Xã hội

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và chiến thuật “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”

06/04/2019, 07:27

Thay vì “phòng là chính”, tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy thay đổi chiến thuật, lãnh đạo bộ đội Trường Sơn “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến".

img
Thiếu tướng Đào Văn Tân, nguyên Chính uỷ Binh đoàn 12

Nhắc đến vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn – Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Đào Văn Tân, nguyên Chính uỷ Binh đoàn 12 vẫn không giấu nổi vẻ xúc động.

Binh đoàn 12 là tiền thân của Đoàn 559 do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh, có lẽ chính vì vậy mà Thiếu tướng Đào Văn Tân kể, lúc nào gặp tướng Nguyên, ông cũng quan tâm hỏi về tình hình của Binh đoàn 12, ngay cả lúc ông ốm nằm viện nhưng vẫn luôn quan tâm đến đơn vị.

Anh em Trường Sơn háo hức vì được đánh địch

Theo lời kể của nguyên Chính uỷ Binh đoàn 12, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được điều về làm Tư lệnh đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cam go, quyết liệt nhất (năm 1967).

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng lúc này là làm sao vận chuyển quân lực, lương thực, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Dù gian khổ, hiểm nguy chồng chất, nhưng với bản lĩnh người bộ đội cụ Hồ và bản lĩnh của một vị tướng chỉ huy, vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn năm ấy đã không quản khó khăn, ngày đêm sát cánh cùng chiến sĩ, đồng đội thực hiện “nhiệm vụ tối cao”.

Mang sẵn trong mình những mưu lược tài ba trong chiến thuật, tướng Đồng Sỹ Nguyên khi ấy đã chủ động đề xuất với tập thể Đảng uỷ Bộ Tư lệnh không theo chủ trương phòng tránh là chính như trước nữa mà thay vào đó phải “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, tất cả các lực lượng phải tập trung bám đường, bám trọng điểm.

Có được sự tin tưởng tuyệt đối của cấp dưới, khi chủ trương được đưa ra, cán bộ chiến sĩ nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương của vị Tư lệnh tài ba.

Thiếu tướng Đào Văn Tân kể, khi ấy không khí trong Trường Sơn phấn khởi lắm, vì lâu nay chúng ta chỉ “tránh”, còn giờ được đánh địch nên anh em vô cùng háo hức với mục tiêu tiêu diệt quân thù.

Một chiến thuật quan trọng được tướng Nguyên chỉ huy khi ấy là bố trí mạng lưới phòng không nhiều tầng tấn công máy bay địch, khi máy bay địch bay thấp thì bị súng bộ binh của ta tiêu diệt, bay cao thì bị cao xạ pháo bắn hạ. Bởi vậy mà rất nhiều máy bay của địch đã bị ta tiêu diệt.

“Khi đó, tôi ở Sư đoàn cơ động chiến đấu, không ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nhưng vẫn luôn nghe danh về vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người chu đáo, rất dũng cảm, mưu trí để mở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại” – Thiếu tướng Tân kể lại.

Nhờ chiến thuật đúng đắn ấy, mà kể từ khi có mặt Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ở Trường Sơn, số lượng hàng hoá, vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm vận chuyển vào miền Nam được gấp nhiều lần so với các năm trước.

Không chỉ vậy, Thiếu tướng Đào Văn Tân còn kể rằng, tướng Đồng Sỹ Nguyên là người luôn quan tâm sâu sát đến cấp dưới, ông chăm lo đến từng bữa ăn của anh em, thường xuyên kiểm tra, động viên chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ.

Khi về công tác tại Binh đoàn 12 và giữ chức vụ Chính uỷ, Thiếu tướng Đào Văn Tân có nhiều cơ hội gặp gỡ tướng Đồng Sỹ Nguyên hơn, dù khi đó ông đã nghỉ hưu.

Tướng Nguyên trong con mắt của ông Tâm lúc này là con người luôn ân cần, gần gũi, sống không quan cách mà rất giản dị đời thường.

Đặc biệt, tướng Nguyên luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Binh đoàn 12- đơn vị tiền thân của Đoàn 559. Rồi ông nhắc nhở đơn vị phải chú trọng làm ăn nhưng tuân thủ đúng pháp luật, phải quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên.

Sự sáng tạo ngoài khả năng chuyên môn

Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh là một trong những người may mắn được chứng kiến nhiều việc làm cũng như có những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi ở bộ đội Trường Sơn.

Ông kể gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào cuối năm 1970, khi ông xuống làm việc với Binh trạm 32.

img
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh Tư liệu

Ấn tượng đầu tiên của ông, đó là vị chỉ huy có dáng vóc cao lớn với mái tóc cắt cua, bước đi nhanh nhẹn.

Nói đến sự chỉ đạo tài ba của vị Tư lệnh Trường Sơn huyền thoại, ông Kiền kể lại, khi ấy tướng Đồng Sỹ Nguyên rất chú trọng việc vận chuyển cơ giới để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Nhưng khi đoàn xe vận tải của ta đi thì địch bắn phá rất dã man, gây tổn hại về người và của. Để hạn chế việc ấy, đoàn xe đi chủ yếu ban đêm, nhưng ban đêm lại đi chậm và mất nhiều thời gian.

Vì vậy, tướng Nguyên nghĩ ra phương án mở các đường kín dưới các tán cây rừng để các đoàn xe vận tải của ta di chuyển được ban ngày làm nhiệm vụ tiếp tế.

Đến đầu năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris, quân địch bắt đầu ngừng ném bom toàn Đông Dương.

Với tầm nhìn xa, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi đó đã bàn với Bộ chỉ huy Bộ đội Trường Sơn, tranh thủ thời cơ để tập trung sửa chữa, nâng cấp đường Trường Sơn chuẩn bị cho giai đoạn sau. Lúc đó, Bộ chỉ huy tổ chức 2 đoàn công tác, đoàn thứ nhất do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi kiểm tra dọc phía Đông, đoàn công tác còn lại do Đại tá Đặng Tính (Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, năm 1973 hy sinh) đi kiểm tra toàn tuyến phía Tây, để lập phương án xây dựng cơ bản 2 hướng Đông, Tây Trường Sơn.

Sau bao gian khổ, khó khăn, chúng ta có được tuyến đường Trường Sơn hùng vĩ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên.

Không chỉ ấn tượng về tài mưu lược của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tướng Hoàng Kiền còn bày tỏ khâm phục sự sáng tạo ngoài khả năng chuyên môn của vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn

Ông nói, tướng Đồng Sỹ Nguyên không tốt nghiệp kỹ sư giao thông, không trực tiếp làm công binh, nhưng vẫn biên tập được cuốn tài liệu về làm đường giống như cuốn giáo trình, sau đó ông trực tiếp đứng lớp giảng cho các cán bộ chủ chốt cấp trung đoàn trở lên nghe, đó đều là những thông tin rất bổ ích mà ông đã tự học và tự sáng tạo ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.