Dân đô thị thoát cảnh tắc đường bằng phương tiện bay không người lái; nhân viên y tế mặc bộ đồ bay xuất hiện hỗ trợ người gặp khó khăn trong vài phút…
Những cảnh tượng này tưởng chừng như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng đã có mặt trên thị trường vận tải hàng không tiên tiến (AAM), được dự đoán sẽ có giá trị tới 17 tỷ USD trong 3 năm nữa.
Xe bay PAL-V được kỳ vọng có thể ứng dụng vào hoạt động thực thi pháp luật ở vùng sâu, vùng xa
Công nghệ sẵn sàng
Tình trạng đô thị hóa khiến đường phố ngày càng chật chội. Khi thế giới không thể mở rộng thêm đường phố cho các phương tiện giao thông đường bộ hơn nữa thì vận tải 3 chiều thực sự quan trọng.
Đó là nhận định của bà Anna Kominik, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Wisk, đơn vị sản xuất máy bay điện thuộc Tập đoàn Boeing, trong cuộc phỏng vấn tại Hội nghị Reuters Next cuối năm vừa qua.
Theo bà Kominik, tính đến năm 2030, 67% dân số trên thế giới sẽ sống ở đô thị nên hạ tầng giao thông đường bộ không thể bắt kịp nhu cầu vận tải. Đồng thời, chi phí để cải thiện, nâng cấp hạ tầng rất đắt đỏ. “Vì vậy, giải pháp cho chúng ta chính là ở bầu trời”, bà Kominik nói.
Hiện tại, công ty Wisk đã và đang thử nghiệm máy bay điện tự lái mang tên Cora tại cơ sở ở Tekapo, New Zealand trong 4 năm qua. Loại máy bay này có thể cất/hạ cánh như trực thăng. Ngoài ra, Wisk đang làm việc với các cơ quan quản lý như Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ để xin cấp phép đưa phương tiện này ứng dụng vào dịch vụ taxi trên không.
Máy bay của Wisk có thể chở 2 hành khách với quãng đường 100km, ở tốc độ lên tới 150km/h.
Tại Hà Lan, công ty PAL-V cũng vừa ghi nhận bước tiến mới để đưa phương tiện bay của hãng lên bầu trời. Phương tiện 2 chỗ mang tên Liberty có tốc độ tối đa 180km/h và tầm bay xa 400km đã được Liên minh châu Âu cho phép sử dụng trên đường từ năm 2021.
Ông Robert Dingemanse, Giám đốc điều hành PAL-V cho biết, năm nay (2022), hãng sẽ hoàn tất chương trình đào tạo cần thiết và hướng tới giao hàng vào năm sau (2023).
Theo ông Robert Dingemanse, phương tiện của PAL-V đã được hơn 193 quốc gia quan tâm, có đơn đặt hàng từ 15 quốc gia, thậm chí có khách đã thanh toán.
Như vậy, có thể thấy phương tiện bay đã bước đầu gây dựng nền tảng. Theo công ty Nghiên cứu Thị trường Liên minh, thị trường vận tải hàng không tiên tiến có thể đạt giá trị 17 tỷ USD đến năm 2025 và 110 tỷ USD đến năm 2035.
Báo cáo tương tự chỉ ra phân khúc máy bay có phi công sẽ chiếm hơn ¾ thị phần trên thị trường này trong năm 2025. Song đến giai đoạn 2025 - 2035, phân khúc tự lái sẽ phát triển nhanh nhất.
Chính phủ hành động
Bộ đồ bay của nhà sáng chế Richard Browning
Không chỉ các doanh nghiệp hào hứng, chính phủ nhiều nước như Hàn Quốc đã đang chuẩn bị từ chủ trương đến hạ tầng để hiện đại hóa những giấc mơ viễn tưởng này.
Tại Hàn Quốc, cuối năm vừa qua, một sự kiện thử nghiệm taxi bay được tổ chức rầm rộ tại sân bay quốc tế Gimpo ở Thủ đô Seoul, với sự tham gia của Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Noh Hyeong-ouk.
Phát biểu tại sự kiện, lãnh đạo ngành giao thông Hàn Quốc nhấn mạnh: “Tương lai mà chúng ta chỉ có thể tưởng tượng trong những giấc mơ hoặc phim ảnh đang trở thành hiện thực”.
Ông Noh Hyeong-ouk vạch lộ trình rõ ràng, năm 2025, Hàn Quốc sẽ bắt đầu thương mại hóa Vận tải hàng không trong khu vực đô thị (UAM). Tới năm 2030, Hàn Quốc sẽ bắt đầu một thời kỳ thương mại toàn diện và năm 2035 sẽ mở ra một thời kỳ bay tự động”.
Tuyên bố của ông Noh không hề là quá khi trực tiếp tại hiện trường, chiếc taxi bay do Đức sản xuất đã cất cánh thẳng đứng và bay ở độ cao 50m, chuyển đổi linh hoạt giữa chế độ có người lái hoặc chế độ lái tự động.
Sự kiện đánh dấu bước ngoặt của dự án thương mại hóa vận tải hàng không đô thị Hàn Quốc sau 1 năm công bố và thử nghiệm.
Kênh Ariang News dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết, Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 77 tỷ won, tương đương 65 triệu USD, để đẩy nhanh việc thành lập hệ thống UAM. Khi đó, taxi bay được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cục diện giao thông toàn quốc với khả năng cắt giảm 2/3 thời gian di chuyển so với lưu thông đường bộ.
Dự kiến chi phí 1 chuyến taxi bay từ cảng hàng không Incheon về trung tâm Thủ đô Seoul là khoảng 93 USD.
Tại New Zealand, đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới cho phép thử nghiệm máy bay tự lái ở mức vượt ra ngoài tầm nhìn của người điều khiển. Sự cởi mở này đã tạo điều kiện cho Wisk, công ty của bà Kominik tìm đến để thử nghiệm sản phẩm của hãng tại đây.
Hướng tới mở rộng thành hệ sinh thái
Máy bay Volocopter được thử nghiệm tại sân bay Gimpo, Hàn Quốc
Bà Kominik, Giám đốc Wisk kỳ vọng, khi ngành công nghiệp và công nghệ phát triển, việc sáng tạo một hệ sinh thái để ứng dụng các phương tiện/thiết bị bay một cách đa dạng, là rất quan trọng. Nó đòi hỏi tư duy sáng tạo, gợi mở từ chính sách của chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng.
Bởi, không chỉ ứng dụng cho hoạt động đi lại thông thường trong đô thị, nhiều vị giám đốc có tầm nhìn xa như lãnh đạo PAL-V, ông Dingemanse cho rằng, có thể đưa phương tiện Liberty ứng dụng vào nhiều mục đích như giám sát an ninh và y tế tại khu vực vùng sâu vùng xa.
Còn ở Vương quốc Anh, nhà sáng chế Richard Browning đang thử nghiệm bộ quần áo bay Gravity cùng quân đội của nhiều nước và lực lượng y tế phản ứng nhanh khẩn cấp.
Bộ quần áo bay có thể giúp một người bay lên không trung trong 4 phút và công ty của Richard Browning đang nghiên cứu để có thể nâng cấp thời gian bay dài hơn, góp phần đa dạng hóa cho thị trường vận tải hàng không tiên tiến (AAM).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận