Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm người mất tích, giúp người dân khắc phục hậu quả.
Mất người thân, tan cửa nát nhà sau lũ
Sáng 11/9, Làng Nủ mưa trắng trời, dòng suối Vằng Kheo vốn phẳng lặng nay trở nên hung dữ, cuồn cuộn chảy.
Cả một khu dân cư rộng lớn cùng ruộng nương của bà con giờ chỉ là bãi đất trống, bùn lầy trộn lẫn đất đá. Không khí tang tóc bao trùm làng quê yên bình.
Tại nhà văn hóa (nơi đặt trạm chỉ huy tìm kiếm cứu nạn), 5 cỗ quan tài (3 lớn, 2 bé) đặt ngay ngắn, khói hương nghi ngút.
Anh Hoàng Văn Thợi (SN 1986) đờ đẫn ngồi bệt bên cạnh, nước mắt anh đã không còn để khóc thương người thân.
Gia đình anh có 7 người gặp nạn (gồm mẹ, chú, thím và các cháu) thì hiện chỉ mới tìm được 5 thi thể, vẫn đang mất tích 2 người.
Cách đó không xa, anh Sầm Văn Bóng (SN 1980) nghẹn ngào: "Trắng tay rồi, mất hết rồi". Nhà anh Bóng có 7 người thì 5 người gặp nạn (gồm vợ, con trai cả, con gái út, con dâu và cháu).
Hiện lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy thi thể con trai đầu, con dâu và cháu, vợ và con gái út vẫn chưa tìm thấy.
"Nhà tôi còn một thằng thứ 2 nữa, nó đi làm công nhân dưới Bắc Ninh, không ở nhà lúc lũ quét.
Còn tôi sáng hôm đó dậy sớm, thấy nước lũ dâng mạnh nên nói với con trai đầu là bố chạy ra kiểm tra nhà cho cậu ở đầu làng.
Lúc chạy về giữa đường thì nghe tiếng nổ lớn, rồi lũ chảy ầm ầm, thấy một người bị cuốn trôi nhưng chạy xuống không tài nào cứu được.
Gần đó, có tấm phản trôi lềnh bềnh theo nước, tôi vội vàng chạy về thì tất cả đã bị vùi lấp dưới đất đá", anh Bóng kể và cho biết thêm: Trong làng cũng có 3 trường hợp mất hết người thân như anh sau cơn lũ dữ.
Nỗi đau không nói thành lời
11h trưa, tiếng ồn ào phát ra từ phía xa, hàng trăm ánh mắt đổ dồn về đó. Một tốp chiến sĩ quân đội cùng người dân đang gánh một thi thể lên bờ. Hàng chục người nhào chạy tới.
Thi thể được đưa đến khu vực khâm liệm, đó là thi thể một người phụ nữ, tóc tai bê bết bùn đất, cơ thể bầm dập. Mấy người phụ nữ khác gào lên đau đớn, ào tới chỗ quan tài, ngất lịm…
Đến khoảng 14h30 chiều cùng ngày, những thi thể xấu số được đưa đi chôn cất, nghĩa trang nằm trên ngọn đồi thoải cách nhà văn hóa khoảng 1km.
Trời bắt đầu mưa dày hạt, 4 - 5 cái quan tài nối thành hàng lạnh lẽo, lầm lũi trên con đường nhầy nhụa nước mưa và đất đá.
Đoàn người đưa tang cũng chỉ mấy chiến sĩ bộ đội, công an và vài ba người thân ruột thịt.
Quãng đường ra nghĩa trang tuy không xa, nhưng phải leo qua ba con dốc cao, đi được nửa đường đoàn lại phải dừng lại để siết lại dây thắt các cỗ quan tài.
Vừa kịp đưa người thân ra chỗ chôn cất, anh Hoàng Văn Đính lại vội quay trở về nhà văn hóa để ngóng tin những người thân còn lại.
Giọng anh run rẩy vì đói và rét: "Anh em họ hàng có 6 người (3 người lớn, 3 trẻ con), hiện 2 cháu đã tìm thấy thi thể, một cháu đang được đưa đi cấp cứu, còn 3 người lớn vẫn chưa tìm thấy".
Càng về chiều, trời bắt đầu tạnh mưa. Anh Mông Văn Vũ (SN 1989) nãy giờ đứng thất thần tại một góc sân nhà văn hóa, người ướt sũng.
Anh kể, mình đang đi làm thuê dưới Hà Nội, trưa ngày 10/9, nghe tin làng bị lũ quét liền vội nhảy xe về nhà.
Lên đến huyện, đường bị sạt và ngập, anh nhảy xuống cuốc bộ, đoạn nào xe đi được thì xin xe người dân đi nhờ.
"Về đến nhà tôi không tin vào mắt mình, cả một khu dân cư bị xóa sạch, vùi lấp hoàn toàn dưới bùn đất. Nhà tôi cũng có bà nội và 2 cháu họ đang mất tích", anh Vũ kể.
