Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam do đơn vị tư nhân đầu tư sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận, quản lý vận hành.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan hướng dẫn EVN làm việc với nhà đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam - về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý tài sản lưới điện truyền tải 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do nhà đầu tư đề xuất bàn giao không tính chi phí (bàn giao 0 đồng). Bộ Công thương cho biết đã tổ chức họp với các bộ ngành và đơn vị liên quan về vấn đề này.
Phía Trung Nam cho biết, trong thời gian chờ bàn giao đường dây và trạm biến áp 500kV cho EVN, dự án này đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận với tổng sản lượng "truyền tải hộ" lên đến 4,2 tỷ kWh, tương ứng 360 tỷ đồng
Trên cơ sở ý kiến các bên cho thấy, quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để hướng dẫn EVN làm việc với Công ty Trung Nam thực hiện bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân.
Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân được thực hiện theo quy định của nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN sau khi nghị định được ban hành, có hiệu lực.
"Khi đó, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện bàn giao, tiếp nhận công trình, hồ sơ, cách xác định giá trị công trình bàn giao và các điều kiện liên quan đã được quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng", văn bản nêu rõ.
Góp ý cho việc bàn giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Theo pháp luật điện lực hiện hành, các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia vận hành lưới điện truyền tải do nhà đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành.
Song, bộ này đề nghị Bộ Công thương bổ sung ý kiến các bên liên quan và đánh giá các ưu, nhược điểm của phương án nhà đầu tư tự vận hành công trình lưới điện nêu trên với phương án nhà đầu tư bàn giao lại các công trình nêu trên cho EVN quản lý vận hành để làm rõ sự cần thiết phải bàn giao cho EVN.
Với quy định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý, Bộ KH&ĐT cho hay, hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục bàn giao tài sản sử dụng vốn ngoài ngân sách, nên trường hợp các bên liên quan thống nhất để nhà đầu tư chuyển giao cho EVN "cần thực hiện theo nghị định trên khi được ban hành".
Còn Bộ Tài chính cho rằng, việc bàn giao công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nhà nước sang EVN quản lý có thể được thực hiện theo các cơ chế như mua bán giữa các doanh nghiệp theo quy định; Hoặc nhà đầu tư thực hiện biếu, tặng, cho theo đúng quy định, nếu như việc bàn giao được thực hiện trước khi nghị định có hiệu lực.
Trong trường hợp bàn giao được thực hiện khi nghị định của Chính phủ ban hành và có hiệu lực, thì sẽ áp dụng theo nghị định này.
Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV của Trungnam Group có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.
Dự án có 277,88 MW được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh do nằm trong phạm vi 2.000 MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Phần công suất còn lại hơn 172 MW chưa được xác định cơ chế giá. Mới đây, Công ty Mua bán điện thuộc EVN vừa có văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện này, kể từ 0h ngày 1/9.
Về việc này, phía Trung Nam cũng đã đề nghị EVN xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án, với lý do là để tạo sự công bằng trong môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính, tránh nguy cơ phá sản, đảm bảo khả năng duy trì hoạt động, vận hành hệ thống trạm biến áp 500kV,...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận