Quá tải, kém hiệu quả nếu ôm đồm nhiều kỳ thi
Còn 2 tháng nữa, các thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó có xét tuyển sớm bằng nhiều phương thức khác nhau.
Năm 2024, ngoài các kỳ thi riêng có quy mô lớn, được nhiều trường ĐH làm căn cứ để xét tuyển như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM, ĐHQG Hà Nội; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND của Bộ Công an; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh còn xuất hiện thêm một số kỳ thi riêng của ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Việt Đức, Học viện Ngân hàng.
Để đáp ứng các kỳ thi riêng, đòi hỏi thí sinh phải học gấp nhiều lần bình thường bởi nếu các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các trường phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp THPT có cấu trúc đề thi theo hướng khá quen thuộc thì đề thi tại các kỳ thi riêng thì mỗi trường một kiểu.
Theo chia sẻ của một giáo viên khối THPT, các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Nếu như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh có phạm vi, lĩnh vực rộng và được nhiều trường ĐH lựa chọn là 1 trong những phương thức tuyển sinh, thì kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên… Vì vậy, thí sinh chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, không nên ôm đồm quá nhiều kỳ thi để không bị phân tán, quá tải.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: "Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kỳ thi riêng của Bộ Công an... Tôi không khuyên các em phải tham gia tất cả các kỳ thi riêng đó. Các em nên chọn một hoặc hai kỳ thi riêng để tham gia. Bởi mỗi trường sẽ có những mục tiêu, đánh giá khác nhau trong những khối ngành khác nhau. Nếu chúng ta đã xác định được rõ ngành nghề mình sẽ theo đuổi chỉ nên tham gia một hoặc hai kỳ thi".
Lưu ý những điều này để tránh trượt oan
Theo bà Thủy, xét tuyển sớm là làm tăng các cơ hội trúng tuyển của các em. Các kỳ xét tuyển sớm sẽ diễn ra trước thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó các em cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để không để lỡ thời điểm nộp hồ sơ. Dù tham gia kỳ thi riêng hay đăng ký xét tuyển sớm trên hệ thống của các trường đại học, sau đó, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Khi đó, các nguyện vọng xét tuyển mới được xác nhận có hiệu lực và các em mới có cơ hội để trúng tuyển vào trường đại học mong muốn.
Bà Thủy cũng lưu ý, ngoài ra, trong quá trình đăng ký xét tuyển, những năm trước đã có trường hợp một số em sau khi điều chỉnh sắp xếp thứ tự nguyện vọng không thực hiện thao tác kết thúc quy trình, do đó hệ thống chưa ghi nhận được nguyện vọng thay đổi của các em. Vì vậy, cần lưu ý thực hiện quy trình đầy đủ từ đầu đến cuối.
Đặc biệt lưu ý, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh mới nhất của các trường, cần nắm rõ các điều kiện, quy định sơ tuyển đầu vào (nếu có), tránh việc không đủ điều kiện, dẫn tới "đỗ thành trượt" như một số trường hợp phải xử lý ở các năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận