Đại diện nhà máy Soda Chu Lai cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc phải tạm dừng hoạt động gần 2 năm qua là do nhà máy thiếu hệ thống xử lý nước thải. |
Doanh nghiệp bị đóng cửa do ô nhiễm
Nhà máy sản xuất soda Chu Lai được Công ty Cổ phần Soda Chu Lai đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, được đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Sau 5 năm đầu tư với trang thiết bị có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, tháng 6/2015, Nhà máy sản xuất Soda Chu Lai chính thức đi vào hoạt động.
Nhưng đến tháng 8/2016, nhà máy phải tạm dừng do gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, người dân phản đối quyết liệt. Doanh nghiệp này từng bị xử phạt vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 700 triệu đồng. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có Văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu nhà máy soda Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Vũ Thương, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, để Nhà máy sản xuất Soda Chu Lai hoạt động trở lại, trước hết doanh nghiệp phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Mong muốn nhà máy hoạt động trở lại để giải quyết nợ nần
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Soda Chu Lai cho biết: Hiện chúng tôi cần ít nhất 300 tỷ đồng để “giải quyết hậu quả” mà doanh nghiệp để lại, sau đó mới tính đến chuyện khởi động trở lại. Đó là các khoản nợ lương công nhân, nợ tiền điện, tiền nước, nợ thuế; kể cả tiền đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng gói gọn trong khoản tiền đó. Nhưng lấy đâu ra số tiền lớn như vậy, trong khi các ngân hàng không thể cho vay thêm?
Cách duy nhất để giữ nhà máy lúc này là mỗi ngày, doanh nghiệp cắt cử 3 cán bộ túc trực để duy trì, bảo dưỡng các thiết bị quan trọng. |
Ông Dũng cho biết, hiện khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng của 5 ngân hàng, trong đó có 4 Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Tuyên Quang đã được các bên thỏa thuận theo hướng cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ. Tức là doanh nghiệp được phép kéo dài thời hạn trả nợ ngân hàng:
“Nhẽ ra thì chúng tôi triển khai từ tháng 4 cơ nhưng còn một số vấn đề liên quan đến cơ cấu nợ của ngân hàng hơi chậm 1 chút. Đầu tháng 5 tới, cụ thể chậm nhất là ngày 5 chúng tôi sẽ tiến hành triển khai. Bước đầu tiên là chúng tôi sẽ khắc phục những khiếm khuyết. Thứ 2 là đầu tháng 5, cổ đông mới sẽ cử đoàn chuyên gia vào cùng anh em cũ bàn bạc. Dù gì đi chăng nữa thì nhà máy phải vận hành chứ không thể không vận hành được”, ông Dũng tâm tư.
Chủ đầu tư dự án cho biết việc tái khởi động dự án này sẽ mất khoảng 300 tỷ đồng |
Những hỗ trợ từ chính quyền và Ngân hàng
Theo ông Thương thì chí ít doanh nghiệp phải cần một khoản tiền trên 500 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
“Theo quy định thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoặc Bộ ủy quyền lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng và đoàn xuống kiểm tra. Trước khi kiểm tra thì doanh nghiệp phải có số liệu báo cáo đầy đủ, đoàn thấy rằng việc đó đảm bảo đúng theo các quy định, hướng dẫn về việc xác nhận công trình này đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường đảm bảo hết rồi thì cho nhà máy đi vào hoạt động”, ông Thương cho biết.
Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bản thân ngân hàng và nhà máy cũng đều là doanh nghiệp, nếu cho hoạt động lại thì phải tính phương án tái cơ cấu, tức là tái cơ cấu vốn. Nhưng thực ra trong quá trình kinh doanh của họ thì việc đó chính quyền không nắm được và mình cũng không thuộc chức năng để nắm. Khi nào nhà máy hoạt động mà liên quan đến hành chính thì chính quyền mới ra tay. Chắc chắn khi nhà máy hoạt động trở lại mà hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo thì mình sẽ giám sát. Việc này không phải bây giờ mà trước đây Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hành chính cũng đã quyết định việc đó”.
Đến nay, ngoài khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng, doanh nghiệp này còn nợ các khoản thuế, lương công nhân, nợ tiền điện, tiền thuê đất hơn 340 tỷ đồng.
Trước đó, do doanh nghiệp không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam phát đơn kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, phía Ngân hàng cũng đã cử đoàn công tác sang Trung Quốc làm việc với Công ty Thiên Thần Trung Quốc, nhà thầu xây dựng và cung cấp thiết bị cho Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai để tìm hướng khắc phục; Xúc tiến hợp tác với công ty Liên Vận Cảng, chuyên sản xuất sô đa tại Trung Quốc để cải tạo, nâng công suất nhà máy sô đa Chu Lai... Cùng với việc khởi kiện ra tòa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng thành lập Tổ xử lý nợ, thuê bảo vệ để giữ tài sản thế chấp là nhà máy, hỗ trợ nhà đầu tư tìm đối tác để bán cổ phần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận