Lăn lộn tái thiết ngành giao thông
Tròn 10 năm trước, năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công ty CP Vận tải biển và Thuê tàu (Vietfracht), tôi cùng Đoàn làm phim của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương có dịp gặp lại Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Khi ấy, tướng Nguyên đánh giá rất cao bài học “phá thế cấm vận” của Vietfrach.
Thời kỳ ông làm Bộ trưởng Bộ GTVT (4/1982 - 6/1986) là thời kỳ đất nước còn bị “cấm vận”. Thế nhưng, Vietfracht đã linh hoạt thuê tàu chợ, thuê tàu định hạn, vay mua tàu biển để phát triển kinh tế đối ngoại, chắt chiu từng đồng đô la ngoại tệ về cho đất nước.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường biên giới phía Bắc trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng.
Có thể nói, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ cương vị Tư lệnh ngành GTVT trong bối cảnh vô cùng đặc biệt. Đó là thời kỳ cả đất nước “mò mẫm” trước đổi mới, kinh tế đất nước, đời sống nhân dân còn khó khăn.
Hạ tầng GTVT trên cả 5 lĩnh vực dù đã được khôi phục sau 5 năm thống nhất đất nước nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế. Đặc biệt, giao thông nông thôn miền núi tiếp tục xuống cấp.
Để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, Đại hội V của Đảng xác định nhiệm vụ của ngành GTVT là: “Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT hợp lý trong cả nước, ưu tiên phát triển vận tải đường biển, đường sông; củng cố và phát huy năng lực vận tải đường sắt; tổ chức lại vận tải ô tô hợp với khả năng xăng dầu, phụ tùng, săm lốp; tiếp tục xây dựng hàng không dân dụng. Phát triển rộng rãi vận tải thô sơ.
Cùng đó, phát triển GTVT ở nông thôn, đặc biệt là miền núi gắn liền với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và củng cố quốc phòng”.
Nhiệm vụ đầu tiên Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên thực hiện là: "Gấp rút chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, nâng cao năng lực quản lý".
Căn cứ Quyết định số 166/CP ngày 24/9/1982 của Chính phủ về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của ngành GTVT, công tác tổ chức của ngành GTVT được tiến hành một cách khẩn trương; từng bước cải tiến cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp gây kìm hãm sản xuất sang cơ chế hạch toán kinh doanh.
Tháng 2/1983, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, ngành GTVT bắt đầu “sờ đến” vấn đề nhạy cảm là tổ chức. Theo đó, ngành Đường sắt giải thể các quận để thành lập 5 công ty vận tải theo khu vực; giải thể các Vụ, Cục trực thuộc Tổng cục Đường sắt thành các Ban trực thuộc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam.
Ngành vận tải biển, vận tải sông sắp xếp tổ chức thành các công ty vận tải chuyên tuyến, theo khu vực.
Ở ngành vận tải ô tô, hợp nhất Tổng công ty quá cảnh vào Cục Vận tải ô tô, sắp xếp tổ chức thành các công ty vận tải theo khu vực.
Ngành xây dựng cơ bản được tổ chức lại thành Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông theo từng khu vực, làm nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng của đường sắt, đường bộ và đường thuỷ....
Ở các tỉnh, thành phố, các Ty Giao thông được chuyển thành các Sở GTVT như bây giờ.
Song song việc chấn chỉnh bộ máy, là việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và chấn chỉnh một bước quản lý các cấp. Khẩu hiệu hành động: "Năng suất, chất lượng, hiệu quả" trở thành phong trào thi đua khắp toàn ngành lúc này.
Nói về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Chánh Văn phòng Bộ GTVT Vũ Phạm Chánh nhớ như in hình ảnh vị Bộ trưởng lăn lộn khắp các lĩnh vực, công trường để cùng cán bộ, công nhân đưa ngành Giao thông vượt khó.
“Còn nhớ lần được tháp tùng Bộ trưởng đi kiểm tra các công trình vào các mỏ than ở Quảng Ninh. Sau khi kiểm tra thực địa, tại cuộc họp trong chiều muộn ở Hạ Long, ông bảo: “Đêm nay các anh nghỉ ngơi cho thoải mái, sáng mai tôi sẽ đưa ra quyết định”. Đêm đó, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên gần như không ngủ, chong đèn viết, vẽ, tính toán.
