Đại tướng Mỹ Curtis Scaparrotti đang kêu gọi hợp tác hơn nữa giữa các đối thủ hạt nhân và thúc giục các quan chức Hoa Kỳ tìm kiếm nhiều đường dây duy trì liên lạc hơn nữa với các đối tác Nga.
Ông Scaparrotti, người hiện đang chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Bosnia, Afghanistan và Iraq, nói rằng, sự liên lạc để đảm bảo rằng hai bên hiểu nhau.
“Dù không cần liên lạc quá nhiều nhưng giao tiếp là một phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn các thảm kịch”, Đại tướng Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ngày 14/4.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã nhanh chóng xấu đi trong những năm gần đây. Sự biến chuyển này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một “cuộc Chiến tranh lạnh mới”.
“Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chúng tôi hiểu tín hiệu, liên lạc với nhau. Tôi rất lo lắng vì hiện nay hai bên không còn được như thế nữa”, ông Scaparrotti nói.
Cùng quan điểm nêu trên, Đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis nói rằng, đối thoại giữa Washington và Moscow là cần thiết.
“Chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà không có lợi cho ai. Không có sự tham gia ổn định ở cấp độ chính trị giữa các khu vực phòng thủ của mỗi bên, nguy cơ của Chiến tranh Lạnh mới đang tăng lên”, ông Stavridis cảnh báo.
Về phần Nga, nước này cũng đã ghi nhận mối quan hệ ngày càng tồi tệ với liên minh NATO.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko phát biểu với truyền thông hôm 15/4 rằng, “Các hoạt động hợp tác quân sự và dân sự giữa Moscow và NATO đều đã chấm dứt hoàn toàn”.
The ông Grushko, NATO đã bỏ qua mọi chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga và hiện không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy NATO sẽ thoát ra khỏi thế bế tắc này.
Quan chức Nga cũng cảnh báo NATO nên chống lại một cuộc đối đầu quân sự với Nga và tất cả các bên đều không mong muốn điều đó.
Ngoài Ukraine, nơi Mỹ đã theo đuổi các chính sách khiêu khích từ việc gửi vũ khí đến việc thúc đẩy nước này gia nhập NATO, Moscow và Washington đã có một loạt các tranh chấp gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước.
Các tranh cãi về thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung INF và một số lệnh trừng phạt của Mỹ đã đẩy mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn nữa.
Từ lâu, Nga đã phàn nàn rằng liên minh NATO tìm cách phá hoại an ninh của Nga và bao vây Moscow bằng việc kết nạp các đồng minh mới gần Moscow.
Cụ thể, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1990, 13 quốc gia láng giềng Nga đã gia nhập liên minh NATO.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận