Bạn cần biết

Tượng đài GTVT Sông Gianh:Tiếp nối bản hùng ca trên tuyến lửa Quảng Bình

05/09/2016, 09:32

Tháng 10/2016, dự kiến công trình Tượng đài GTVT sông Gianh sẽ chính thức được triển khai xây dựng.

20

TNXP, công nhân Ty GTVT Quảng Bình làm đường vận chuyển lương thực từ phà Gianh lên Ba Trại - Ảnh: Văn Sắc

Tháng 10/2016, dự kiến công trình Tượng đài GTVT sông Gianh sẽ chính thức được triển khai xây dựng. Đây không chỉ là một công trình nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là biểu tượng cho ý chí quật cường, vinh danh sự hy sinh anh dũng của hàng vạn bộ đội, TNXP, công nhân ngành GTVT trên “tuyến lửa” Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh.

Nỗi đau khắc khoải trên dòng sông Gianh

Trong ký ức người cán bộ lão thành của Ty GTVT Quảng Bình những năm chống Mỹ, ông Nguyễn Hoàng (SN 1934, Quảng Thuận, TX. Ba Đồn, Quảng Bình) vẫn đau đáu vết thương lòng về 89 người đồng đội, đồng nghiệp đã ngã xuống bên bờ sông Gianh để giữ cho mạch máu giao thông được thông suốt. Ông Hoàng kể: Năm 1965, bến phà sông Gianh trở thành một trọng điểm giao thông giữa QL1 và nhiều tuyến đường dẫn lên đường 20, đường Hồ Chí Minh. Nơi đây còn là bến neo đậu của nhiều tàu, thuyền Hải quân QĐND Việt Nam. Nhận thấy vai trò quan trọng của trọng điểm này, Đế quốc Mỹ không ngừng đánh phá, trút xuống khu vực này hàng ngàn, hàng vạn tấn bom đạn nhằm cắt đứt mạch máu giao thông chiến lược phà Gianh.

Đỉnh điểm nhất là những năm 1966-1967 khi địch đánh rát liên tục ba tháng liền, mọi con đường qua sông Gianh đều bị chia cắt. Lúc này, Ty GTVT và Tỉnh đội tỉnh Quảng Bình nhận được mật lệnh từ cấp trên giao nhiệm vụ thực hiện đảm bảo giao thông mở đường cho đoàn xe đưa tên lửa vào Quảng Bình đánh chặn máy bay địch. “Trong bối cảnh, thời gian cấp trên giao vỏn vẹn chỉ ba ngày phải cho đoàn xe vượt sông mà toàn bộ đường và bến phà đã bị địch phá hủy, trên sông chỉ còn duy nhất một chiếc phà có thể sử dụng được. Lúc này, Ty GTVT và Tỉnh đội lên kế hoạch huy động tất cả các lực lượng từ TNXP, dân quân tự vệ, công nhân các công trường ở bốn xã: Bắc, Thanh, Mỹ, Hạ của huyện Bố Trạch với hơn 500 người, cùng một đại đội xe cơ giới của Công ty Ô tô Quảng Bình về bến sông Gianh khẩn trương làm cầu, đường cho xe qua”, ông Nguyễn Hoàng nhớ lại.

Với phương châm, “địch đánh thì ta nấp, địch về thì ta làm”, trong hai ngày đêm không nghỉ, đoạn đường lát gỗ thông dẫn xuống bến phà tạm ở hai bờ sông Gianh đã hoàn thành. Tới 22h tối ngày thứ ba, khi mọi việc đã hoàn tất, chỉ chờ thông xe thì mật thám của địch phát hiện, chỉ điểm cho máy bay đánh đúng nơi các công nhân làm đường đang tập trung. Những trận bom như vãi trấu lần lượt rải xuống nơi đây, trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ, 89 người đã hy sinh, 154 người bị thương. Trước tình thế cấp bách, Ban chỉ huy công trường phải tổ chức họp khẩn tại chỗ và đi đến thống nhất: Chia lực lượng trên công trường làm ba mũi, trong đó, hai mũi tiếp tục khắc phục đoạn đường hư hỏng, mũi còn lại cứu giúp người bị thương.