Sáng hôm sau, triệu tập họp, Bộ trưởng tuyên bố ngắn gọn: “Yêu cầu các đơn vị thi công tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy trình....tháng 9 năm sau phải khánh thành toàn tuyến, chạy tàu thẳng đến ga Hạ Long và cảng Cái Lân”, ông Chánh kể.
Ngày 17/2/1985, Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên cùng các đại biểu làm lễ nối liền dầm cầu Chương Dương - Ảnh: Bảo Hanh/TTXVN
Vị lãnh đạo chan hòa, gần gũi
Với ông Vũ Phạm Chánh, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên là vị lãnh đạo hết sức chan hòa, gần gũi với cán bộ, công nhân trong ngành.
Trong chuyến đi “kinh lý” qua các tỉnh: Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, khi cả đoàn ngủ lại tại nhà khách Thủy điện Hòa Bình, Bộ trưởng ân cần dặn anh em nhớ đi ngủ sớm, mai ăn sáng xong lên đường, nhớ dặn nhà ăn chuẩn bị cho mấy suất cơm. Đến trưa hôm sau, đoàn đến ngầm Ba Khe (Nghĩa Lộ), Bộ trưởng và tất cả mọi người cùng ăn cơm nắm mang theo ngay bờ suối.
Ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có lẽ là người hạnh phúc nhất trong ngành GTVT khi có thời gian dài được gần gũi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Nhớ về vị tướng tài ba của ngành GTVT, ông Sơn từng kể về kỷ niệm ở Ca Tang.
“Khoảng 5h ngày 10/9/2001, xe chúng tôi vượt ngầm Ca Tang (Quảng Bình) trong lúc nước lũ đang đổ về cuồn cuộn, bác Đồng Sỹ Nguyên quyết định vượt ngầm.
Xe bác đi trước, xe tôi theo sau cách một đoạn chừng dăm chục mét. Nhìn chiếc Land Cruise chở bác Nguyên hùng dũng lao về phía trước có lúc như chìm hẳn trong dòng nước rồi lại chồm lên và vượt qua được quãng đường ngầm khá dài để sang được bờ bên kia.
Còn xe tôi do cậu Trung cầm lái đi được đến giữa ngầm thì khựng lại, chết máy. Nước lũ cứ thế dâng cao ngập cả nóc capo xe, anh em chúng tôi lóp ngóp chui ra khỏi xe lội xuống ngầm tìm cách lên bờ. Tôi và Trung ở lại bên cạnh chiếc Land Cruise đang ngập dần trong nước lũ và lên bờ sau cùng.
Ngâm mình trong dòng nước lũ cứ mỗi lúc một dâng cao, phía bờ bên kia vọng lại tiếng loa với giọng bác Đồng Sỹ Nguyên: Các chú tìm cách lên bờ ngay đi, không được chần chừ nữa, rất nguy hiểm.
Sở dĩ bác liên tục hối thúc bởi ngày trước có 1 tiểu đoàn bộ đội đang đánh răng, rửa mặt bên bờ suối này thì lũ ống từ Lào bất ngờ đổ về cuốn trôi nhiều người.
Anh em thi công cầu Ca Tang, cầu Núng gần đấy huy động xe máy và người tập trung cứu hộ chúng tôi. Xe IFA xuống sông bị ngập chết máy, điều xe bom chở beton ciment xuống cũng ngập chết máy. Cuối cùng họ điều xe xúc bánh xích xuống ngầm dùng gàu xúc đưa chúng tôi lên bờ.
Hành trình chuyến đi không thể bị gián đoạn, chúng tôi phân công cậu Trung ở lại tìm cách đưa xe về lại cơ quan ở Hà Nội để sửa chữa. Tôi và Hải thuê đò của người dân sang bờ bên kia mượn xe của công trường đi tiếp cùng bác Nguyên. Hành trang duy nhất còn sử dụng được là cây đàn ghi ta.
Bác Nguyên trêu tôi: Chú Sơn thì chỉ lo cứu cây đàn ghi ta thôi. Và cũng nhờ có cây đàn ghi ta này mà tối hôm đó ở Quì Đạt chúng tôi hát vang những bài ca về Trường Sơn, về đường Hồ Chí Minh do tôi sáng tác, quên đi khó khăn hiểm nguy vừa trải qua. Khán giả duy nhất tối hôm đó nghe chúng tôi hát là...bác Đồng Sỹ Nguyên”, ông Sơn kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận