Chất lượng sống

Từ hôm nay (1/3): Tăng viện phí 30%, ai được lợi?

01/03/2016, 06:39

Trước mắt, việc tăng viện phí chưa áp dụng đối với người không có thẻ BHYT.

 

Trong đợt tăng viện phí này, người bệnh có BHYT đư
Trong đợt tăng viện phí này, người bệnh có BHYT được hưởng lợi ở nhiều dịch vụ y tế Ảnh: Tạ Tôn

Đối tượng khám BHYT hưởng lợi

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tính bình quân tất cả các dịch vụ, mức giá thực hiện từ 1/3/2016 gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay. Từ 1/7/2016, giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Trước mắt, việc tăng giá này chưa áp dụng đối với người không có thẻ BHYT.

Đối với người có thẻ BHYT, mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT (được BHYT chi trả 100%) sẽ không bị ảnh hưởng. Với những đối tượng khám chữa bệnh BHYT còn lại, sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức độ không nhiều. “Vì trước đây, khi viện phí chưa tính đúng, tính đủ, nhiều trang thiết bị, vật tư không được tính trong danh mục BHYT chi trả. Do đó, người bệnh phải mua thêm ở ngoài, tốn kém nhưng không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các gói dịch vụ đã được tính đủ các chi phí, đủ vật tư nên người bệnh không phải mua ngoài nữa”, ông Nam Liên cho biết thêm.

Nói là việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều tới đối tượng có thẻ BHYT song không ít bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc bệnh nhân buộc “vượt tuyến” đang “nhấp nhổm không yên”. Nằm điều trị tại khoa Thận, BV Bạch Mai từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn M. (Hoàng Mai) cho biết, trường hợp của anh được BHYT chi trả 80%.

“Hiện tại, chi phí cho mỗi lần chạy thận hiện khoảng 460 nghìn đồng, nếu không cộng với tiền thuốc mỗi tháng anh chi trả khoảng 1,1 triệu đồng. Nghe nói sắp tới, chi phí cho mỗi lần chạy thận tăng lên 499 nghìn đồng, vậy mỗi tháng tăng lên khoảng 60 nghìn đồng. Với người bệnh có lương hưu như tôi thì cũng chấp nhận được. Tuy nhiên, với không ít người tăng thêm đồng nào là thêm nặng gánh đồng đó”, anh M. chia sẻ.

Trước lo ngại trên, ông Nam Liên khẳng định: Trong đợt tăng viện phí này, người bệnh có BHYT được hưởng lợi ở nhiều dịch vụ y tế. Đơn cử, giá khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng 1 là 50.000 đồng, giá khám cũ là 20.000 đồng, người có thẻ BHYT phải nộp chênh 30.000 đồng. Tuy nhiên, từ 1/7, khi giá khám bệnh của bệnh viện hạng 1 nâng lên 39.000 đồng, người bệnh chỉ phải nộp phần chênh lệch 11.000 đồng. Hay với các loại máy móc, dịch vụ đầu tư theo hình thức xã hội hóa, khi tăng giá, phần cùng chi trả của người bệnh cũng giảm đi.

Cụ thể, giá chụp CT scanner 64 dãy theo hình thức xã hội hóa là 2,5 triệu đồng nhưng BHYT chỉ duyệt khung 1,7 triệu đồng nên người bệnh có thẻ BHYT phải nộp chênh 800.000 đồng. Nhưng từ 1/3, giá chụp CT scnaner được BHYT duyệt tăng lên 2,167 triệu đồng và từ 1/7 lên 2,266 triệu nên bệnh nhân chỉ phải nộp thêm lần lượt 333.000 đồng và 234.000 đồng.

“Tăng giá ở đây không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển những khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Theo đó, tiền lương của cán bộ y tế trước đây do ngân sách đảm bảo, giờ sẽ do người bệnh và Quỹ BHYT chi trả. Vì thế, các bệnh viện, cán bộ y tế phải nâng cao chất lượng phục vụ mới có bệnh nhân”, ông Liên lý giải.

Quyền năng của thẻ BHYT

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, từ 1/3, khi Bộ Y tế áp dụng cách tính đúng, tính đủ cơ cấu thành phần, viện phí tại cơ sở này không những không tăng mà còn có những chi trả thấp hơn so với trước. “Cần hiểu tăng giá viện phí không đồng nghĩa với tăng phần chi trả của người dân, mà tăng theo hướng tính đúng, tính đủ, từ đó người dân được giảm phần chênh lệch. Tăng giá viện phí lần này là Nhà nước tăng chi trả trả trực tiếp cho người dân thông qua BHYT. Việc chi trả minh bạch hơn nhiều và được dân giám sát”, ông Tuấn phân tích.

Ngoài ra, theo Giám đốc BV Tim Hà Nội, đợt tăng giá sắp tới mang lại nhiều nguồn lợi cho các bệnh viện, góp phần thay đổi cơ chế từ bao cấp xin - cho sang cơ chế tự chủ, cơ chế thị trường. “Lúc này, bệnh viện cần nhận thức bệnh nhân là khách hàng của mình, phải đáp ứng sự hài lòng về chuyên môn, dịch vụ và nhiều thứ khác. Bệnh nhân sẽ là nguồn nuôi sống, mang lại thương hiệu của bệnh viện", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc điều chỉnh giá viện phí lần này qua chi trả trực tiếp BHYT cũng sẽ tạo ra thách thức đối với các cơ sở y tế có công suất sử dụng giường bệnh và số lần khám bệnh thấp. Chính sự điều chỉnh này cũng đòi hỏi cơ sở y tế phải có kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thái độ phục vụ, y đức, thủ tục hành chính, thời gian chờ khám nhằm thu hút người bệnh.

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nhận định: “Viện phí tăng giá hay không chúng tôi vẫn phải cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu tăng giá thì hoạt động này sẽ được làm tốt hơn. Đặc biệt, khi Nhà nước tăng chi trả trả trực tiếp cho người dân thông qua BHYT, chiếc thẻ sẽ có giá trị hơn, thể hiện quyền năng của người mua tại cơ sở y tế”.

Theo quy định, người bệnh vào viện trước ngày 1/3 sẽ được áp dụng mức giá viện phí cũ cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú. Mức giá tăng mới chỉ áp dụng với bệnh nhân khám, chữa bệnh bắt đầu từ 1/3/2016.

Theo lộ trình, từ năm 2016, viện phí tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp; Năm 2018, tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; năm 2020 tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp, quản lý và khấu hao tài sản.

Dự kiến, sắp tới người không có thẻ BHYT cũng phải áp dụng theo mức giá mới. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích người dân nên tham gia BHYT (hiện tỉ lệ tham gia BHYT của cả nước đạt 77%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.