Điện ảnh

Tương phản gam màu sáng - tối điện ảnh Việt 2017

17/02/2018, 14:36

Bức tranh toàn cảnh làng phim nước nhà một năm qua bao gồm những gam màu tương phản trộn lẫn giữa sáng và tối.

106

Nam diễn viên Ngô Thế Quân đảm nhận vai người cha của cậu bé Cá trong bộ phim “Cha cõng con”

Đầu tư sâu về chất lượng nội dung

Khi hài nhảm mất vị thế, một xu thế khác lên ngôi: Đầu tư sâu về chất lượng nội dung. Năm nay xuất hiện hàng loạt Hotboy nổi loạn 2, Dạ cổ hoài lang, Lô Tô, Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Đảo của dân ngụ cư…, vấn đề thân phận con người được đẩy lên cao với nhiều cung bậc sâu sắc. Hotboy nổi loạn 2, Lô Tô khám phá thế giới người đồng tính. Dạ cổ hoài lang đem đến không gian hoài niệm về những người của thời đại cũ. Có căn nhà nằm nghe nắng mưa khai thác về bi kịch gia đình, nảy sinh từ tình mẫu tử. Đảo của dân ngụ cư nói về số phận con người bị cầm tù trong không gian gia đình. Cha cõng con, cái tên nổi bật nhất, là câu chuyện đậm tính nhân văn về tình phụ tử.

Từ những cuộc xé rào nội dung như vậy, có thể nhận ra sự chuyển mình của giới làm phim. Điển hình như Dạ cổ hoài lang, Nguyễn Quang Dũng đã có cú bẻ lái sau một thời gian dài làm phim hài thị trường. Vũ Ngọc Đãng sau hàng loạt thất bại mang tính giải trí xuề xoà kém chất với Con ma nhà họ Vương, Vòng eo 56 đã trở lại với dòng phim chiêm nghiệm suy tư.

“Thực ra, người làm phim nào cũng có nhu cầu làm những sản phẩm nghiêm túc”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay. Nhưng cũng như kinh doanh sản phẩm khác, quán ăn chẳng hạn, tùy theo thời cuộc mà người làm phim phải đáp ứng như vậy”. Phim hài nhảm thống trị phòng vé quá lâu sẽ dẫn tới hiện tượng “vật cực tất phản”, “Làm hoài một thứ thì không chỉ khán giả mà bản thân người làm phim cũng sẽ thấy ngán. Hiển nhiên, họ phải cố gắng tìm kiếm những thứ mới mẻ hơn”.

105

“Yêu đi! đừng sợ” - một trong những bộ phim Việt hóa khá thành công về doanh thu nhưng lộ ra việc thiếu kịch bản gốc Việt hay

Việt hóa bị “hắt hủi”

Bên cạnh những yếu tố trên, không thể không nhắc tới trào lưu Việt hóa phim nước ngoài. Sau năm 2016 với những sản phẩm Em là bà nội của anh, Yêu, Bạn gái tôi là sếp, năm 2017 tiếp tục đón nhận những Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi! đừng sợ. Năm 2018 hứa hẹn hàng loạt các dự án khác như: Những tháng năm rực rỡ, Yêu em bất chấp, Sát thủ đầu mang mũ… Đó là còn chưa tính đến 2 cơn sốt khủng khiếp ở mảng truyền hình là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng. Màu sắc kịch bản ngoại trong năm 2017 thậm chí còn rõ nét hơn trước. Dĩ nhiên, cũng có những thành công trông thấy, ví dụ Sắc đẹp ngàn cân vẫn đạt 13 tỷ đồng doanh thu chỉ sau 3 ngày công chiếu. Yêu đi! Đừng sợ cũng 3 tuần đứng trong top doanh thu, dù phải cạnh tranh với nhiều siêu phẩm ra mắt cùng thời điểm. Giới chuyên môn cũng đã bắt đầu mở cửa với thể loại này. Sau một kỳ LHP 2016 khắt khe với Em là bà nội của anh, LHP 2017 cuối cùng đã chấp nhận cho các phim Việt hóa tranh giải cá nhân.

