Chính trị

Từ sáng đến đêm, vạn người dân xếp hàng tiễn biệt

Lặn lội đi từ nửa đêm, chờ từ tờ mờ sáng đến gần 21h đêm, có người tuổi đã cao, có người phải chống nạng, đi xe lăn… nhưng họ đều khắc khoải chờ giây phút để được vào viếng, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - vị lãnh đạo kiệt xuất của Đảng.

Dòng người nối dài, lưu luyến tiễn biệt

Gần 23h đêm 25/7, dòng người đông nghịt vẫn xếp hàng ngay ngắn, chờ đến lượt vào Nhà tang lễ số 5 phố Trần Thánh Tông, TP Hà Nội để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ sáng đến đêm, vạn người dân xếp hàng tiễn biệt- Ảnh 1.

Người dân xếp hàng dài, chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: ND.

Bà Yến Thị Tươi (quê ở Lạng Sơn) cho biết, khi biết tin ngày 25/7 bắt đầu lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Trọng, 5 người trong gia đình bà đã bắt xe từ quê xuống Hà Nội từ hôm 24/7 để có thể vào vĩnh biệt nhà lãnh đạo kính yêu của nhân dân. Bà Tươi cho biết, đã xếp hàng từ tờ mờ sáng đến tối muộn.

"Tôi chưa bao giờ thấy cảnh xếp hàng dài như thế này, dòng người hàng cây số nối đuôi nhau qua nhiều tuyến phố trong trật tự, chờ đợi đến lượt mình được vào viếng Tổng Bí thư với lòng tôn kính", bà Tươi chia sẻ.

Xuất hiện trong hàng dài người dân tiến vào nhà tang lễ, anh Phạm Ngọc Nam (ở khu đô thị Ecopark, Hà Nội) cầm trên tay bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chia sẻ, vì cảm phục tấm gương về sự tận tâm trong công việc của Tổng Bí thư nên anh đã tìm cách mua bằng được bức chân dung, gác lại công việc kinh doanh đến lễ viếng từ 14h.

"Tôi đã nhìn thấy bức ảnh này qua một video trên mạng, cảm xúc trong tôi dâng trào. Vì vậy, tôi đã tìm mọi cách để liên hệ với người vẽ và thuyết phục để lại bức tranh cho mình. Tôi phải thuyết phục rất lâu họ mới đồng ý", anh Nam kể.

Dậy từ 2h sáng chuẩn bị để 3h bắt xe lên Hà Nội, vợ chồng ông bà Phạm Hữu Xén (ở huyện An Lão, TP Hải Phòng) ngồi chờ hơn 15 tiếng để được vào viếng Tổng Bí thư. "Chúng tôi ngồi chờ đợi ở đây cũng rất xúc động, vì có rất đông người chờ viếng như chúng tôi.

Có duyên gặp gỡ, chúng tôi chuyện trò, tâm sự, chia sẻ chung niềm kính trọng, tiếc thương Tổng Bí thư. Nhiều người còn từ miền Trung ra đây, xa xôi tới 300-400km", ông Xén cho hay.

Khóc cả đêm khi nghe tin bạn mất

Từ 4-5h sáng 25/7, rất đông người dân từ mọi miền Tổ quốc đã về các điểm tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đăng ký viếng. Trong dòng người ấy, có một đoàn viếng đặc biệt, đó là đoàn tập thể lớp Ngữ văn khoá 8, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là những người thầy, người bạn từ thủa thiếu thời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ sáng đến đêm, vạn người dân xếp hàng tiễn biệt- Ảnh 2.

Dòng người đổ về mỗi lúc một đông để tiễn biệt người lãnh đạo dân kính trọng, yêu mến.

Ông Vương Khắc Duy (85 tuổi, bạn học cùng lớp cấp 1 và cấp 2 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) ngồi trên xe lăn, được người thân đưa đến viếng người bạn thân từ thời niên thiếu.

Ông chia sẻ, khi hay tin người bạn học qua đời, ông đã khóc suốt đêm. Sáng nay, dù phải ngồi trên xe lăn, cụ vẫn nhờ con cháu đưa đến lễ tang tại thôn Lại Đà để tưởng nhớ người bạn học trước khi bạn về nơi yên nghỉ.