Anh đang định nói tiếp thì một người phụ nữ lớn tuổi chạy đến lay tay anh: "Bà có phải đeo cái vòng bạc và vòng dây chỉ ở tay không?
Nghe nói phía dưới tìm kiếm được một người tay đeo chỉ và vòng bạc, nhưng không còn đầu nữa…". Vừa nghe đến đó, anh Vũ vội vàng chạy đi.
Lũ đến trong tích tắc
Đầu tóc bơ phờ, mặt mũi hốc hác sau hai ngày lội bùn tìm kiếm người mất tích, anh Hoàng Văn Độ - Chỉ huy trưởng quân sự xã Phúc Khánh ngồi một góc, lòng nặng trĩu.
Chỉ kịp cùng với gia đình mai táng em trai và em dâu, nhờ chị gái lên chăm cháu đang bị gãy đùi, chấn thương sọ não, dập gan đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, anh lại lao vào tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Anh sinh ra lớn lên ở Làng Nủ, đến năm 2010 lập gia đình mới chuyển lên trung tâm xã sinh sống. Sáng 10/9, ngay khi nhận được tin báo, anh lập tức chạy về làng vì ở đó có bố mẹ và gia đình các em.
"Vì đường sạt lở, ách tắc nên phải chạy bộ, gần một giờ mới vào tới nơi. Tôi không thể tin vào mắt mình, mọi thứ tan hoang.
Chỗ gia đình em trai và các hộ dân gặp nạn đất bằng phẳng nhất, rộng rãi nhất.
Gia đình em trai tôi còn xây dựng nhà 2 tầng nên ai cũng nghĩ là nơi an toàn nhất, không ngờ lại chết oan uổng", anh nghẹn giọng.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch xã Phúc Khánh cho biết thêm: Vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra vào khoảng gần 6h sáng 10/9.
Nghe tin, lực lượng chức năng đã nhanh chóng di chuyển vào. Tuy nhiên, đường vào bị sạt lở nghiêm trọng, liên lạc bị cắt đứt nên gần 2 giờ mới vào tới nơi.
"Lũ đến trong tích tắc, trở tay không kịp", ông nói.
Đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên điều trị, từ khi tỉnh dậy, bà Hoàng Thị Dâu (50 tuổi) cứ nằm khóc trên giường bệnh.
Bà khóc không phải vì các vết xây xước đầy người mà vì mình may mắn sống sót, trong khi con dâu và cháu vẫn đang mất tích.
Bà kể trong nước mắt: "Tôi đang nằm thì nghe tiếng động mạnh và rung chuyển cả vùng, sau đó trời đất tối sầm lại.
Chỉ trong chốc lát, nước lũ cùng với đất đá từ trên núi trôi xuống. Tôi cố bơi vào gần bờ rồi được người dân lôi lên, đưa vào bệnh viện".
Huy động mọi nguồn lực tìm kiếm nạn nhân
Nhận được tin báo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội đã nhanh chóng được tăng cường vào hiện trường.
Ngành điện lực, Y tế, Tập đoàn Viettel cũng nhanh chóng có mặt để sớm thông lại điện lưới, liên lạc và các dịch vụ y tế.
Đến ngày 12/9, Bộ đội Biên phòng cũng tăng cường thêm chó nghiệp vụ để hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.
Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mắt đỏ hoe: "Địa phương đã và đang huy động tối đa các lực lượng để tìm kiếm người mất tích.
Tỉnh cũng chỉ đạo ngành y tế địa phương huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị cứu chữa những người bị thương. Tỉnh quyết tâm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc trong lúc cơ hàn".
Cùng đội mưa, lội bùn với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tìm kiếm, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 động viên: "Vẫn còn nhiều người dân đang mất tích, phải rà soát thật kỹ từng vị trí, phải lật từng viên gạch, gốc cây… không được bỏ sót bất cứ vị trí nào".
Trời về chiều, Làng Nủ đã có nắng, hơn chục chiếc quan tài vừa được chuyển vào xếp lạnh lẽo giữa sân nhà văn hóa.
Thế nhưng, nhiều khu dân cư đã sáng điện, ngược chiều ra, từng đoàn xe cứu trợ mang hơi ấm, tình cảm của nhân dân cả nước vào sẻ chia, động viên bà con vượt qua cơn bĩ cực.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết, trước mắt mỗi gia đình có nạn nhân tử vong được hỗ trợ 25 triệu đồng để lo mai táng.
Khu vực sạt lở có 37 hộ/158 nhân khẩu. Trong đó có 84 nam và 74 nữ; dưới 16 tuổi là 18 người; trên 16 tuổi 14 người. Có 2 hộ mất hết cả gia đình là 1 hộ 4 người và 1 hộ 2 người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận