Đây đều là những tác phẩm được Nhà nước tài trợ, đồng thời cũng được đánh giá tốt ở các Liên hoan Phim quốc tế. Hiện nay, theo tôi không có nhiều những phim như vậy được duyệt”, đạo diễn Bùi Trung Hải bộc bạch.
Đồng tình với những chia sẻ trên, đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang cũng thắc mắc: “Không hiểu vì lý do gì mà những phim về cuộc sống đương đại, số phận của con người, của nhân dân, của hậu chiến… rất nhiều năm qua bị bỏ ngỏ”.
Phim Nhà nước không thể phát triển chỉ nhờ vào cú “ăn may”
Không ít người cho rằng, thành công của "Đào, phở và piano" ở hiện tại chỉ là trường hợp rất cá biệt, hoàn toàn là do ăn may đến từ sự ảnh hưởng của mạng xã hội, sau đó tạo nên hiệu ứng đám đông với các khán giả ra rạp.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, từ thành công ban đầu của "Đào, phở và piano" có thể thấy, khán giả không hề quay lưng với phim Nhà nước đặt hàng như nhiều định kiến vốn vẫn tồn tại từ trước tới nay.
Đồng thời, đơn vị phát hành tư nhân vẫn sẵn sàng hợp tác với Nhà nước để phát hành và phổ biến các bộ phim có chất lượng.
Thực tế những ngày qua cho thấy, bản thân cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang khá lúng túng trước hiện tượng "Đào, phở và piano".
Mặc dù đến ngày 20/2, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã xác nhận có 2 đơn vị tư nhân phát hành phim "Đào, phở và piano", nhưng xét cho cùng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì nhà phát hành sẽ không thể chiếu phim không công cho Nhà nước mãi.
Bà Mai Hoa - Tổng giám đốc Galaxy - cho biết, nếu phim do Nhà nước đặt hàng được chiếu thương mại ngoài hệ thống rạp thì cũng cần trích tỷ lệ % cho đơn vị phát hành.
Bởi các cụm rạp do Nhà nước quản lý thì có thể 100% doanh thu về ngân sách Nhà nước nhưng các rạp chiếu phim tư nhân phải đầu tư rất nhiều chi phí để xây dựng, vận hành hệ thống này nên không thể phát hành mà không có kinh phí…
Về phía rạp Lotte, trước câu hỏi: “Lotte có gặp khó khăn gì nếu được yêu cầu và chiếu 'Đào, phở và piano' tại cụm rạp của mình?”, đại diện rạp Lotte cho hay, rất vui mừng khi phim "Đào, phở và piano" nhận được sự quan tâm và yêu mến của khán giả. Đây cũng chính là cơ hội vàng cùng với tinh thần của Nhà nước về việc tập trung vào phát triển văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng.
“Chúng tôi thiết nghĩ nhân cơ hội này việc quan trọng hơn là phải tạo ra cơ chế vững chãi, tạo tiền đề lâu dài để phát hành các phim Nhà nước đặt hàng hoặc hỗ trợ.
Vì rạp chiếu phim của chúng tôi khi chiếu bất cứ một bộ phim nào đều phải thanh toán tiền thuê địa điểm hiện tại rất cao, tiền điện, tiền nước tính theo giá thương mại, tiền khấu hao máy móc thiết bị, tiền nhân công.
Vì vậy, rất mong các cơ quan Nhà nước ra được chính sách để không phải chỉ có phim 'Đào, phở và piano' mà cả các bộ phim Nhà nước đặt hàng có thể tiếp cận được với khán giả đại chúng".
Phim Nhà nước muốn phát triển phải có phần cho quảng cáo và phát hành
Ông Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, phim Nhà nước muốn phát triển, đến với công chúng phải có tư duy, cách làm mới và cơ chế cần thay đổi. Theo ông, đã có kinh phí sản xuất thì phải có phần cho quảng cáo và phát hành.
“Phim Nhà nước phải đảm bảo được các yếu tố: Đáp ứng thị hiếu của khán giả, bảo đảm được công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời làm sao có được doanh thu ít nhất là hồi vốn được cho Nhà nước, để nguồn đó tiếp tục phục vụ công tác sản xuất gọi là tái sản xuất.
Chúng ta muốn làm được điều đó thì không thể đi ngược lại với thị hiếu khán giả và quy luật của thị trường, không thể đi ngược lại với các yếu tố xã hội hóa hiện nay”, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phim Giải phóng nói.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cũng cho hay: “Về trường hợp của 'Đào, phở và piano', tôi nghĩ nên có thêm nhiều sự đổi mới về quy tắc sản xuất phim bằng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh chi phí làm phim phải có chi phí phát hành, nếu không có % chia cho các nhà rạp thì không thể đem phim đến với rộng rãi công chúng được".
Nam đạo diễn chia sẻ thêm, nếu ai theo dõi điện ảnh, nhất là các bộ phim trên thế giới, đều có thể hiểu nhiều bên sản xuất chịu chi phí phát hành lớn, có thể lên tới 30% tổng kinh phí làm phim.
Nhưng nếu không có tiền quảng bá, các phim sẽ không thể được khán giả biết tới. Bởi vậy, quy chế về quảng bá, chia phần trăm cho các nhà rạp là vấn đề cấp thiết phải giải quyết hiện nay.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang cũng đồng tình, bà nhấn mạnh: “Rạp tư nhân mọc lên như nấm, họ phải trang trải rất nhiều chi phí… mà chúng ta lại không có quy định ăn chia doanh thu phát hành thì tư nhân không có việc gì phải bắt tay với Nhà nước cả. Chính sách và cơ chế của Nhà nước phải thay đổi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận