Ông Ngô Huy Toàn |
Gần đây, các trang mạng xã hội và một số trang tin điện tử liên tục đưa những thông tin nhằm bôi nhọ cá nhân, trong đó có một số lãnh đạo cấp cao gây bức xúc và hoang mang trong dư luận.
Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT). Ông Toàn cho biết:
Các cơ quan chức năng của Bộ TT-TT đã tiếp nhận thông tin liên quan đến việc cá nhân đưa lên mạng xã hội, trang tin điện tử những nội dung xúc phạm người khác trong thời gian qua. Việc đưa lên mạng thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng xấu đến người khác là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Bộ đang phối hợp với cơ quan liên quan và chỉ đạo các cơ quan trong ngành xem xét, xử lý để kịp thời ngăn chặn hiện tượng này.
Về vụ việc cụ thể, trang tin điện tử có tên miền tt... mấy ngày qua liên tục đăng tải thông tin liên quan đến một số cá nhân. Bản thân người bị hại đã lên tiếng phủ nhận thông tin được cho là vu khống, bịa đặt đó. Vậy, phía cơ quan quản lý đã vào cuộc làm rõ về vi phạm của trang tin này chưa, thưa ông?
Ngày nay, với sự hiện diện của internet, thông tin điện tử không còn biên giới nữa, việc quản lý phải đối mặt với những yêu cầu và thách thức ngày càng cao, không phải ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đều phải đối mặt.
Bước đầu chúng tôi xác định là trang tin đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc xử lý khó hơn so với tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp này phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, ngoài điều tra, xác minh, sử dụng biện pháp kỹ thuật có thể phải đề nghị sự hợp tác, can thiệp của đơn vị cung cấp dịch vụ hosting của nước ngoài nơi đối tượng đặt máy chủ, nơi quản lý địa chỉ IP... Liên quan đến biện pháp này, cơ quan chức năng của Bộ đã từng có văn bản gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở nước ngoài như Google, Facebook yêu cầu hợp tác để bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ vào lãnh thổ Việt Nam.
Hiện có nhiều trang tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân liên tục cập nhật thông tin như cách đưa tin của báo chí nhưng thiếu định hướng và không chính xác đã gây tác động xấu đến xã hội. Vậy cơ quan chức năng quản lý và giám sát việc này thế nào?
Thực tế hiện nay một số trang tin hoạt động giống như báo chí, đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta có 2 lĩnh vực được phân định rất rõ ràng: Báo chí hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và trang thông tin điện tử hoạt động theo quy định pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau.
Trang tin điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam là không được phép tác nghiệp, sản xuất tin, bài, chỉ được trích dẫn lại nguyên văn từ những nguồn tin chính thống của Nhà nước. Việc một số trang tin tự cập nhật và sản xuất tin, bài đưa lên mạng là vi phạm pháp luật.
Qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy, có một bộ phận người dân, thậm chí cán bộ công chức vẫn chưa phân biệt được giữa hoạt động của một cơ quan báo chí và hoạt động của một trang thông tin điện tử tổng hợp. Vì thế, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, phân biệt được đâu là hoạt động báo chí, đâu không phải hoạt động báo chí, từ đó nhận biết được thông tin nào đáng tin cậy, thông tin nào không đáng tin cậy để tiếp nhận một cách có chọn lọc.
Có thực tế là có những thông tin trên mạng xã hội dù không được kiểm chứng nhưng người dân sẵn sàng sử dụng, chia sẻ những thông tin ấy một cách nguyên bản. Việc này tác động thế nào đến đời sống xã hội cũng như công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, thưa ông?
Đây là một thực tế. Hiện nay trên môi trường mạng, đặc biệt trên mạng xã hội Facebook, các thông tin được chia sẻ rất nhanh, có sức lan tỏa rộng trong đời sống xã hội. Nếu đó là thông tin xấu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật thì hậu quả sẽ rất lớn.
Vấn đề khó trong quản lý thông tin trên mạng xã hội cũng như trang điện tử hiện nay chính là hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới. Trong công tác quản lý, hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn được tiến hành, song quan trọng hơn và bền vững vẫn là ứng xử, trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội”. Ông Ngô Huy Toàn |
Để mạng xã hội, thông tin trên mạng xã hội phát triển lành mạnh phục vụ nhu cầu con người, ngoài trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vai trò của mỗi cá nhân cũng rất quan trọng. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân phải tuân thủ pháp luật, phải nhận biết được thông tin nào không nên chia sẻ, thông tin nào ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đồng, đây chính là trách nhiệm với chính bản thân mình, cũng là trách nhiệm đối với xã hội.
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước, hàng năm, cơ quan chức năng đều tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội... với nhiều hình thức khác nhau: theo kế hoạch, định kỳ hoặc thanh tra đột xuất. Trong hoạt động thông tin trên mạng, năm 2014, thanh tra Bộ đã xử lý sai phạm của các trang tin với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, năm 2015 cũng xử phạt 18 trường hợp với số tiền hơn 777 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng, báo chí hiện nay đang phải đuổi theo thông tin trên mạng xã hội và các trang tin. Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông nghĩ sao về quan điểm trên?
Rõ ràng không thể phủ nhận thông tin trên mạng xã hội là một nguồn tin của báo chí, nhưng vấn đề là chúng ta sử dụng nó, quản lý nó thế nào. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đang sử dụng, khai thác thông tin trên mạng. Cơ quan nào thực hiện tốt công tác kiểm soát, kiểm duyệt nội dung thì thông tin trên mạng xã hội sẽ trở nên hữu ích. Ngược lại, những thông tin mạng xã hội mà lấy về, sử dụng một cách tùy tiện, không có cơ chế kiểm chứng sẽ gây tác hại rất lớn. Với một cơ quan báo chí chính thống hoạt động một cách nghiêm túc sẽ không bị cuốn theo vòng xoáy thông tin từ mạng xã hội, mà họ sẽ chủ động kiểm soát và biến thông tin trên đó thành nguồn tin của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận