Thế giới giao thông

Tư nhân hóa sân bay và kinh nghiệm hay quốc tế

09/03/2015, 09:06

Các sân bay thương mại trên thế giới đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Chính phủ.

san bay Bac kinh

Sân bay Quốc tế Bắc Kinh có 35% vốn tư nhân, 10% vốn của Tập đoàn ADP-M (Pháp)

Nhân viên nhà nước tại sân bay chỉ chiếm 3%

Tại Mỹ, trong khi tất cả các sân bay thương mại đều do Nhà nước sở hữu thì các dịch vụ sân bay và việc cung cấp nguồn vốn lại thuộc về lĩnh vực tư nhân. Việc tư nhân hóa các sân bay thương mại tại Mỹ được thực hiện cách đây hơn 20 năm. 

Năm 1989, quận Albany, New York đã tìm cách bán hoặc nhượng quyền khai thác sân bay cho các nhà điều hành và các tập đoàn hàng không để giảm các khoản trợ cấp mà sân bay vẫn nhận đều đặn từ ngân sách của quận. Khi đó, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) phản đối đề xuất này và nó còn gây tranh cãi cho đến khi Mỹ ra sắc lệnh năm 1992, khuyến khích chính quyền các bang hỗ trợ việc tư nhân hóa các cơ sở hạ tầng Nhà nước, trong đó có sân bay.

Một sắc lệnh khác năm 1994 đã xác nhận lại một lần nữa sắc lệnh năm 1992 và chỉ thị chính quyền các bang tìm cách đẩy mạnh tư nhân hóa. Đến nay các sân bay thương mại của Mỹ đều do tư nhân điều hành. Từ những năm 2005, 2006, phần lớn các sân bay đều đã tư nhân hóa. Tại các sân bay như Kennedy, LaGuardia và Newark, số nhân viên Nhà nước chỉ chiếm 3% so với các nhân viên tư nhân.

Nước Anh đã tư nhân hóa các sân bay thương mại từ năm 1987. Để làm được điều này, Anh bán một phần British Airports Authority (BAA), tập đoàn Nhà nước điều hành 7 sân bay lớn, trong đó có Heathrow và Sân bay Gatwick ở London, với giá 2,5 tỷ USD. Chính phủ vẫn giữ lại mức cổ phần đủ để nắm quyền phủ quyết. Tư nhân hóa BAA là một thành công trong kế hoạch tư nhân hóa của Anh, mặc dù một số nhà kinh tế cho rằng, việc bán liền 7 sân bay của BAA, thay vì bán từng cái một, khiến Chính phủ không có được tối đa giá bán. 

Lan sang châu Á

Khi hầu hết các cảng hàng không và các sân bay tại châu Âu và Mỹ đều do tư nhân sở hữu thì xu hướng này mới bắt đầu lan sang châu Á và các nước đang phát triển. Trung Quốc cũng đi theo xu hướng này bằng việc tư nhân hóa Sân bay Quốc tế Bắc Kinh. Sân bay này có 35% vốn tư nhân, 10% vốn của Tập đoàn ADP-M (Pháp), Chính phủ Trung Quốc chỉ chiếm 55%. ADP-M cũng chiếm 35% cổ phần của Tập đoàn Sân bay Thổ Nhĩ Kỳ. 

Khu vực Đông Nam Á cũng đã có nhiều nước đi theo xu hướng tư nhân hóa các sân bay thương mại. Tại Thái Lan, các sân bay ở Koh Samui, Sukhothai, Trad là do Hãng Hàng không Bangkok Airways đầu tư. Campuchia đã nhượng quyền quản lý, khai thác ba sân bay lớn nhất tại Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville cho Tập đoàn ADP-M (Pháp). Sân bay Indonesia là do Hãng Hàng không Air Asia khai thác. 

Việc nhượng quyền kinh doanh các sân bay thương mại thường là với thời hạn dài như 99 năm hay 75 năm, đặc biệt là đối với nhiều sân bay lớn. Riêng Tây Ban Nha lại hạn chế thời hạn nhượng quyền kinh doanh tối đa là 40 năm. 4 trong số 5 sân bay của Moscow được chuyển giao cho tư nhân khai thác trong 99 năm.

Việc tư nhân hóa các sân bay thương mại đem lại nhiều lợi ích, cho cả Nhà nước, tư nhân và hành khách sử dụng dịch vụ. Cameron Gordon, giảng viên cấp cao Đại học Canberra (Australia), khoa Doanh nghiệp và Chính phủ cho biết, việc tư nhân hóa các sân bay thương mại nói riêng và lĩnh vực giao thông nói chung có lợi cho Nhà nước ở chỗ thu hút được nguồn vốn tư nhân.

“Các cơ sở hạ tầng giao thông cần rất nhiều tiền để xây dựng và phải mất nhiều năm mới có thể thu về lợi nhuận. Các Chính phủ thiếu tiền tất nhiên là muốn huy động thêm. Bên cạnh đó, các nhà điều hành tư nhân có khả năng quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ quan Nhà nước. Đây cũng là một lợi thế quan trọng của tư nhân hóa”.

Đối với tư nhân, đầu tư vào sân bay khá an toàn vì nó mang lại là dòng tiền đều đặn, dự đoán trước được trong thời gian dài. Nếu kinh doanh tốt, nó sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Và ngay cả khi lợi nhuận không nhiều, thì khoản đầu tư này cũng vẫn có xu hướng sinh lợi đều đặn do ít rủi ro. Theo ông Gordon, đối với phía khách hàng sử dụng dịch vụ, việc tư nhân hóa các sân bay thương mại sẽ khiến họ được hưởng các dịch vụ tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn là khi các sân bay này do Nhà nước quản lý. 

img

Vietnam Airlines bất ngờ đề xuất mua Nhà ga hành khách T1, Nội Bài

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.