Y tế

Từ vụ tài xế đột quỵ não: Việc cần làm và tránh khi sơ cứu

05/09/2023, 08:01

Liên tiếp các vụ tài xế đột quỵ não khi đang lái, chuyên gia y tế lưu ý những việc cần làm và tránh khi sơ cứu.

Theo camera hành trình trên xe ghi lại vào sáng 2/9, khi anh N.T.B đang lái xe chở khách từ La Gi đến địa bàn quận 5 (TP.HCM) thì ngã gục, co giật, có dấu hiệu đột quỵ nhưng vẫn cố gượng dậy, cho xe dừng lại. Lúc này, hành khách trên xe mới phát hiện và gọi cấp cứu đưa anh đến một bệnh viện tại quận 5. Tuy nhiên, sau đó, tài xế này đã tử vong.

Trước đó 1 ngày, vào trưa 1/9, tại km1726+630 Quốc lộ 1 qua thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tài xế lái xe chở khách nghi bị đột quỵ và tử vong.

Từ vụ tài xế đột quỵ não: Việc cần làm và cần tránh khi sơ cứu - Ảnh 1.

Một tài xế đột quỵ não trong khi đang lái xe chở khách (hình ảnh cắt từ video camera hành trình)

Điều cần làm và tránh với bệnh nhân đột quỵ não

Theo chia sẻ về những quy tắc vàng trong dự phòng và chăm sóc đột quỵ của PGS.TS.BS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, vì đột quỵ có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn nên điều quan trọng là phải xử trí nhanh. Tuy nhiên, có một số việc nên và không nên làm khi gặp tình huống này.

PGS Duy Tôn lưu ý, khi gặp bệnh nhân đột quỵ, cần gọi xe cứu thương ngay lập tức, tốt nhất nên gọi 115. Xe cứu thương có thể đến địa điểm của bệnh nhân và đưa họ tới bệnh viện nhanh hơn. Bên cạnh đó, nhân viên y tế được trang bị đủ kiến thức để hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh vện và có khả năng làm giảm tác động gây hại của đột quỵ não.

Khi gọi 115 cần thông báo ca "đột quỵ não" để nhân viên cấp cứu chuẩn bị tốt nhất có thể và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.

Bên cạnh đó, hãy hỏi chuyện người đột quỵ não trong khi chờ xe cứu thương nếu họ có thể nói được. Hỏi về bất kỳ loại thuốc nào mà bệnh nhân đang dùng, tình trạng sức khỏe có dị ứng gì không… Và chia sẻ những thông tin này với bác sĩ điều trị trong trường hợp người bệnh đột quỵ không thể giao tiếp được sau này.

Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, cần để họ nằm nghiêng người, tư thế đầu cao. Vị trí này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, đừng di chuyển người bệnh nếu họ bị ngã. Để giữ cho họ thoải mái hãy nới lỏng quần áo của người bệnh.

Một số trường hợp có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não, người bên cạnh cần thực hiện kỹ thuật hồi sinh tim phổi nếu biết hoặc theo chỉ dẫn của nhân viên y tế 115.

PGS Tôn cũng lưu ý 3 điều cần tránh với bệnh nhân đột quỵ não. Khi các triệu chứng đột quỵ não khó nhận biết từ đầy. Người bệnh có thể nhận ra điều gì đó bất ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ. Nếu bạn tin rằng người đó đang bị đột quỵ não thì không để người bệnh tự lái xe đến bệnh viện. Hãy gọi ngày 115 và chờ sự giúp đỡ.

Đột quỵ não có thể do cục máu đông nhưng cũng có thể do xuất huyết não, do vậy không được cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào có thể làm chảy máu nặng hơn.

Đồng thời, tránh tuyệt đối đưa thức ăn hoặc nước cho người đột quỵ não. Bởi người đột quỵ não thường không tỉnh áo và có thể rối loạn nuốt, do đó cho ăn hoặc uống sẽ gây nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi sau đó.

Cách nào để phòng ngừa đột quỵ não?

Theo BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), độ tuổi bị đột quỵ sớm là dưới 40, còn lúc trên 50 tuổi thì bắt đầu ở ngưỡng có nguy cơ. 

Bệnh viện Nhân dân 115 từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là tài xế bị đột quỵ. Nguyên nhân là do tài xế đường dài thường phải thức khuya, để tỉnh táo, họ phải dùng thuốc hoặc chất kích thích. Nếu tài xế bị huyết áp cao sẽ rất nguy hiểm.

Để phòng ngừa, các tài xế cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, bao gồm cả bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, thính lực, thị lực. Đặc biệt, cần tìm hiểu có động kinh, co giật hay không để tầm soát. Nếu ai có tiền sử co giật, động kinh thì không thể lái xe.

Phòng ngừa đột quỵ chung là cần kiểm soát yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rung nhĩ, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu, huýt thuốc lá, bệnh tim mạch, béo phì... 

Nếu kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chặt chẽ thì giảm được khoảng 60 - 70% nguy cơ đột quỵ.

Chia sẻ thêm về tình huống tài xế bị co giật do đột quỵ và không may tử vong sau đó, ông Thắng cho rằng, những cơn co giật kéo dài thường khoảng 1-2 phút. Trong khoảng thời gian này, để sơ cứu cần phải để bệnh nhân nằm ở nơi thông thoáng, tránh bị ức chế đường thở bằng cách cởi nút áo, quần. Nếu bệnh nhân có cơn cắn răng thì lấy khăn mềm chèn vào miệng để không cắn lưỡi. Tuyệt đối không được bỏ vật cứng hay đưa tay vào miệng bệnh nhân.

Lưu ý, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng để đàm nhớt chảy ra ngoài và giúp dễ thở. Sau đó, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.


img
img

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ não (F-A-S-T) và cách xử trí nếu gặp bệnh nhân đột quỵ não.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.