Tuy nhiên, nếu gạt bỏ những con số doanh thu nhất thời, xu thế Việt hóa lại vạch ra khoảng trống lớn phía sau. Đó là việc thiếu vắng các kịch bản gốc Việt hay, vị thế của nhà biên kịch Việt bị giảm sút. Đạo diễn Phan Đăng Di phân tích: “Dù thế nào đi nữa, kịch bản nước ngoài cũng dựa trên chất liệu, thực tế sống khác, không phải thứ thuộc về Việt Nam. Tất nhiên, có những bộ phim nước ngoài hay thì chúng ta đem Việt hóa, tiền trả cho bản quyền thấp, giải quyết rất nhanh những nhu cầu trước mắt”.

2018 có gì khác?

Theo đó, điện ảnh Việt bước vào năm 2018 với nhiều dấu hỏi. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, đây chưa phải là hồi kết cho dòng phim hài nhảm. “Nó đi xuống, nhưng sẽ không chết hẳn. Như thị trường thời trang, có lúc mốt này mốt kia, điện ảnh có sự xoay vòng thị hiếu nhất định. Vào một thời điểm nào đó, dòng hài giải trí sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, nhưng với sự đầu tư khác hẳn về góc nhìn và gu thẩm mỹ mới”. Minh chứng cho điều này chính là việc trong Tết Mậu Tuất tới, vẫn sẽ có bộ phim 789 Mười ra mắt, mà theo đạo diễn Dustin Nguyễn: “Đây là dạng phim hài “lầy, cười bể bụng”, cười sảng khoái, đời thường, giải trí”.

Các mùa phim Tết trước chứng kiến mùa Tết bội thu của phim Việt như Mỹ nhân kế (2013 - 56 tỷ đồng), Hello cô Ba (2012 - 25 tỷ đồng), Công chúa teen & Ngũ hổ tướng (2010 - 25 tỷ đồng). Tết 2017, bộ phim đạt doanh thu cao nhất là Nàng tiên có 5 nhà chỉ đạt 19 tỷ đồng.

Số lượng phim hài Tết cũng giảm so với trước. Năm 2014 có 7 phim, năm 2015 là 5 phim, năm 2016 là 6 phim. Riêng trong năm 2017, chỉ có 3 phim ra mắt trong dịp Tết Âm lịch là Nàng tiên có 5 nhà, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu và Rừng xanh kỳ lạ truyện.

Từ những dấu hiệu có sẵn trên thị trường, phim remake sẽ vẫn tiếp tục chiếm một vị trí nhất định tại các rạp chiếu bóng. Hàng loạt các dự án kịch bản nước ngoài đang rục rịch tiến quân sau dịp Tết Âm lịch như Yêu em bất chấp, Chàng vợ vú em, Ngựa hoang… Remake sẽ vẫn là một giải pháp tất yếu để tạm thời đáp ứng nhu cầu khan hiếm kịch bản chất lượng. Song, không đồng nghĩa với việc thiếu đi các dự án lớn có tính chất thuần Việt. Đạo diễn, NSX Ngô Thanh Vân mới đây đã bộc lộ tham vọng khi công bố tới 4 dự án phim ra mắt trong năm 2018, gồm cả hài, hành động lẫn tâm lý xã hội. Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả Cha cõng con cũng đã hé lộ một đại dự án mang tên 758 với số tiền đầu tư khổng lồ lên tới 60 tỷ đồng.

Sau cùng, thị trường điện ảnh Việt hứa hẹn vẫn sẽ là một “chảo lửa” cạnh tranh. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Phim Việt vẫn sẽ chịu sức ép dã man từ phía phim nước ngoài. Bởi, thực tế hiện giờ là các phim Việt vài triệu đô phải đi đấu với các phim hàng chục, trăm triệu đô nước ngoài trong cùng một mức giá vé”. Rạp chiếu ngoại chiếm tỉ lệ cao, với tâm lý ưu ái phim nước ngoài để tối ưu hóa lợi nhuận là vấn đề được đặt ra cấp thiết từ năm 2016, tới nay vẫn chưa có lời giải, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.