Bồi hồi nhớ lại thuở còn chung ghế nhà trường, cụ Vương Khắc Duy kể, dù gia đình rất nghèo nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học rất giỏi và chăm chỉ: "Ngày đó chúng tôi đói lắm, có những bữa, chúng tôi chia đôi củ sắn, củ khoai để lấy sức mà học. Anh Trọng ngồi cùng bàn học với tôi, khi đó tôi là lớp trưởng. Chúng tôi gắn bó keo sơn với nhau như hình với bóng".

Cũng có mặt tại nhà văn hóa thôn Lại Đà từ sớm, ông Ngô Bá Dục (sinh năm 1943, thôn Lại Đà) mắt đỏ hoe tiếc thương người bạn thân thời niên thiếu Nguyễn Phú Trọng.

Ông Dục chia sẻ, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Khi lên đại học, Tổng Bí thư đỗ Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), còn ông Dục theo học ngành sư phạm. Dù học khác trường, nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít.

Nhớ lại những ngày niên thiếu học chung trường, ông Dục chia sẻ: "Nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày đó nghèo lắm, do vậy mà anh Trọng suốt ngày đi chân đất, mùa đông cũng như tiết hè. Tôi ấn tượng mãi với hình ảnh anh Trọng mặc bộ quần áo nâu đến lớp. Mùa đông rét buốt phải mặc áo rách độn bên trong".

Nhớ về hình ảnh Tổng Bí thư thuở còn hàn vi, ông Ngô Bá Dục cũng rất ấn tượng với hình ảnh cậu học trò nghèo Nguyễn Phú Trọng ăn nói nhỏ nhẹ, tính tình rất điềm đạm: "Lớp chúng tôi có 48 học sinh, nhưng cô Phúc giáo viên chủ nhiệm có ấn tượng rất đặc biệt với anh Trọng, bởi vì anh ấy nhỏ tuổi nhất nhưng là học trò giỏi nhất".

"Chức sắc bỏ ngoài cửa, vào đây chúng ta là bạn bè"

Bà Đặng Thị Yến - nguyên phóng viên Báo Nhân dân cho biết: "Hôm nay, GS Hà Minh Đức hơn 90 tuổi cùng các học trò khóa 8 Văn khoa, là bạn học tới viếng, nhìn anh Trọng lần cuối".

Ngồi chờ bên ngoài, bà giơ tấm ảnh chụp kỷ niệm họp lớp năm 2022, trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi giữa nhóm bạn, trò chuyện vui vẻ. Bà kể: "Đây đã là lần cuối anh Trọng đến họp lớp rồi!".

Nhớ lại ký ức học cùng Tổng Bí thư, bà Yến kể mỗi lần họp lớp, ông đều đến hỏi thăm từng người. "Anh cũng chia sẻ: Mình rất quý các bạn nhưng vì điều kiện công tác chỉ gặp nhau được dịp họp lớp thôi. Đã đến họp lớp rồi, xin phép các thầy, các bạn cho tôi được là trò, là bạn thuở đi học, không còn vị trí Tổng Bí thư ở đây", bà Yến bồi hồi nhớ lại.

Còn với bà Nguyễn Thị Hòa (79 tuổi, Cầu Giấy, TP Hà Nội) - người bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, hình ảnh người bạn thời sinh viên là một người chỉn chu, chăm chỉ, điểm số lúc nào cũng dẫn đầu lớp.

"Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nói với chúng tôi rằng: "Tôi đi họp lớp với tư cách là bạn bè, mọi chức sắc đều bỏ hết ở ngoài cửa, vào đây chúng ta là bạn bè". Giờ bạn đã đi xa, chúng tôi không thể nào diễn tả được nỗi đau và niềm tiếc thương lúc này", bà Hoà giọng như nghẹn lại.

Tạo mọi điều kiện để người dân vào viếng

Tại lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi người dân, dù đi tập thể hay cá nhân, đều được tạo điều kiện vào viếng. Người dân chỉ cần đem theo căn cước công dân gắn chip hoặc dùng phần mềm VNeID cài đặt trên điện thoại thông minh để quét mã QR khi đăng ký.

Tại các điểm tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, đều có đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân miễn phí nước uống, quạt giấy và áo mưa mỏng.

Anh Nguyễn Tiến Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, đã có hơn 4.000 bạn trẻ Thủ đô tình nguyện đăng ký tham gia phục vụ các nội dung trong lễ Quốc tang.

Ghi nhận của PV, dù lượng người và phương tiện đổ về Thủ đô rất đông, nhưng suốt các tuyến đường, kể cả những tuyến đường dẫn đến điểm tổ chức tang lễ đều không ùn tắc.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.