Thay đổi lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi GPLX
Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.
Theo đó, sửa đổi quy định tại Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng lại như sau:
Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến:
Kể từ ngày 1/12/2023 đến hết ngày 31/12/2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.
Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Như vậy, mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) quốc gia và quốc tế khi nộp hồ sơ online từ ngày 1/12/2023 là 115.000 đồng/lần cấp.
Điều kiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang
Ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/12/2023.
Theo đó, tổ chức đề nghị xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định của pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng đường ngang xác định rõ nguồn vốn quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.
Đối với đường ngang sử dụng có thời hạn, khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp phải bảo đảm: Mục đích sử dụng đường ngang phù hợp với phương án tổ chức giao thông tạm thời được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thời hạn khai thác, sử dụng đường ngang không quá 24 tháng; Chủ quản lý, sử dụng đường ngang cam kết làm thủ tục bãi bỏ đường ngang và tự tháo dỡ đường ngang, hoàn trả kết cấu hạ tầng đường sắt khi hết thời hạn khai thác, sử dụng.
Đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia có thời gian sử dụng lâu dài được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, sau khi hoàn thành đường ngang, chủ đầu tư bàn giao lại công trình cho Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác theo quy định.
Đối với đường ngang được xây dựng bằng nguồn vốn khác, tổ chức đề nghị xây dựng đường ngang phải bảo đảm kinh phí để quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.
Bổ sung thêm nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí
Nghị định 75/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực kể từ ngày 3/12, trong đó bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó, Nghị định 75/2023 bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT là: người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng theo Nghị định này, sẽ bổ sung thêm đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 100% và 95%.
Trong đó, bổ sung 2 đối tượng hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh gồm: người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; người dân xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, bổ sung 3 đối tượng hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh gồm: vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống, hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống.
Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người phục vụ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tổn thương từ 81%.
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Người bị bạo lực gia đình sẽ được hỗ trợ tiền
Từ ngày 25/12, Nghị định 76/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý là nghị định có quy định mức chi hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình.
Theo đó, các khoản mà người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ bao gồm: tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình (theo quyết định của UBND cấp tỉnh); hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc (mức chi như đối tượng bảo trợ xã hội).
Ngoài ra người bị bạo lực gia đình sẽ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng lương cho viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 21/2023 về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực từ ngày 16/12.
Cụ thể, đối tượng này sẽ được hưởng lương như viên chức loại A0, có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89 theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước.
Do đó, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sẽ có mức lương dao động từ 3,78 triệu đồng/tháng đến cao nhất là 8,802 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo quy định cũ, đối tượng này chỉ được hưởng lương của viên chức loại B, có hệ số lương từ 1,86-4,06 tương ứng với mức lương là từ 3,348 triệu đồng/tháng-7,308 triệu đồng/tháng.
Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Từ ngày 1/12, các giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng.
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan được quy định tại khoản 1, 2 điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền 2022.
Quyết định 11/2023 thay thế cho Quyết định 20/2013 đã áp dụng hơn 10 năm. Như vậy, giá trị giao dịch phải báo cáo từ 300 triệu đồng của quy định hiện hành được tăng lên mức 400 triệu đồng.
Theo Luật Phòng chống rửa tiền 2022, các tổ chức tài chính phải báo cáo là những đơn vị đã được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động như nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; môi giới chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính cũng thuộc đối tượng phải báo cáo gồm: kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, internet; xổ số; đặt cược; kinh doanh bất động sản trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận