Trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, ít nhất 10 người bà con, thân quen với tôi đã trở thành F0.
Dù đã tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch, không hiểu vì lý do nào đó, họ vẫn nhiễm bệnh.
Chính phủ xác định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhưng một số địa phương vẫn thận trọng quá mức trong công tác phòng chống dịch (Ảnh minh họa)
Nhưng thật may mắn, với việc thực hiện tốt phác đồ điều trị, sau đó tất cả họ đều âm tính trở lại. Trước đó, họ cũng đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Họ kể, khi điều trị, có người bị sốt, có người chỉ có vài triệu chứng nhẹ.
Một người bạn của tôi làm trong ngành y tế cho hay, thời gian gần đây, đọc báo hàng ngày, anh vẫn quan tâm mỗi ngày có bao nhiêu ca mắc mới Covid-19. Song nếu như trước đây, anh thường chú ý tới số ca mắc cao hay thấp thì nay, anh thường so sánh tỷ lệ tử vong là bao nhiêu.
“Tỷ lệ này ngày càng thấp, chứng tỏ chiến dịch tiêm chủng đã đạt hiệu quả rất lớn”, anh nói.
Tuy nhiên, những ngày qua, tại một số tỉnh, thành miền Tây liên tiếp xuất hiện nhiều ca F0. Và không ít nơi đã lại tỏ ra thận trọng quá mức, thậm chí dự định tái thiết lập chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào địa phương khi vừa mới mở lại chưa bao lâu.
Thực ra, có thể lý giải được số F0 có thể xuất hiện khi các hoạt động đi lại, kinh tế liên vùng mở cửa trở lại. Chính phủ cũng đã xác định chuyển từ tư duy “zero Covid” sang sống chung với Covid-19.
Tuy nhiên, thực chất trong từng cơ quan, địa phương và từng cá nhân có lẽ chưa định hình rõ tư duy “sống chung với Covid-19” vì vẫn còn những sự lo sợ nhất định. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến đến nay, vẫn còn có những địa phương tỏ ra quá thận trọng.
Chẳng hạn như có địa phương mới đây đã ban hành lệnh cấm bán bia, rượu trong quán ăn vì lo lây lan dịch, trong khi vẫn ở cấp độ 2.
Nhưng cùng lúc, người ta vẫn có thể tập trung ở quán cà phê, ngồi tán gẫu... ở địa phương này. Chẳng lẽ có bia, rượu mới làm lây lan dịch? Hoặc có địa phương cấm bán bia hơi, trong khi vẫn để các nhà hàng, quán ăn hoạt động…
Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng một khi đã xác định thích ứng là phải chấp nhận, và có giải pháp kiểm soát trên diện hẹp nhất.
Một khi đã mở cửa rồi thì không thể còn là “zero Covid” nữa, mà phải có giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Vừa qua, chúng ta phải dùng nhiều biện pháp hành chính để phòng, chống dịch khi chưa có nhiều vaccine. Các biện pháp này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng các biện pháp vận động, ngoại giao vaccine quyết liệt, hiện rất nhiều địa phương trong cả nước đã tăng được tỷ lệ bao phủ vaccine, cùng với việc nâng cao năng lực y tế cơ sở và các biện pháp khác.
Đây là cơ sở để nhiều nơi nới lỏng các biện pháp hành chính.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 4800 hướng dẫn với định hướng như vậy.
Điều quan trọng nhất bây giờ là các địa phương nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh, kiên trì thực hiện các biện pháp đã được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bám sát các quy định tại Nghị quyết 128, Quyết định 4800 và căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương để đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể áp dụng các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ dịch, từng địa bàn.
Dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, vì vậy khi thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vẫn phải quán triệt, tuân thủ nghiêm phương châm: “5K + vaccine + điều trị + công nghệ và tích cực tuyên truyền, vận động, đề cao ý thức của nhân dân”.
Có như vậy mới có thể “sống chung với Covid-19 an toàn”, thận trọng nhưng không run sợ.
Hồ Hùng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận