Thời sự Quốc tế

Tỷ lệ cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục, hé lộ dấu hiệu đáng chú ý

02/11/2024, 18:44

Đến thời điểm này, ước tính đã có hơn 62 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024, phá vỡ kỷ lục ở một số bang, mang đến hy vọng cho cả hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nhiều bang có tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục

Ngày bầu cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ chính thức diễn ra vào 5/11 tới nhưng đến nay đã có hàng triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm. Tính đến ngày 31/10, đã có ít nhất 62,7 triệu người bỏ phiếu sớm, chiếm gần 40% tổng số phiếu bầu nếu so với năm 2020.

Tại bang Georgia, quan chức phụ trách bầu cử Brad Raffensperger cho biết, hơn 3,5 triệu người ở bang này đã bỏ phiếu, chiếm 45% số cử tri đã đăng ký và đánh dấu con số cao kỷ lục.

Tỷ lệ cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục, hé lộ dấu hiệu đáng chú ý- Ảnh 1.

Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại Atlanta, Georgia (Ảnh: EPA-EFE).

Ông Raffensperger dự đoán có khoảng 70% người dân Georgia sẽ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử này. Xu hướng trên cũng diễn ra tương tự ở nhiều bang dao động như North Carolina.

Trong khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump đang cạnh tranh sít sao ở cả 7 bang chiến trường, thường là những nơi quyết định kết quả bầu cử.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục một phần là vì trong chiến dịch tranh cử của bà Harris, nữ phó Tổng thống đã khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu sớm.

Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Barack Obama và ứng viên cùng tranh cử với bà Harris ở vị trí Phó Tổng thống đều đã đi bỏ phiếu sớm để thể hiện ủng hộ.

Với cựu Tổng thống Donald Trump, trước đây, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa từng nghi ngờ về tính công bằng của việc bỏ phiếu sớm, nhưng hiện tại ông đã chấp nhận phương thức này và ra sức kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu.

Con số đáng chú ý

Nhận định về xu hướng bỏ phiếu sớm năm nay, Giáo sư Julian Zelizer đến từ Đại học Princeton đánh giá: "Cử tri có lẽ đã có cảm nhận rất rõ rệt về hai ứng viên và sau năm 2020, các bang thực sự củng cố, cải thiện quy trình bỏ phiếu sớm".

Tiến sĩ Michael McDonald, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Florida, người đang theo dõi chặt chẽ việc bỏ phiếu sớm, cho biết số lượng phiếu bầu sớm tăng cao sẽ giúp hai ứng viên tập trung nỗ lực tranh cử ở giai đoạn nước rút hơn.

Chia sẻ trên một podcast, ông McDonald chỉ ra, khi cử tri đi bỏ phiếu sớm, hai ứng viên có thể loại bớt những người này khỏi danh sách cần gọi điện kêu gọi và tập trung vào những người khác.

Theo số liệu thống kê từ phòng nghiên cứu của ông Mc Donald ở sáu bang Colorado, Georgia, Idaho, Michigan, North Carolina và Virginia, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm là phụ nữ chiếm khoảng 55% còn nam giới là 45%.

Đảng Dân chủ hy vọng điều đó sẽ mang lại lợi thế cho bà Harris. Các cuộc thăm dò ý kiến vốn đã cho thấy bà Harris dẫn đầu rõ rệt về tỷ lệ phụ nữ.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cũng chỉ ra ngày càng có nhiều người ủng hộ ứng viên Trump đi bỏ phiếu sớm.

Tại cuộc vận động tranh cử ngày 30/10, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump tuyên bố: "Đảng Cộng hòa đã lập kỷ lục cao nhất" về bỏ phiếu sớm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.