“Ba giờ sau đường thông trở lại, đoàn xe bắt đầu qua phà vượt sông. Đến 4h30 sáng, sau khi đoàn xe qua sông an toàn, các công nhân trên công trường mới quay trở lại tìm thi thể những đồng chí, đồng đội đang còn vùi lấp dưới lớp đất đá”, ông Hoàng rưng rưng.

Những bản anh hùng ca bất tử

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân Quảng Bình đã phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Với ngành GTVT Quảng Bình, mỗi cán bộ, công nhân viên đều phát huy tinh thần bám trụ kiên cường với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc - Đường chưa thông, không tiếc máu xương”, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến.

Trên mặt trận GTVT, T.Ư Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, tỉnh Quảng Bình đã huy động tối đa lực lượng toàn quân và dân tham gia, các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến, phụ nữ, thiếu niên đã dũng cảm phá bom, lấp hố sửa đường, đưa phà, chèo đò cho bộ đội qua sông dưới làn bom đạn địch. Các trọng điểm giao thông tiêu biểu đã trở thành huyền thoại, biểu tượng của lịch sử như: Đường 15, đường 20 Quyết Thắng, đường Ba Trại, phà Gianh, phà Quán Hàu, phà Long Đại… và biết bao địa danh khác, mà trước đây chỉ cần nghe tên cũng đủ làm cho mỗi người dân Việt Nam bồi hồi xúc động và kẻ thù điên đảo.

Tượng đài GTVT sông Gianh, tấm lòng người đang sống

Theo thống kê, chỉ trong 10 năm chiến đấu bảo đảm cho mạch máu GTVT  thông suốt trên mảnh đất Quảng Bình, đã có hơn 8.000 liệt sỹ và hàng ngàn người bị thương tật, cống hiến máu xương của mình để giữ vững mạch máu GTVT, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiện, Quảng Bình có bốn nghĩa trang liệt sỹ ngành GTVT, TNXP và hàng chục nghĩa trang liệt sỹ khác còn mộ phần liệt sỹ của ngành, tuy nhiên chưa có bất cứ công trình nào để tri ân, tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp GTVT.

Trong những năm tháng chiến tranh, đế quốc Mỹ đã đánh vào phạm vi bến phà Gianh 2.791 trận, dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn, trung bình mỗi m2 mặt nước phải hứng chịu trên một tấn bom đạn. Thế nhưng, bất chấp mức độ khốc liệt của chiến tranh, với khẩu hiệu: “Đầu đội bom, chân đạp phà, tay lái, miệng hát bài ca chiến thắng”, cán bộ, chiến sĩ phà Gianh vẫn âm thầm vượt sông, rà phá thủy lôi bảo đảm cho mạch máu giao thông luôn được thông suốt, đưa hàng chục ngàn chuyến phà vượt sông Gianh, chuyên chở hơn 2 triệu lượt xe, hàng triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam, ra Bắc phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình tâm sự: Việc đầu tư xây dựng Tượng đài GTVT sông Gianh tại phía Nam cầu Gianh, thuộc địa phận xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là mong mỏi của không chỉ quân và dân Quảng Bình, mà còn là nguyện vọng tha thiết của lớp lớp các cán bộ, chiến sỹ, TNXP đã từng chiến đấu trên mảnh đất này. Công trình này sẽ là biểu tượng Anh hùng của ngành GTVT trên tuyến lửa Quảng Bình, là một chứng tích tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi dấu những chiến công giành được của lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ GTVT trên tuyến lửa Quảng Bình trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng “Uống nước, nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Theo thiết kế, tượng đài GTVT sông Gianh sẽ được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 2ha, gồm nhiều hạng mục, trong đó điểm nhấn là bức phù điêu bằng đá khối và tượng đài các anh hùng, liệt sỹ GTVT nằm ở trung tâm. Ngoài ra, còn có nhiều công trình phụ trợ khác như: Sân hành lễ, nhà lưu niệm, bãi đỗ xe, khu phụ trợ... do kinh phí xây dựng sẽ được huy động dưới hình thức xã hội hóa kêu gọi các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành quyên góp, tài trợ. “Hiện, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định giao đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết, chủ trương đầu tư dự án. Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất chủ trương xây dựng. Sở GTVT Quảng Bình sẽ phối hợp Công đoàn GTVT Việt Nam triển khai các thủ tục theo quy định và kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành để ước nguyện của CBCNV ngành GTVT trở thành hiện thực”, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.